Tháng trước, chú Thắng, 61 tuổi, vốn là bảo vệ của một công ty, nhận được quyết định hưởng chế độ hưu trí hàng tháng.
Chú có 21 năm tham gia bảo hiểm xã hội nên tỷ lệ để tính lương hưu là 47%. Với mức lương bình quân tháng đóng 3 triệu đồng, lương hưu hàng tháng của chú là 1,41 triệu. Do mức hưởng thấp hơn lương cơ sở (1,8 triệu đồng) nên chú được quỹ hưu trí bù thêm 390.000 đồng.
Hơn 20 năm trước, ở 39 tuổi, chú Thắng mới có việc làm chính thức với vị trí công nhân, mức lương làm căn cứ đóng lúc đó chỉ chưa đến 300.000 đồng mỗi tháng. Con số này tăng lên theo thời gian nhưng không đáng kể.
Khi sức khỏe không đảm bảo, chú xin nghỉ việc. Nhiều người khuyên nhận trợ cấp một lần nhưng chú từ chối vì nghĩ rằng tuổi già có lương hưu vẫn hơn. Chú xin được suất làm bảo vệ, lương đóng bảo hiểm nhích hơn lương tối thiểu vùng đúng 7%. Năm 2024, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm của chú là 5,1 triệu đồng mỗi tháng.
Chú Thắng thuộc nhóm tham gia bảo hiểm xã hội muộn, lại có nhiều năm gián đoạn nên tỷ lệ hưởng không cao. Trong khi mức lương làm căn cứ đóng gần như chỉ dựa trên lương tối thiểu nên dù được bù đắp bằng hệ số trượt giá, tổng tiền lương bình quân làm căn cứ đóng của chú cũng chỉ nhỉnh hơn 3 triệu đồng mỗi tháng.
“Nhận quyết định tôi cũng sốc nhưng khi nghe giải thích thì cũng không buồn nhiều”, chú nói khi nhận 1,8 triệu đồng tháng lương hưu đầu tiên. Với chú được “cho thêm” 390.000 đồng mỗi tháng là “sự an ủi lớn” bởi với người già, khi chẳng còn làm ra tiền thì một đồng cũng quý.
Chú Thắng là một trường hợp điển hình được hưởng chính sách lương hưu tối thiểu, lâu nay căn cứ vào lương cơ sở. Theo quy định, việc bù đắp lương hưu này được căn cứ vào khoản 5, điều 56 của Luật bảo hiểm Xã hội hiện hành. Theo đó, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng mức lương cơ sở.
Tuy nhiên, sự “an ủi”, “cho thêm” theo cách gọi của một người về hưu như chú đang được đem ra mổ xẻ và có thể sẽ không còn trong Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi. Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, trong dự thảo mới nhất, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định chuyển tiếp lương hưu tối thiểu nhằm bảo lưu quy định trong luật hiện hành, song chỉ áp dụng với người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày dự luật có hiệu lực (1/7/2025) và tham gia từ đủ 20 năm trở lên. Mức tham chiếu trong dự luật sửa đổi được áp dụng bằng mức lương cơ sở nếu chưa bãi bỏ (hiện hành 1,8 triệu đồng); đến khi mức lương cơ sở bị bỏ thì tham chiếu không thấp hơn.
Như vậy, Chính phủ đề xuất giữ lại mức lương hưu tối thiểu nhưng lại không áp dụng với người tham gia sau ngày 1/7/2025. Vậy nhóm tham gia bảo hiểm xã hội sau thời điểm luật có hiệu lực sẽ ra sao?
Đầu tiên, cần xác định lương hưu tối thiểu gần như bắt buộc phải có trong hệ thống an sinh xã hội. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các quốc gia được khuyến nghị cần thiết lập lương hưu tối thiểu để đảm bảo tất cả người về hưu có thể sống có phẩm giá và không bị rơi vào tình trạng nghèo đói.
