Đường huyết cao gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng trên nhiều cơ quan của cơ thể. Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành của nước ta ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường. Có hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.
Chuyên trang thông tin về y tế Medical Xpress cho biết hiện có hơn 37 triệu người Mỹ mang trong mình căn bệnh đái tháo đường. 90-95% số bệnh nhân này mắc đái tháo đường loại 2. Việc có các thay đổi về lối sống, ví dụ như có một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên, là biện pháp hiệu quả để quản lý căn bệnh nguy hiểm này.
Thời điểm tập thể dục có lợi cho đường huyết
Mới đây, các nhà nghiên cứu của Bệnh viện Brigham and Women’s và Trung tâm Đái tháo đường Joslin (Mỹ) đã thực hiện một thử nghiệm ngẫu nhiên về mối liên hệ giữa lối sống ở những người được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường loại 2, thừa cân hoặc béo phì với sự phát triển của bệnh tim mạch. Theo đó, các nhà khoa học đã đánh giá xem liệu thời điểm tập thể dục trong ngày có liên quan tới sự cải thiện đường huyết của những người tham gia hay không.
Kết quả cho thấy những bệnh nhân mắc đái tháo đường loại 2 nếu tập thể dục vào buổi chiều sẽ có mức cải thiện đường huyết nhiều nhất. Kết quả này vừa được công bố trên tạp chí Chăm sóc Bệnh tiểu đường.
“Trong nghiên cứu chúng tôi nhận thấy những người mắc đái tháo đường loại 2 có sự cải thiện lớn nhất trong việc kiểm soát đường huyết khi họ tham gia các hoạt động thể dục thể thao vào buổi chiều”, TS Jingyi Qian, một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho hay.
“Chúng ta đều biết rằng hoạt động thể chất mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi đã cung cấp thêm thông tin rằng thời điểm tập thể dục cũng vô cùng quan trọng.”
Duy trì tập thể dục là biện pháp giảm đường huyết hiệu quả
Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân đái tháo đường nên tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên. Đó là một phương pháp để kiểm soát lượng đường trong máu. Khi lượng đường trong máu tăng cao có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim, suy giảm thị lực và bệnh thận.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu hoạt động thể chất trong vòng 4 năm của những người đã tham gia nghiên cứu Look AHEAD (một nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức Hành động vì Sức khỏe của Bệnh nhân đái tháo đường). Nghiên cứu này có sự tham gia của hơn 2.400 người. Trong suốt quá trình nghiên cứu, những người tham gia sẽ đeo trên hông một thiết bị ghi gia tốc để đo hoạt động thể chất.
Dữ liệu từ năm đầu tiên cho thấy những người tham gia hoạt động thể chất mức độ từ trung bình đến mạnh vào buổi chiều có lượng đường huyết giảm nhiều nhất. 4 năm sau đó, nhóm người này vẫn duy trì được việc kiểm soát, giảm mức đường huyết. Ngoài ra, họ cũng có cơ hội ngừng sử dụng thuốc hạ đường huyết cao nhất.
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện của họ có những hạn chế nhất định. Ví dụ như nghiên cứu của họ chỉ là nghiên cứu quan sát và không đo lường các yếu tố liên quan tới đường huyết như giấc ngủ và chế độ ăn uống.
Trong các nghiên cứu sắp tới, nhóm các nhà khoa học này sẽ kiểm tra các phát hiện của mình bằng thực nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân vì sao thời điểm tập thể dục trong ngày có thể ảnh hưởng tới việc kiểm soát đường huyết để từ đó đưa ra các khuyến nghị hoạt động thể chất cụ thể cho bệnh nhân.
Nguồn: Medical Xpress