Một phần vì những kỷ niệm thời còn du học Nga, một phần vì công việc giảng dạy thiết kế đường hầm, tôi có sở thích thăm thú những hệ thống tàu điện ở mọi thành phố mà tôi từng đến.
Tôi thường mang theo máy ảnh xuống bến tàu và đi lang thang khắp cả hệ thống.
Đợt về thăm nhà vừa rồi, tôi cùng con gái trải nghiệm đường sắt trên cao. Chuyện cũng chẳng có gì đáng nói nếu không có sự cố nhỏ xảy ra khi tôi sang phía đối diện để bắt chiều về. Một nhân viên từ xa đi tới yêu cầu tôi ra ngoài và mua vé chiều ngược lại. Tôi hơi bất ngờ, vì đã quen với thông lệ ở các hệ thống trên thế giới: chỉ mua vé một lần, tôi có thể đi lại thoải mái miễn chưa ra khỏi nhà ga.
Tôi hiểu quy định và cách bán vé ở mỗi nơi một khác, vì cũng có một số hệ thống yêu cầu quẹt thẻ khi xuống tàu, nên vui vẻ mua vé lại. Vé đã được trợ giá nên không hề đắt. Tuy nhiên lời lẽ của nhân viên khá gay gắt và thái độ đối xử với hai bố con tôi như là với kẻ trốn vé, dù tôi đã giải thích. Tôi đoán phần sai ở phía mình, nên đành chấp nhận. Nhưng con gái tôi nói cháu sẽ không đi đường sắt trên cao lần nào nữa. Tôi giải thích với con, cách cư xử như vậy là vấn đề cá nhân, do từng người, không phải do đường sắt.
Mấy hôm sau đó, bố tôi bảo xuống phòng gym dưới tầng tòa nhà chung cư chụp cho cụ một kiểu ảnh kỷ niệm sinh nhật 75 tuổi. Cụ đã rất yếu, đi lúc nào cũng chực ngã khiến tôi phải đi sát lại để kịp đỡ khi cần. Thế nhưng cụ vẫn muốn họ hàng và bạn bè tin rằng mình còn khỏe như trai tráng. Tôi không phải cư dân tòa nhà, không có thẻ, nên định mua vé. Nhưng anh nhân viên vẫy tay cho vào. Khi tôi thắc mắc, anh trả lời: “Anh cầm máy ảnh, lại mặc áo mùa đông thì em biết anh không vào tập”. Tôi hỏi nếu người khác biết mẹo này mà cứ tập chùa thì sao? Nhân viên cười nhẹ bảo: “Những người vào thường xuyên bọn em đều nhớ mặt. Anh muốn trải nghiệm thì cứ trải nghiệm, sau này thích rồi thì mua vé cũng đâu có sao”.
Tiền bạc chỉ là góc độ nhỏ của câu chuyện, bởi giá trị tấm vé vào phòng tập hay vé lượt tàu điện đều tương đối nhỏ. Vấn đề lớn hơn là thái độ. Không chỉ anh nhân viên soát vé tàu, tôi nhiều lần sử dụng các dịch vụ công, hay làm giấy tờ, đã phải gặp những công chức hết sức khắt khe, giống như tôi là một cậu học sinh nộp bài thi muộn.
Các dịch vụ công vẫn đều thu phí, và nếu cần Nhà nước trợ giá, tôi tin rằng Nhà nước cũng mong muốn người dân được sử dụng dịch vụ với tâm trạng thoải mái. Sự khác biệt trong thái độ phục vụ của dịch vụ công và tư phía trên là bởi dịch vụ tư nhân hướng tới trải nghiệm khách hàng, còn dịch vụ công thì chưa chú trọng. Người làm dịch vụ công nhận ra rằng họ có quyền có thái độ với khách hàng. Nếu khách hàng không sử dụng dịch vụ, họ cũng không thiệt đi đồng lương nào. Nếu thái độ đó phổ biến và vẫn còn tiếp diễn, tôi tin Nhà nước sẽ còn phải trợ giá giao thông công cộng như xe buýt và đường sắt trên cao dài kỳ.
Người sử dụng dịch vụ công vẫn đóng thuế và trả phí, nhưng thường không được xem như khách hàng. Họ không nợ gì nhân viên công vụ, nhưng tiếp đón họ là nhiều khuôn mặt cau có. Năm 2023 là năm thứ hai, Bộ Nội vụ triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính của cả nước nói chung năm 2023 tăng so với năm 2022, từ 80,08% lên 82,66% năm 2023. Dù thống kê chỉ ra như vậy, rõ ràng vẫn còn khoảng cách rất lớn về sự phục vụ trong hai dạng dịch vụ công và tư.
Để rút ngắn khoảng cách này, tôi tin có một giải pháp đơn giản, đó là ngoài huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn, nhân viên cũng nên được tiếp nhận đào tạo về giao tiếp và thái độ làm việc. Ngạn ngữ Nga có câu “Cười không có lý do là thằng ngốc”. Thế nhưng một nụ cười không chỉ mang lại tâm trạng tốt cho người đối diện mà trước hết mang lại tâm trạng tốt cho người cười. Công việc dịch vụ đã vốn rất áp lực, không nhất thiết phải làm nó trầm trọng thêm bằng những khuôn mặt cau có. Thái độ làm việc nhiệt tình không hề có nghĩa là bỏ rơi nguyên tắc xử lý. Ngược lại, nhiệt tình, chu đáo với khách hàng là một thái độ chuyên nghiệp với công việc.
Trong một ngày mưa, tôi đi taxi ra ngoại tỉnh. Khi bước lên xe, tài xế tỏ vẻ không vui vì giày tôi làm bẩn xe anh. Đến chiều về, tôi vẫn đi hãng đó, tài xế lại rất niềm nở. Tôi hỏi lái xe rằng sự khác nhau có phải là do tính người. Anh nói, người buổi sáng họ “thuê mào taxi”, nếu không thích họ chuyển hãng khác, không lo về chữ tín. Còn anh là lái xe của hãng, được đào tạo giao tiếp với khách hàng. Tôi nghĩ nguyên nhân có thể còn nằm ở việc ai trả tiền rửa xe. Nhưng tôi tin sự đào tạo mang lại thái độ phục vụ tốt hơn.
Nếu người làm dịch vụ công cũng nhận sự đào tạo phù hợp, hay ít nhất là sự quán triệt thường xuyên về tinh thần phục vụ nhân dân, thì khoảng cách này sẽ được kéo gần. Và tôi tin rằng bất kể loại hình dịch vụ nào, dù là miễn phí, người sử dụng đều xứng đáng được nhận thái độ phục vụ chuyên nghiệp.
Tô Thức
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thai-do-cua-dich-vu-cong-4757807.html