Mức lương hưu tối thiểu sẽ được cân đối dựa vào số năm đóng góp; mức sống tối thiểu của người dân với các nhu cầu cơ bản về ăn uống, chỗ ở, chăm sóc sức khỏe; khả năng bù đắp của quỹ hưu trí hoặc ngân sách… Lương hưu tối thiểu cũng được điều chỉnh định kỳ để giảm bớt tác động của lạm phát và sự biến động của giá cả hàng hóa và dịch vụ.
Vậy tại sao ở lần sửa luật này, Việt Nam lại gặp lúng túng với lương hưu tối thiểu? Tôi cho rằng căn nguyên đến từ việc chúng ta đã thực hiện một số chính sách… không giống ai.
Đơn cử, sắp tới số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu giảm xuống còn 15 năm, đồng nghĩa tỷ lệ hưởng lương hưu cũng giảm theo. Cụ thể, tỷ lệ hưởng của nữ là 45% mức đóng và nam 33,75%. Cùng với điều khoản này, chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần có thể sẽ không giải quyết dứt điểm khi cho nhận 50% quá trình đóng. Người lao động có điều kiện “ra vào” hệ thống nhiều lần khiến số năm tích lũy trong hệ thống sẽ rất ít, tỷ lệ hưởng lương hưu bị giảm.
Ngoài ra, nhiều năm qua, pháp luật đã tạo ra kẽ hở để các doanh nghiệp lách luật, chia nhỏ tiền lương thành các khoản để đóng bảo hiểm xã hội rất thấp. Bình quân giai đoạn 2016-2021, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội ở các loại hình doanh nghiệp chỉ từ 5,1-6,6 triệu đồng.
Kết hợp hai yếu tố số năm đóng ngắn và mức đóng thấp thì lương hưu của người lao động sẽ không thể cao. Do đó, nếu vẫn duy trì lương hưu tối thiểu với mục tiêu đảm bảo cho người về hưu không rơi vào đói nghèo thì quỹ bảo hiểm xã hội phải bù một khoản rất lớn. Hệ lụy là gây thâm hụt quỹ, không có nguồn để điều chỉnh lương hưu định kỳ cho các nhóm khác…
Vậy xử lý thế nào? Tôi cho rằng cần xác định, các hệ lụy này do sự thiếu kiên quyết của luật trong quá trình thực thi, đặc biệt là việc cho phép rút một lần và “chiều” theo doanh nghiệp để tách lương thành nhiều khoản phụ cấp nhằm đóng bảo hiểm thấp.
Do đó, khi sửa luật, thay vì lo giải quyết phần ngọn bằng cách vội vàng bỏ lương hưu tối thiểu, chính sách nên giải quyết tận gốc các nguyên nhân dẫn đến lương hưu thấp.
Cùng với đó, để tránh tạo ra cú sốc cho lao động ở giai đoạn chuyển tiếp khi luật sửa đổi, vẫn nên duy trì lương hưu tối thiểu. Có nhiều yếu tố để tính ra số tiền nhưng quan trọng nhất cần xác định được mục tiêu của lương hưu là sự đảm bảo tốt nhất cho người tham gia bảo hiểm xã hội không rơi vào đói nghèo.
Theo dự luật sửa đổi, thấp nhất trong hệ thống an sinh là tầng trợ cấp hưu trí xã hội, mức đề xuất 500.000 đồng mỗi người một tháng. Mức này chỉ đạt 25-33% chuẩn nghèo thành thị và nông thôn hiện nay. Trong khi dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ 15 năm tham gia và không rút một lần sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội. Như vậy, lương hưu thấp nhất có thể hiểu là 500.000 đồng.
Đóng bảo hiểm cũng hưởng 500.000 đồng mỗi tháng mà không đóng cũng hưởng 500.000 đồng và cùng nghèo như nhau, vậy tham gia bảo hiểm xã hội để làm gì?
Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/song-co-pham-gia-bang-luong-huu-4760350.html