Trao đổi với Lao Động về tình hình bệnh suy thận hiện nay, bác sĩ Huỳnh Lê Anh Tuấn (Khoa Thận – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) cho biết: Trước đây, bệnh lý suy thận mạn tính thường được xem là bệnh của người cao tuổi, theo thời gian và các bệnh lý khác, chức năng các cơ quan trong cơ thể suy giảm.
Tuy nhiên, gần đây bệnh thận mạn đang có xu hướng trẻ hóa. Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ người dưới 40 tuổi nhập viện điều trị với chẩn đoán suy thận mạn chiếm tỷ lệ 15%. Đó là một trong những lý do khiến bệnh viện quá tải bệnh nhân chạy thận.
“Suy thận đang là vấn đề sức khỏe của cả cộng đồng. Tại Khoa Thận – Thận nhân tạo của bệnh viện, thời gian gần đây luôn trong tình trạng quá tải khi tiếp nhận bệnh nhân đến khám, cũng như điều trị cấp cứu/lọc máu.
Với số lượng 40 giường bệnh, trước đây, Khoa Thận – Thận nhân tạo phục vụ đủ cho người dân vùng ĐBSCL. Tuy nhiên hiện tại, số lượng bệnh nhân nhập viện nặng, chạy thận hầu như lúc nào cũng đầy, thỉnh thoảng một số thời điểm hai bệnh nhân nằm một giường” – bác sĩ Tuấn cho hay.
Bác sĩ nói thêm, hiện có rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu điều trị lâu dài tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhưng số lượng bệnh nhân chạy thận đã đạt tối đa nên bác sĩ buộc phải tư vấn cho bệnh nhân về địa phương để chạy thận.
Trước tình hình bệnh báo động, bác sĩ khuyến cáo người dân nên xây dựng lối sống lành mạnh (bao gồm uống đủ nước, ăn thực phẩm sạch, vận động thể chất thường xuyên, hạn chế thức khuya, căng thẳng, sử dụng chất kích thích, đặc biệt là các loại thuốc trên thị trường không theo chỉ dẫn y khoa); khám sức khỏe định kỳ; khám bệnh sớm khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý thận; khi đã phát hiện bệnh thì cần phải kiên trì và điều trị lâu dài.