Ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc làm náo loạn thị trường ở Thái Lan
Sau khi BYD – nhà sản xuất xe điện khổng lồ của Trung Quốc – mở nhà máy đầu tiên ở Đông Nam Á tại Thái Lan, quốc gia 66 triệu dân đã thu hút được sự chú ý và giành được nhiều lời khen ngợi về tầm nhìn công nghiệp tương lai.
Tuy nhiên, một thông tin ít được chú ý hơn là Suzuki Motor – một nhà sản xuất ô tô lớn khác – chỉ vài tuần trước báo rằng họ sẽ đóng cửa một nhà máy ở Thái Lan với năng lực sản xuất tới 60.000 ô tô mỗi năm. Honda cũng đã tuyên bố đóng cửa một trong 2 nhà máy sản xuất ô tô của mình ở Thái Lan.
Động thái này của Honda và Suzuki nêu bật những khó khăn mà nhà sản xuất ô tô lớn thứ 2 Nhật Bản phải đối mặt tại quốc gia Đông Nam Á khi các thương hiệu ô tô Trung Quốc ráo riết giành thị phần ở Thái Lan và nhu cầu với xe điện ngày càng tăng.
Theo đó, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã đổ xô vào thị trường xe điện Thái Lan, biến đây thành thị trường nước ngoài lớn nhất của các hãng xe, trong đó có BYD. Thế như, sự hiện diện của các dòng ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc còn thúc đẩy một “cuộc đua xuống đáy” với giá EV.
Tại Triển lãm ô tô Quốc tế Bangkok hồi đầu mùa xuân năm nay, gian hàng của gã khổng lồ xe điện Trung Quốc BYD – được đặt tại vị trí trung tâm – đã thu hút khách tham quan với mẫu xe thể thao đa dụng Atto 3 hàng đầu của hãng. Dòng xe này được bán với giá 899.900 baht (24.500 USD) sau khi áp dụng trợ cấp – thấp hơn 18% so với mẫu hiện tại. Công ty cũng đưa ra chương trình giảm giá cho các mẫu xe sedan và hatchback chạy điện được đặt mua tại sự kiện.
Changan Automobile, mở rộng sang Thái Lan vào năm ngoái, đã ra mắt dòng xe Lumin – chiếc xe siêu nhỏ có phạm vi hoạt động 300km với mức giá 480.000 baht. Đây chính là một trong những mẫu xe rẻ nhất thịt rường Thái Lan. Thương hiệu xe điện của Hozon New Energy Automobile đã công bố một mẫu ô tô nhỏ gọn có giá khoảng 550.000 baht, rẻ hơn gần 30% so với mẫu nhỏ gọn Dolphin của BYD.
Cuộc đua giảm giá diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt do sự tham gia của hơn 10 thương hiệu xe điện Trung Quốc vào Thái Lan trong vài năm qua. Gặp khó trên sân nhà, nhiều hãng xe điện Trung Quốc mở rộng ra thị trường quốc tế. Thái Lan là một điểm đến ly tưởng khi thị trường quốc gia Đông Nam Á này tăng 8 lần trong năm ngoái lên 76.000 xe.
Ở chiều ngược lại, các nhà sản xuất ô tô đã nhiều năm hoạt động ở Thái Lan đã trực tiếp gánh chịu hậu quả, dẫn tới việc đóng cửa nhà máy và sả thải lao động. Chưa dừng lại ở đó, những doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng này cũng chịu ảnh hưởng.
Việc này không chỉ đè nặng lên nền kinh tế trị giá 500 tỷ USD mà còn ảnh hưởng tới những người lao động như cô Chanpen Suetrong.
Người phụ nữ 54 tuổi này đã làm việc gần hai thập kỷ tại Nhà máy Kính an toàn V.M.C. ở tỉnh miền trung Samut Prakan. Cô có chuyên môn kiểm tra các sản phẩm lắp ráp ô tô và sản phẩm xây dựng bị loại khỏi dây chuyền sản xuất.
Chanpen cho biết cô bất ngờ được thông báo vào tháng 4 rằng nhà máy sẽ đóng cửa, khiến cô không có việc làm.
Là trụ cột duy nhất trong gia đình ba người, gồm một người chồng ốm yếu và một cô con gái tuổi vị thành niên, cho biết: “Tôi không có tiền tiết kiệm. Tôi nợ hàng trăm nghìn baht. Giờ tôi già rồi, đi làm ở đâu? Ai thuê tôi?”
