Chấp nhận đợi vì không còn cách nào khác
Cơn đau nhức cột sống cổ và lưng đã kéo dài nhiều năm, bà Nguyễn Thị Chín (52 tuổi, quận Bình Tân, TPHCM) đi khám tại Bệnh viện quận Tân Phú (TPHCM) theo diện BHYT. Tại đây, bác sĩ chỉ định cho bà Chín chụp MRI và đưa ra ba phương án lựa chọn: phương án 1 nằm viện 5 ngày theo quy định để được hưởng BHYT 80%; phương án 2 nằm viện 3 ngày với chi phí chụp MRI khoảng 1.700.000 đồng; phương án 3 chụp ngay, không cần nằm viện với chi phí chụp MRI là 3.000.000 đồng.
“Tới ngày chụp MRI, bệnh viện thông báo 15h lên xe ôtô cùng với khoảng 12 người đến Bệnh viện Chuyên khoa Ngoại thần kinh quốc tế tại đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TPHCM chụp MRI vì bệnh viện không có máy chụp MRI” – bà Chín chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động tại Bệnh viện Chuyên khoa Ngoại thần kinh quốc tế, không chỉ có người bệnh của Bệnh viện quận Tân Phú, mà còn có bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất… tất cả đều được đưa bằng xe riêng của bệnh viện đến và chờ chụp các kỹ thuật như: CT-Scan, MRI.
Bệnh nhân N.T.N (63 tuổi, TPHCM) cũng phải cùng người thân đợi nhận kết quả chụp CT-Scan tại Bệnh viện Chuyên khoa Ngoại thần kinh quốc tế. Theo gia đình bệnh nhân, trước đó bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM khám vì mắc bệnh phổi. Tuy nhiên, bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân chờ chụp CT-Scan quá tải, chỉ làm được cho bệnh nhân nội trú, còn ngoại trú không còn đủ máy nên người bệnh sẽ được sắp xếp qua đây chụp và vẫn được hưởng BHYT.
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, các máy này chủ yếu là từ xã hội hóa (liên doanh – liên kết tặng lại hoặc từ nguồn vay kích cầu). Vì chỉ còn 1 máy hoạt động, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chỉ ưu tiên chụp cho bệnh nhân nội trú. Mỗi ngày, nếu hoạt động hết công suất (24 tiếng), bệnh viện có thể chụp được trên 100 ca, tùy theo loại chỉ định, nhưng phải đảm bảo trong phạm vi quỹ bảo hiểm y tế thanh toán (8 tiếng chỉ được chụp 58 ca).
Chuyện cũ nhưng chưa biết khi nào mới chấm dứt
Không chỉ có vấn đề chụp CT-Scan, MRI khiến bệnh nhân và cả bệnh viện tự xoay xở rất nhiều năm nay. Kỹ thuật chụp PET/CT (kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cao cấp, giúp thấy được hình ảnh cũng như hoạt động chuyển hóa của khối bướu trong cơ thể một cách chính xác hơn so với các kỹ thuật chụp khác) hiện cũng quá tải.
Cả khu vực phía Nam hiện nay có 3 cơ sở được Bộ Y tế cấp phép thực hiện kỹ thuật này là: Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM và Bệnh viện Quân y 175.
Ghi nhận tại Bệnh viện Quân y 175, suốt những năm qua nguồn phóng xạ để thực hiện kỹ thuật PET/CT bệnh viện sẽ phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển nhượng qua để chụp cho bệnh nhân, tuy nhiên số lượng chụp còn khiêm tốn.
Tùy vào từng thời điểm, bệnh nhân có thể được chụp PET/CT luôn hoặc phải chờ đợi nguồn cung cấp thuốc phóng xạ. Bởi ngay cả tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM là một trong hai đơn vị được Bộ Y tế cấp phép sản xuất nguồn thuốc phóng xạ này tại TPHCM cũng đang phải hoạt đồng cầm chừng vì quá tải.
Đơn vị sản xuất nguồn thuốc phóng xạ còn lại được cấp phép là Công ty CP Y học Rạng Đông có thể sản xuất cung ứng thuốc phóng xạ 18F-FDG. Tuy nhiên, hệ thống sản xuất thuốc phóng xạ được đánh giá “hiện đại nhất Đông Nam Á” vẫn chưa thể sản xuất thuốc được do nhiều vướng mắc về pháp lý.
Trước tình huống nhiều bệnh nhân đang xếp hàng dài để chờ được thực hiện kỹ thuật PET/CT, Sở Y tế TPHCM đã có công văn gửi Bộ Khoa học Công nghệ và UBND TPHCM nêu rõ, thuốc phóng xạ 18F-FDG có tuổi thọ ngắn (dưới 12 giờ) và thời gian bán hủy ngắn (khoảng 110 phút) nên việc sử dụng phải được tiến hành ngay sau khi sản xuất.
