BSCKII Trần Minh Thảo, Phó trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có 7 xét nghiệm máu không cần nhịn ăn.
– Xét nghiệm nhóm máu: Đây là xét nghiệm để xác định được bạn thuộc nhóm máu nào. Các nhóm máu thường được quy định do gen di truyền và sẽ không thay đổi. Do đó, bạn không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm.
– Xét nghiệm công thức máu: Việc ăn uống sẽ không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, do đó bạn không cần nhịn ăn trước khi lấy mẫu. Tuy nhiên, trong trường hợp mẫu máu cho các loại xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm miễn dịch,… hay một số xét nghiệm khác thì bắt buộc phải nhịn ăn từ 8 – 12 giờ để không làm sai lệch kết quả xét nghiệm.
– Xét nghiệm viêm gan A, B, C…
– Xét nghiệm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai…
– Tầm soát ung thư: Xét nghiệm nhằm tìm ra dấu ấn ung thư như: hormone hay các protein đặc biệt.
– Xét nghiệm liên quan đến sản khoa như định lượng Beta hCG, các xét nghiệm liên quan đến tầm soát dị tật thai nhi. Xét nghiệm NIPT: Đây là phương pháp tầm soát dị tật thai nhi không xâm lấn và được nhiều mẹ bầu lựa chọn. Xét nghiệm này, mẹ bầu có thể ăn uống đầy đủ trước khi xét nghiệm để tránh nguy cơ bị tụt huyết áp do đói.
– Xét nghiệm giun sán: Đây là loại xét nghiệm bạn không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm.
Để đảm bảo kết quả chính xác đối với các xét nghiệm máu không cần nhịn ăn, bạn nên lưu ý:
– Tuy không cần nhịn ăn nhưng bạn nên tránh những loại đồ ăn có tính cay nóng, tránh sử dụng các chất kích thích làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
– Có thể uống nước lọc trước khi xét nghiệm máu.
– Không nhai kẹo cao su và tập thể dục trước thời điểm lấy mẫu: Việc này sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu hóa và có thể làm sai lệch kết quả.
Các xét nghiệm nên nhịn ăn trước khi thực hiện:
Chức năng gan; Chức năng thận; Đường huyết; Mỡ máu; Định lượng sắt; Xét nghiệm ngưng tập tiểu cầu
Thời gian nhịn ăn tối thiểu nên từ 8– 12 tiếng. Vì các chất dinh dưỡng từ sẽ chuyển hóa thành đường glucose, sau đó được cơ thể hấp thụ và chuyển đổi thành năng lượng. Lúc này, hàm lượng các thành phần trong máu sẽ thay đổi và làm sai lệch kết quả xét nghiệm.