Một trong những sự kiện nổi bật nhất và có tính thời sự nhất trong tình hình thế giới hiện nay đó là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cuộc chiến này đang trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới, của các cuộc trao đổi mang tính cá nhân, của các nghiên cứu chuyên sâu mang tính chất học thuật…
Vấn đề đặt ra là, phải chăng đây là một cuộc chiến tranh mang tính ngẫu hứng do tính bốc đồng của Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo nên hay đây là một cuộc chiến tranh tất yếu phải xảy ra do những nguyên nhân sâu xa nào khác!?
Về vấn đề xung đột Mỹ-Trung thật ra đã có rất nhiều học giả quan tâm nghiên cứu, trong số đó, Graham Allison là một tên tuổi thường được nhắc đến. Tại sao mọi người lại quan tâm đến ông? Vì ông là người đã sử dụng khái niệm “Bẫy Thucydides” một cách hiệu quả nhất để lý giải về sự xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.
Giáo sư Graham Allison là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính trị tại trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, Mỹ. Ông từng làm trợ lý và cố vấn cho các đời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ thời Tổng thống Reagan đến thời Tổng thống Obama. Vì vậy, có thể nói, ông là một trong những chuyên gia hàng đầu về chiến lược và chính sách của Mỹ.
Năm 2015, trên tờ Atlantic, một tờ báo mang tính chất học thuật rất nổi tiếng, ông đã đăng bài viết “The Thucydides trap: Are the US and China headed for War?” (Bẫy Thucydides: Liệu Mỹ và Trung Quốc có đang hướng đến chiến tranh?). Trong đó, ông đã lập luận rằng khái niệm “Bẫy Thucydides” là một phép ẩn dụ lịch sử có vai trò như một lăng kính phù hợp nhất để soi sáng mối quan hệ Mỹ-Trung hôm nay. Bài báo ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng.
Vậy “Bẫy Thucydides” là gì?
“Bẫy Thucydides” là một khái niệm mang hàm nghĩa rằng, chiến tranh là xu hướng tự nhiên khi một trung tâm quyền lực mới nổi lên đe doạ thay thế trung tâm quyền lực cũ. “Bẫy Thucydides” được mang tên nhà sử học Hy Lạp cổ đại Thucydides, người đã có những quan sát về cuộc chiến tranh Peloponnese giữa quyền lực mới trỗi dậy là thành bang Athens và quyền lực cũ đang thống trị là thành bang Sparta. Cuộc chiến này đã làm cho nền Văn minh Hy Lạp cổ đại sụp đổ. Thucydides đã phát biểu rằng: “Chính sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ hãi mà nó gây ra ở Sparta đã khiến chiến tranh trở thành điều tất yếu”. Chính phát biểu này đã tạo ra hàm nghĩa cho khái niệm “Bẫy Thucydides” sau này. Vậy khả năng xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là rất cao.
Năm 2017, tiếp tục phát triển những quan điểm từ trong bài báo của mình, ông đã cho xuất bản quyển sách với tiêu đề: “Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap?” (Định mệnh chiến tranh: Mỹ và Trung Quốc có thể thoát Bẫy Thucydides?).
Trong tác phẩm này, ông đã dùng phương pháp nghiên cứu so sánh tất cả 16 trường hợp các cặp cường quốc cũ-mới trong suốt 500 năm qua đã từng rơi vào “Bẫy Thucydides”. Kết quả phân tích của ông đã đưa chúng ta vào trạng thái tâm lý bất an!
Thật vậy, do những hành động đôi lúc là ngu ngốc và thiếu kiểm soát của con người mà 12 trường hợp rơi vào “Bẫy Thucydides” đã kết thúc trong các cuộc chiến tranh thảm khốc! Chỉ 4 trường hợp còn lại là kết thúc trong hòa bình. Liệu trường hợp rơi vào “Bẫy Thucydides” thứ 17 này, trường hợp xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kết thúc như thế nào đây?
Hai nhận định quan trọng trong tác phẩm “Định mệnh chiến tranh”
Thứ_nhất, theo xu hướng hiện tại, chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong các thập niên tới không chỉ có khả năng xảy ra, mà còn xảy ra với quy mô lớn hơn so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Chỉ cần một ngòi nổ nhỏ là chiến tranh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Allison đưa ra 5 ngòi nổ có thể gây ra chiến tranh Trung-Mỹ.
(1) Va chạm giữa lực lượng Trung Quốc và tàu chiến Mỹ đang thực hiện quyền tự do hàng hải trên biển Đông;
(2) Lãnh đạo Đài Loan tuyên bố độc lập;
(3) Xung đột quân sự giữa Trung Quốc và một đồng minh của Mỹ;
(4) Chính quyền Bắc Triều Tiên sụp đổ;
(5) Chiến tranh thương mại biến thành xung đột quân sự.
Vì vậy, cuộc chiến tranh thương mại hiện nay, đang nằm trong logic xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc khi cả 2 bên đều đã rơi vào “Bẫy Thucydides”.
Thứ_hai, theo nhận định của ông, chiến tranh không phải là điều tất yếu. Thật vậy, từ quan điểm của ông, “Bẫy Thucydides” không phải là thuyết định mệnh. Nó chỉ cho biết xu hướng chiến tranh sẽ xuất hiện khi một cường quốc mới nổi thách thức cường thống trị. Vì vậy, với tình thế hiện nay, nó cho chúng ta biết là áp lực khủng khiếp mà nó gây ra đang đè nặng lên cấu trúc quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, và chính vì thế, nếu 2 bên muốn có được hòa bình thì cả 2 bên phải kiểm soát được những áp lực khủng khiếp này.
Tác phẩm “Định mệnh chiến tranh” của Allison là một tác phẩm rất quan trọng đối với những ai quan tâm đến tình hình thế giới đương đại.
Hiện nay, nó đã được dịch ra tiếng Việt và đã có mặt trên thị trường sách ở Việt Nam. Các bạn có thể tìm đọc nó để hiểu được thế giới chúng ta đang vận hành như thế nào và tương lai chúng ta có thể sẽ đi về đâu.
Bài review của độc giả: Tạ Hoàng Tấn (Fb: Khai Sáng)