Việc vận chuyển thuốc từ các địa phương khác về TPHCM để sử dụng là không khả thi. Do đó, các bệnh viện tại TPHCM chỉ có thể tự sản xuất thuốc hoặc mua thuốc từ các đơn vị sản xuất hoặc nhượng từ các bệnh viện có khả năng sản xuất trên địa bàn.
Bệnh viện Ung Bướu đang triển khai phương pháp PET/CT để chẩn đoán bệnh lý ung thư và một số bệnh lý khác. Tuy nhiên, việc cung ứng thuốc 18F- FDG cho chẩn đoán hình ảnh PET/CT thường xuyên bị gián đoạn do Bệnh viện Ung Bướu chưa tự sản xuất được thuốc 18F-FDG. Bệnh viện đang xây dựng đề án trang bị hệ thống Cyclotrons tại Bệnh viện để tự chủ nguồn cung ứng thuốc 18F-FDG.
Tại TPHCM, chỉ có Bệnh viện Chợ Rẫy đang sản xuất và có thể chuyển nhượng thuốc 18F-FDG cho Bệnh viện Ung Bướu nhưng khả năng sản xuất không đảm bảo nhu cầu cho cả 2 bệnh viện. Công ty CP Y học Rạng Đông – Chi nhánh tại TPHCM hiện chưa sản xuất thuốc để cung ứng.
Theo báo cáo của Công ty CP Y học Rạng Đông – Chi nhánh tại TPHCM, công ty chưa thể đưa dây chuyền sản xuất vào hoạt động.
Để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc 18F-FDG, Sở Y tế đề xuất: Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ – Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam hỗ trợ phối hợp thực hiện các thủ tục pháp lý để đưa nhà máy của Công ty CP Y học Rạng Đông tại TP Thủ Đức vào hoạt động.
UBND thành phố xem xét, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ Công ty CP Y học Rạng Đông tìm địa điểm xây dựng nhà máy mới sản xuất thuốc phóng xạ trong thời gian tới.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại nơi mình quản lý
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận (Bộ Y tế), để bảo đảm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh, bộ đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo người đứng đầu các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan khác phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Các đơn vị đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.
Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế, đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương tổng hợp nhu cầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương theo đúng quy định.
Giảm tải trông thấy khi bệnh viện mở rộng giờ khám bệnh
Tại Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh tranh thủ đến khám vào buổi tối được phục vụ tốt hơn, không phải xếp hàng dài như trước đây.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, khi đến khám ngoài giờ, người bệnh vẫn được phục vụ đầy đủ giống như khám, chữa bệnh vào ban ngày; nhất là chi phí không thay đổi.
Bệnh viện bố trí đầy đủ các phòng khám và chuyên khoa như trong giờ hành chính gồm: Nội tiết, Tiêu hóa, Cơ xương khớp, Thần kinh, Hô hấp, Thận tiết niệu, Tim mạch, Truyền nhiễm, Huyết học, Hồi sức tích cực, Sản, Nhi, Tai mũi họng, Răng hàm mặt, Mắt… Tất cả các phòng khám được bố trí trong cùng tòa nhà K1, rất thuận tiện để người dân di chuyển.
Các phòng chiếu chụp, siêu âm, nội soi, xét nghiệm… được bố trí tập trung tại tầng 2 và tầng 3 của nhà K1, rất thuận tiện cho người bệnh.
Theo các bác sĩ, với các bệnh nhân có xét nghiệm máu, chiếu chụp, siêu âm… thì chỉ sau 2 tiếng sẽ có đầy đủ kết quả. Còn với trường hợp chỉ siêu âm, chụp X-quang thông thường thì chỉ sau 1 giờ đã có đầy đủ kết quả để bác sĩ kết luận và kê đơn thuốc.
Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh viện đã khai trương và đưa vào sử dụng hàng loạt hệ thống thiết bị y tế hiện đại bao gồm 4 máy chụp cộng hưởng từ, 3 máy chụp Cắt lớp vi tính đa dãy, 19 Hệ thống nội soi tiêu hóa, 7 hệ thống phẫu thuật nội soi…
Toàn bộ số thiết bị này được mua sắm trong thời gian cuối năm 2023, sau khi có một loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế của Chính phủ và Bộ Y tế như Nghị quyết 30, Thông tư 14 và Nghị định 07.
Bệnh viện cũng mua sắm thêm 4 máy chụp cộng hưởng từ. Với tổng số 7 máy chụp cộng hưởng từ cùng lúc hoạt động, bệnh nhân có chỉ định chụp MRI về cơ bản được chụp trong ngày mà không phải đợi chờ.
Hoài Linh