“Có thể ở một nơi xa xôi, tất cả mọi thứ đã lặng lẽ mất đi từ lúc nào rồi…Khi chúng ta sống cuộc sống của chúng ta là chúng ta khám phá – bằng cách kéo về phía mình những sợi chỉ mảnh gắn với mỗi người – những gì đã mất đi. Tôi cố nhớ xem trong rất nhiều những cái mất mát đẹp đẽ kia, cái nào là của mình. Kéo chúng lại gần hơn, giữ lấy chúng. Trong khi biết rằng cuộc sống của chúng đã trôi qua.”
Văn chương của Haruki là vậy, những sợi chỉ mảnh nhỏ bé mang trong mình sức mạnh lớn lao để gắn kết con người với con người, con người với bản ngã và cuộc đời mà họ tưởng chừng đánh mất. Quan trọng hơn, sợi chỉ ấy chính là yếu tố giúp người đọc bước vào những trang văn, con chữ mà Haruki bày tỏ. “Người tình Sputnik” không phải là tác phẩm tiêu biểu của ông, nhưng nó cũng không hề tỏ ra thua kém bất cứ người anh em nào.
Nếu bạn chỉ mới “nhập môn Haruki” thì tôi khuyên bạn nên tìm đọc tác phẩm này trước tiên. Bởi vì so với những tác phẩm khác, “Người tình Sputnik” dường như nhẹ nhàng hơn, dễ thở hơn. Nhưng không vì vậy mà bạn quên mất “phòng bị”, để văn chương của Haruki kéo bạn xuống tận đáy cảm xúc.
Câu chuyện mở ra với lời miêu tả và lời kể của nhân vật xưng “tôi” – K, anh kể về người con gái anh yêu, Sumire. Cô là một nhà văn trẻ, tính tình hơi lập dị và khép kín. Cô có tài, có đam mê, sẵn sàng bỏ việc học để theo đuổi sự nghiệp cầm bút. K yêu Sumire, nhưng Sumire không yêu K. “Mùa xuân năm hai mươi hai tuổi, Sumire yêu lần đầu tiên trong đời…” và thật trớ trêu thay, người mà cô yêu là một phụ nữ, lớn hơn cô mười bảy tuổi. Đã có gia đình. Chỉ dừng lại ở những dòng này thôi cũng đã đủ để tôi “fall in love” với tác phẩm. Một cú ngã sâu thực sự.
Cứ thế, những câu chuyện xoay quanh K, Sumire và Miu đã dẫn dắt tôi từ cảm giác bất lực này đến sự đồng cảm thiết tha khác. Đó là K với một tình yêu quá sâu đậm, nó khiến anh luôn bị ám ảnh về Sumire trong những mối quan hệ, những cuộc tình với những người phụ nữ đã đến và đi trong đời mình. Đó là Sumire với đam mê cháy bỏng, niềm hăng say tột cùng với công việc nhưng cứ mãi quẩn quanh không tìm ra lối thoát và dần chệch hướng. Đó là tình yêu mở đầu trong tuyệt vọng, tiếp diễn trong hy vọng, rồi đau đớn nhận ra tình yêu ấy không hề có lối thoát, không thể có kết cục.
Sau lần đầu gặp gỡ, Sumire có cơ hội đến làm việc ở chỗ của Miu. Cả hai có dịp cùng nhau trong một chuyến công tác ra nước ngoài. Mọi thứ đảo lộn từ khi Sumire và Miu đặt chân đến du lịch ở một hòn đảo hẻo lánh của Hy Lạp. Những ngày cạnh nhau ngắn ngủi ấy, Sumire đã bày tỏ lòng mình với Miu, đồng thời cô đã nhận được đáp án cũng như lật mở lại quá khứ mà Miu vẫn cố gắng chôn giấu bấy lâu: một cái tôi khác đã bị chia cắt và mất đi từ mười bốn năm trước. Dù có tình cảm với Sumire nhưng Miu lựa chọn từ chối. Lời từ chối ấy đã góp phần để Sumire thực hiện cuộc chạy trốn của mình, chạy trốn khỏi hiện thực, chạy trốn khỏi tình yêu vừa bị Miu từ chối. Như một làn khói, không dấu vết. Nhưng cũng có thể Sumire không đơn thuần chỉ là bỏ trốn. Ở một ngóc ngách bí hiểm nào đó, Sumire lại đang đi tìm cái tôi bị tách rời khác của mình hay không?
Về phần K, sau cuộc tìm kiếm Sumire trong bất lực, anh trở về Nhật Bản, tiếp tục chuỗi ngày cô độc. Sự biến mất của Sumire đã để lại trong lòng K một lỗ hổng không hề nhỏ. Thế nhưng K vẫn chưa hề từ bỏ hy vọng rằng Sumire sẽ quay về, điều đó hiện diện trong cả những giấc mơ với tần suất dày đặc. Còn Miu, tuy cự tuyệt tình yêu của Sumire nhưng trong thâm tâm Miu vẫn có hình bóng của cô, việc Sumire đột ngột biến mất đã như một cú shock lấy đi nốt phần linh hồn còn lại. Giờ đây, Miu chỉ còn là một cái vỏ rỗng vô hồn, một thân xác đang bị kiếp người đày đọa.
Và, một cái kết mở, lấp lửng đối với tôi là quá đủ. Quá trọn vẹn.
Tuy đọc Haruki chưa nhiều nhưng có một điểm tôi khá chắc trong những tác phẩm mà tôi từng đọc đó là khát khao được yêu, được cháy hết mình vì tình yêu, sự cô đơn cùng cực và lạc lối của tuổi trẻ, của cái tôi và hoài bão suốt cuộc đời. Haruki là một cái gì đó quá khác biệt và mê hoặc. Tôi tin vậy. Ít ra là trong lối hành văn, miêu tả nội tâm nhân vật rất thực, ám ảnh và nhấn chìm tâm trạng người đọc một cách dễ dàng. Thú thực, càng cố gắng hiểu hết những gì ông truyền tải, tôi càng nhận ra mình…không hiểu gì cả. Sau “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”, đây ắt hẳn là tác phẩm mà tôi yêu thích nhất từ ông.