Đại học Bách khoa Hà Nội (tên tiếng Anh: Hanoi University of Science and Technology – HUST) được thành lập ngày 6/3/1956, là trường đại học kỹ thuật có truyền thống, uy tín và tầm ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam.
Với truyền thống, uy tín và tầm ảnh hưởng lớn, được coi là cái nôi của khối A (Toán, Lý, Hóa), Đại học Bách Khoa luôn là mục tiêu của rất nhiều học sinh trên cả nước mỗi mùa thi cử và được mệnh danh là MIT Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021, Đại học Bách khoa đã đạt doanh thu trên 1000 tỷ đồng một năm, đứng đầu danh sách các trường công lập có doanh thu cao nhất.
Cụ thể, năm 2021, ĐH Bách khoa HN có tổng nguồn thu đạt gần 1.426 tỷ đồng, trong đó doanh thu hoạt động sự nghiệp chiếm nhiều nhất với hơn 974,8 tỷ (chiếm 68,4%). Ngoài ra, trường có nguồn thu từ ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ chính sách và nghiên cứu khoa học, ngân sách cấp cho đầu tư SAHEP (ODA), thu từ các đề tài nghiên cứu khoa học nguồn từ các Sở địa phương và Quỹ.
Là đơn vị đào tạo thu hút một lượng lớn sinh viên có thành tích học tập siêu khủng, Đại học Bách khoa HN được xem là “cái nôi” của nhiều doanh nhân, người nổi tiếng như Shark Phạm Thanh Hưng, doanh nhân Bùi Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT, Phạm Đình Đoàn – Tổng giám đốc Phú Thái Group…
Năm 2021, ĐH Bách khoa Hà Nội đặt ngưỡng yêu cầu xét tuyển tài năng theo phương thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế là từ SAT 1520 trở lên, ngang với mức điểm trúng tuyển Harvard, MIT.
Theo Niche, mức điểm SAT để trúng tuyển ĐH Harvard là 1460-1570, mức trung bình 1510. Điểm SAT để trúng tuyển MIT rơi vào khoảng 1500-1570.
Ngoài ra, để có thể theo học và tốt nghiệp ở ĐH Bách khoa HN không phải điều dễ dàng. Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2021, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã thông tin, trung bình mỗi năm, khoảng 700-800 sinh viên hệ chính quy của trường bị buộc thôi học, đa số do không đảm bảo được quy chế của trường.
70-80% trong số sinh viên bị buộc thôi học so sa đà, xác định, mục tiêu không rõ ràng. Số còn lại lại xuất phát từ những nguyên nhân như mất động, ốm đau.
Không chỉ phương thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế của trường có yêu cầu cao, điểm chuẩn để thí sinh có thể đỗ vào trường theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT cũng khiến nhiều “giật mình”.
Theo công bố trên website chính thức của trường, điểm chuẩn để trúng tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội hệ chính quy năm 2022 theo điểm thi tốt nghiệp THPT dao động 23,03-28,29 điểm.
Theo đó, ngành có mức điểm cao nhất là khối ngành công nghệ thông tin với lĩnh thuật kỹ thuật máy tính, 28,29 điểm, tương ứng với 9,43 điểm/môn. Để nói về sức hút của ngành này, PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng từng khẳng định: “Nếu ra khỏi phòng thi, các em chắc chắn ba môn đều đạt điểm 10 thì hẵng suy nghĩ về việc nộp hồ sơ vào ngành này của trường. Tôi hiểu con số này rất cao nhưng chúng ta cũng cần cân bằng giữa mong muốn và năng lực của mình”.
Khi theo học chuyên ngành này, sinh viên sẽ có cơ hội trở thành chuyên gia về mạng máy tính, an toàn bảo mật hệ thống như chuyên gia thiết kế, chế tạo các hệ thống thiết bị thông minh.
Một số ngành học có mức điểm 23,03 là kỹ thuật Hoá học, Hoá học, Kỹ thuật in, Quản lý tài nguyên và môi trường.
Theo báo cáo thường niên của ĐH Bách khoa năm 2021, tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ Tiến sĩ tại trường chiếm đến 75,4%, đứng đầu Việt Nam. Tỷ lệ giảng viên có học hàm GS.PGS cũng lên đến 23%.
Với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, chất lượng đầu ra của sinh viên ĐH Bách khoa HN đang ngày càng được nâng cao. Minh chứng, trong lễ tốt nghiệp 2022, trường đã đạt được một loạt các con số kỷ lục về tỷ lệ sinh viên ra trường.
Theo đó, vào tháng 10/2022, ĐH Bách khoa HN đã công nhận và trao bằng tốt nghiệp hệ đại học chính quy cho 3.250 sinh viên (gần 70% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn). Trong đó, 108 sinh viên tốt nghiệp loại Xuất sắc, chiếm 3,3%; 708 sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi, chiếm 21,8%; 2.204 sinh viên tốt nghiệp loại Khá, chiếm 67,8%.
Nếu tính chung tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Khá trở lên, trường đạt tỷ lệ 93%. Con số này tăng mạnh (khoảng 11,6%) so với năm 2021 (81,4%).
Được đào tạo đầy đủ các các kỹ năng, tỷ lệ sinh viên có việc làm hoặc học tiếp sau khi 3 tháng tốt nghiệp của ĐH Bách khoa HN chiếm 82,5%. So với năm 2020, tỷ lệ này giảm nhẹ, chỉ 0,5%. Song nhìn chung, tỷ lệ sinh viên có việc làm của trường vẫn theo chiều hướng tăng trong giai đoạn 2015-2021.
Trong ngày hội việc làm 2022, trường đã thông tin trên 90% sinh viên Bách khoa Hà Nội có việc làm sau khi tốt nghiệp và một bộ phận lớn các sinh viên Bách khoa đang làm việc tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là những minh chứng rõ rệt khẳng định chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế của trường.
Là đại học có diện tích lớn nhất trong số các trường đại học thuộc khu vực nội thành, ĐH Bách khoa HN có đến 4 cổng, 2 con phố và 5 đường bao quanh. Trong đó, cổng Parabol tại đường Giải Phóng được coi như là một “công trình thế kỷ” xứng tầm với độ khó đề thi của Đại học Bách khoa.
ĐH Bách khoa được trang bị khá hiện đại với hàng chục toà nhà cao tầng. Không ít sinh viên tiết lộ rằng học 5 năm rồi mà còn chưa khám phá và biết hết mọi ngóc ngách.
Không dừng lại ở đó, Đại học Bách khoa HN còn thực hiện nâng cấp các phòng học, phòng thí nghiệm, và phòng làm việc phù hợp với yêu cầu công việc cũng như chất lượng học tập của sinh viên. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập, các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp mạnh đã tài trợ phục vụ cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho Đại học Bách khoa với tổng kinh phí lên đến gần 14 tỷ đồng.
Thư viện Tạ Quang Bửu là công trình kỷ niệm 50 thành lập Đại học Bách khoa Hà Nội, có tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 200 tỷ đồng. Đây là một trong những thư viện lớn nhất trong hệ thống thư viện đại học ở Việt Nam, bao gồm 1 tòa nhà 10 tầng với diện tích 37.000m².
ĐH Bách khoa cũng là một trong những cơ sở hiếm hoi ở nội thành có hồ nước rộng ngay trong khuôn viên trường. Hồ Tiền là địa điểm lý tưởng cho các bạn sinh viên nghỉ ngơi, thư giãn sau mỗi giờ học căng thẳng.
Tổng hợp