Người phụ nữ cầm thanh sắt có ngoàm dài móc đổ cái thùng màu xanh, mấy vỏ lon bia lóc nhóc nhảy ra, va vào nhau lách cách.
Nhặt xong mớ chai lọ, chị dựng thùng đựng rác tái chế lên, dợm bước đi thì nhìn thấy tôi. “Nhà nước làm thế này, tiện cho chúng em quá”, chị cười, đưa chuyện thay câu chào.
Hình ảnh này tôi bắt gặp đã gần chục năm trước, khi một số thành phố triển khai phân loại rác tại nguồn (PLRTN) – một chương trình đã đi vào ngõ cụt ở nhiều địa phương. Lợi ích ít ỏi có lẽ là tiết kiệm được một ít công sức cho những người nhặt ve chai.
Thất bại của chương trình phân loại rác tại nguồn có nhiều nguyên nhân: nóng vội, chưa có lộ trình cụ thể để người dân và đơn vị thu gom làm quen và chuẩn bị nguồn lực; thiếu đồng bộ giữa phân loại, thu gom và xử lý; tiến hành đại trà trong khi lẽ ra phải ưu tiên thực hiện ở công sở, các điểm công cộng trước, sau đó đến trường học, doanh nghiệp rồi mới tới dân cư.
Vậy đâu là giải pháp khắc phục?
Trước hết, cần nắm rõ quy định và hiểu đúng năng lực của từng địa phương. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, rác sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành ba nhóm: rác có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thực phẩm và rác sinh hoạt khác. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa hai công đoạn phân loại và thu gom. Luật chỉ yêu cầu phân rác sinh hoạt thành ba loại, còn việc thu gom và xử lý tùy vào điều kiện cụ thể ở địa phương. Vì chưa hiểu rõ quy định này nên dù không có nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh, một số địa phương vẫn máy móc thu gom rác thực phẩm để rồi rốt cuộc phải chở ra bãi chôn lấp.
Quy định phân loại rác thành ba nhóm chỉ áp dụng cho các địa phương xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp và công nghệ sinh học (sản xuất phân hữu cơ vi sinh). Những nơi sử dụng công nghệ đốt rác phát điện như TP Cần Thơ và TP Huế, trong giai đoạn đầu, cần phân loại thành rác đốt được, rác không đốt được và rác nguy hại; giai đoạn tiếp theo sẽ bổ sung rác tái chế. Nếu không phân tách rác đốt được và không đốt được thì các nhà máy điện rác sẽ tiêu tốn nhiên liệu hơn, quá trình đốt cũng sẽ tạo ra một lượng xỉ đáy lớn cần phải xử lý.
Thứ hai là tăng cường xử lý rác sau phân loại ngay tại hộ gia đình.
PLRTN yêu cầu các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý đầu tư thêm nhân lực, trang thiết bị thu gom và vận chuyển, kho bãi lưu chứa… Thực tế này khiến cho nhiều đơn vị không thể kham nổi trọng trách được giao nếu không có hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước. Cần giảm áp lực cho đơn vị quản lý rác bằng cách yêu cầu/ khuyến khích người dân phân loại và xử lý rác tại chỗ. Rác tái sử dụng, tái chế có thể bán, cho người thu mua phế liệu hoặc các tổ chức từ thiện (thu gom phế liệu định kỳ giúp người nghèo)… Đối với rác thực phẩm, các hộ nên phân loại và xử lý ngay tại khuôn viên gia đình bằng cách sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây, chôn lấp trong vườn để cải tạo đất…
Thứ ba, không nên thu gom rác thực phẩm để đưa về nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh bởi ba nguyên do sau:
Người Việt Nam, nhất là bà con khu vực miền Trung thường có thói quen ăn mặn, thức ăn thừa có độ mặn cao không thích hợp làm phân hữu cơ vi sinh. Các hộ gia đình cũng thường bỏ xương động vật (thịt và cá) vào chung với thức ăn thừa, gây khó khăn cho việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh vì xương động vật cần thời gian khá dài để phân hủy hoàn toàn.
Việc thu gom, vận chuyển và lưu giữ rác thực phẩm thường rất phức tạp: gây mùi hôi, chuột bọ khi lưu giữ; phát sinh nhiều nước rỉ rác khi thu gom và vận chuyển…
Mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thực phẩm chỉ thích hợp với các hộ gia đình, cơ quan/tổ chức, trang trại… xử lý và sử dụng ngay tại chỗ, nhất là những chủ nguồn thải có đất trồng trọt ngay trong khuôn viên của mình và có phụ/phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ vi sinh có chất lượng. Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh không nên sử dụng nguyên liệu đầu vào là rác thực phẩm thu gom từ hộ gia đình. Thay vào đó, các phụ/phế phẩm nông nghiệp mới là nguồn nguyên liệu đầu vào thích hợp để đảm bảo chất lượng đầu ra của phân hữu cơ vi sinh.
Cùng với việc hiểu rõ quy định pháp luật và năng lực xử lý rác thải của từng địa phương, trên quy mô quốc gia, có một số giải pháp sau nên được triển khai sớm và quyết liệt:
Phương án giá bao bì cần áp dụng thay cho giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt. Lợi ích kinh tế trực tiếp sẽ khiến hành vi thay đổi và đây cũng là cơ chế khuyến khích người dân giảm thiểu lượng rác phát sinh và phân loại rác tại nguồn để tiết kiệm chi phí. Để tăng tính khả thi, phương thức triển khai giá bao bì có thể đơn giản hóa. Ở giai đoạn ban đầu, chỉ nên sử dụng một loại bao bì để chứa rác còn lại (rác khác). Với rác thực phẩm, các địa phương không nên yêu cầu lưu chứa trong bao bì vì hiện nay hầu hết địa phương chưa có hướng xử lý loại rác này, hoặc có nhà máy xử lý rác thực phẩm nhưng phải đóng cửa, hay chỉ hoạt động cầm chừng do chất lượng phân hữu cơ vi sinh không đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Chậm nhất vào ngày 31/12/2024, hộ gia đình và cá nhân phải thực hiện phân loại rác tại nguồn, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Chế tài này cần được thực hiện thật nghiêm để đảm bảo các cộng đồng dân cư quen với việc PLRTN và sử dụng bao bì lưu chứa rác đã phân loại.
Tăng cường hỗ trợ nguồn lực bao gồm nhân lực, trang thiết bị và kinh phí cho các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt sau phân loại, bởi nguồn thu từ công tác quản lý rác thải không đủ bù chi và họ phải triển khai thêm nhiều hoạt động khác để bù đắp vào.
PLRTN sẽ tiếp tục là “con đường đau khổ” dài tập nếu các địa phương vẫn triển khai một cách máy móc, xa rời thực tế như trước nay.
Trần Anh Tuấn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/phan-loai-rac-cang-lam-cang-roi-4769684.html