Tôi có nhiều bạn bè là nhà báo, nên phần nào hiểu được công việc của người làm báo. Cũng như muôn vàn nghề khác, có vất vả, có đắng cay, có rủi ro, có vinh quang và cả những mặt trái.
Từ trong sâu thẳm, tôi luôn trân trọng nghề báo và người làm báo. Tôi cũng hình dung, nếu một ngày không còn những người làm báo nữa, cuộc sống sẽ chật hẹp và đơn điệu đến nhường nào.
Trước đây, chính những người làm báo cho ta biết chuyện gì đang xảy ra quanh ta, từ đó ta có thêm thông tin và hiểu biết. Quan trọng không kém, ta có thứ để giải trí và có chuyện để nói. Những điều này đều là nhu cầu cơ bản của con người.
Ngày nay, thế giới đã trở nên quá phức tạp. Thông tin thừa mứa và tức thì. Những tưởng nghề báo sẽ không còn cần thiết nữa. Nhưng thực tế cho thấy, đúng lúc ấy, ta cần nghề báo và các nhà báo chân chính hơn bao giờ hết.
Xã hội đã trở nên quá phức tạp. Các hoạt động của xã hội và của thế giới đã trở nên quá chuyên sâu. Một người bình thường khó lòng hiểu được rõ ràng những gì đang xảy ra, và tác động của nó đến chúng ta thế nào. Lúc ấy, ta lại cần nghề báo và những nhà báo – chuyên gia.
Trong các buổi tư vấn hướng nghiệp, khi học sinh hỏi về nghề báo chí, truyền thông, tôi đều dành sự ưu ái đặc biệt cho nghề này. Tôi cũng khuyến khích các em dũng cảm theo nghề, nếu các em thực sự đam mê, vì tôi hiểu tầm quan trọng của nghề báo với sự phát triển của xã hội.
Vậy nghề báo là nghề gì và vì sao lại quan trọng đến như vậy?
Xin hãy tạm bỏ qua các thuật ngữ chuyên môn để trở lại với chữ “báo” nhuần nhị trong tiếng Việt. Khi ta nói “để báo cho mọi người biết”, hoặc báo cho anh em, cha mẹ biết một việc gì trong nhà, một hành động ngôn từ phổ dụng mà tất cả chúng ta đều thực hiện hàng ngày, là ta đã chạm đến điều căn cốt nhất của nghề báo rồi.
Nói cách khác, khi ta báo cho ai biết một việc gì đó, thì ta đã làm báo rồi. Nghề làm báo vì thế, trước hết là nghề báo tin. Và người làm báo vì thế, cũng là người báo tin trước hết. Không chỉ cho một vài người, mà cho đại chúng. Không chỉ bằng cách nói miệng hay gọi điện như ta hàng ngày, mà sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, như báo in, báo nói, báo hình.
Công nghệ càng phát triển thì phương tiện sử dụng trong nghề báo càng phong phú và hiện đại. Nhưng công việc chính của nghề báo vẫn không thay đổi, đó là nghề báo tin.
Vậy thì khi báo tin, điều gì là quan trọng nhất?
Cứ nhìn lại việc mình báo tin cho người thân, bạn bè hàng ngày khi xảy ra một việc gì đó cần thông báo, ta sẽ thấy hai tiêu chí quan trọng nhất của việc báo tin, là: nhanh và chính xác.
Vì thế, hai tiêu chí hoạt động quan trọng nhất của nghề báo và của các nhà báo cũng là nhanh và chính xác.
Vậy vì sao cần báo tin nhanh? Vì khi báo tin nhanh thì người nhận tin có nhiều thời gian hơn để xử lý, phối hợp, điều hướng hoạt động của mình.
Chưa kể, trong sự cạnh tranh của nghề báo chuyên nghiệp, cơ quan báo chí nào, nhà báo nào đưa tin nhanh thì sẽ thu hút được độc giả và có nhiều cơ hội để phát triển.
Còn vì sao cần chính xác? Vì thông tin không chính xác thì sẽ phá hoạt động của người nhận tin, đưa họ vào những nhận định và đường hướng sai lầm. Đưa tin nhanh mà không chính xác thì sẽ phản tác dụng, sẽ tự bắn vào chân mình.
Nhanh và chính xác vì thế tạo ra một sự cân bằng động cho nghề làm báo và một khung tham chiếu cho người làm báo. Không nhanh thì mất việc, còn không chính xác thì mất nghề.
Nói cách khác, nhanh là điều kiện cần, còn chính xác là điều cận đủ của nghề làm báo. Chỉ cần đảm bảo được hai tiêu chí này thôi thì báo chí sẽ vẫn phát triển và vẫn cần thiết đối với xã hội.
Trong sự bùng nổ của mạng xã hội, các nhà báo có thể không nhanh bằng những “nhà báo nhân dân” trong việc đưa tin, nhưng các nhà báo có thể đưa tin chính xác hơn nhờ vào các kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm làm việc chuyên sâu của mình.
Còn các cơ quan báo chí, bằng thẩm quyền và sự chính danh của mình, có thể làm cho một thông tin còn tranh cãi trở thành xác nhận khả tín. Đó là thiên chức, cũng là thế mạnh của nghề báo và những người làm báo chuyên nghiệp trong thời đại thừa mứa thông tin.
Nhờ việc đưa tin nhanh và chính xác của báo chí, độc giả sẽ được tiếp cận gần nhất với sự thật. Vì sự thật không chỉ giải phóng chúng ta, mà sự thật còn dẫn dắt chúng ta.
Chỉ khi ta được sống trong sự thật, và dẫn dắt bởi sự thật, ta mới có thể sống thật và có ý nghĩa. Vì thế, nghề báo và nhà báo chân chính có một vị thế quan trọng và vinh quang, đó là mang sự thật đến gần với chúng ta hơn, để chúng ta có thể sống gần và sống trong sự thật.
Để làm được điều ấy, những người làm báo và các cơ quan báo chí phải tiên phong và gương mẫu trong việc sống gần và sống trong sự thật. Việc này tưởng dễ, nhưng nhiều khi không dễ chút nào, chỉ những nhà báo và cơ quan báo chí chân chính mới làm được.
Bao nhiêu nhà báo đã hy sinh, bao nhiêu nhà báo còn trong vòng lao lý, ở khắp mọi nơi trên thế giới, đủ cho ta thấy nghề làm báo chân chính khó khăn và đòi hỏi bản lĩnh lớn đến mức nào.
Nay nhân ngày Báo chí Việt Nam, với tư cách là một độc giả, tôi không có mong ước gì hơn là những người làm báo và các cơ quan báo chí đưa tin nhanh và chính xác, để độc giả chúng tôi được tiếp cận gần hơn với sự thật, từ đó được sự thật giải phóng và dẫn dắt.
Giáp Văn Dương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nghe-lam-bao-4761015.html