Ngành công nghiệp ô tô không phải nạn nhân duy nhất
Không chỉ riêng với các nhà sản xuất xe hơi, Thái Lan đang phải chịu gánh nặng từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và khả năng cạnh tranh công nghiệp sụt giảm do các yếu tố bao gồm giá năng lượng tăng và lực lượng lao động già đi.
Trong năm ngoái, có tới gần 2.000 nhà máy đóng cửa tại Thái Lan, làm đảo lộn lĩnh vực sản xuất vốn đóng góp gần 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Những khó khăn của lĩnh vực sản xuất đã khiến Thủ tướng Srettha Thavisin, người lên nắm quyền vào năm ngoái, gặp khó khăn trong việc thực hiện lời hứa đưa mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm lên 5% trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, tăng từ mức 1,73% trong thập kỷ qua.
Ông Srettha nói với quốc hội vào tuần trước: “Lĩnh vực công nghiệp đã suy thoái và công suất đã giảm xuống dưới 60%. Rõ ràng là ngành này cần phải thích nghi”.
Supavud Saicheua, Chủ tịch cơ quan kế hoạch nhà nước Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia, cho biết mô hình kinh tế dựa vào sản xuất kéo dài hàng thập kỷ của Thái Lan đã bị phá vỡ.
Ông Supavud nói với Reuters: “Người Trung Quốc hiện đang cố gắng xuất khẩu đi khắp nơi. Những hàng nhập khẩu giá rẻ đó thực sự gây rắc rối”.
“Chúng tôi phải thay đổi”, ông Supavud nói và cho rằng Thái Lan nên tập trung lại vào việc sản xuất các sản phẩm mà Trung Quốc không xuất khẩu đồng thời củng cố ngành nông nghiệp. “Không có chỗ cho chữ ‘nếu’ hoặc chữ ‘nhưng’.”
Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Công nghiệp Thái Lan, số lượng nhà máy đóng cửa từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 đã tăng 40% so với 12 tháng trước đó.
Kết quả là, tình trạng mất việc làm đã tăng 80% trong cùng giai đoạn, với hơn 51.500 công nhân không có việc làm. Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Kiatnakin Phatra cho biết số lượng mở nhà máy mới cũng chậm lại. Các nhà máy lớn đóng cửa trong khi chỉ có các nhà máy nhỏ được thành lập.
Tác động của việc này đã lan rộng đến các ngành công nghiệp là động lực chính của nền kinh tế, trong đó khá điển hình là ngành công nghiệp ô tô.
Trong khi đó, các nhà sản xuất nhỏ hơn đang vật lộn với việc gia tăng chi phí sản xuất (do giá năng lượng tăng cao và mức lương tương đối cao), Sangchai Theerakulwanich – Chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan – cho biết: “Chúng tôi cạnh tranh với các doanh nghiệp đa quốc gia. Các nhà sản xuất không thể thích ứng nhanh chóng đã phải đóng cửa hoạt động kinh doanh hoặc thay đổi để sản xuất thứ khác.”
Bắt đầu từ tháng này, Thái Lan sẽ thu thuế giá trị gia tăng 7% đối với hàng nhập khẩu giá rẻ có giá dưới 1.500 baht Thái (41 USD), chủ yếu từ Trung Quốc, nhưng những sản phẩm này vẫn được miễn thuế hải quan.
Nava Chantanasurakon, phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, cho biết tập đoàn của ông đã yêu cầu chính phủ xem xét các biện pháp ngăn chặn trốn thuế trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và các rào cản cao đối với một số hàng hóa Trung Quốc ở các khu vực khác.
Hiện tại, nền kinh tế Thái Lan được dự đoán chỉ tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm nay – một trong những yếu tố khiến đa số người Thái không hài lòng với thành tích của Thủ tướng Srettha.
Ông Srettha lập luận rằng kế hoạch tài trợ 500 tỷ baht gây tranh cãi và bị trì hoãn của đảng ông do vấp phải hàng loạt chỉ trích – bao gồm cả từ ngân hàng trung ương – là điều cần thiết: “Đây sẽ là liều thuốc mạnh để vực dậy nền kinh tế.”
Không có thu nhập ổn định, Chanpen cho biết cô đang chờ đợi khoản hỗ trợ 10.000 baht (276 USD) mà 50 triệu người Thái sẽ đủ điều kiện nhận theo kế hoạch.
Tham khảo Reuters
Nguồn tin: https://genk.vn/dung-voi-mung-khi-byd-mo-nha-may-noi-dau-ma-nguoi-thai-dang-hung-chiu-cho-thay-suc-tan-pha-tu-con-lu-o-to-gia-re-trung-quoc-2024071914524913.chn