Văn bản đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện một số nội dung nhằm tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các chương trình, chính sách ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đối với khách hàng, trong đó ưu tiên thực hiện miễn phí duy trì tài khoản, phí rút tiền mặt đối với các khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Chẳng hạn: miễn giảm phí dịch vụ thanh toán; tặng quà, hoàn tiền, giảm giá hàng hóa dịch vụ, tặng điểm thưởng,… cho khách hàng khi mở mới tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng,… hoặc thực hiện thanh toán hóa đơn, chi trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán thẻ, thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại di động, thanh toán qua mã QR, trích nợ tự động,…).
Xem xét thực hiện ưu đãi phí chiết khấu cho các đơn vị chấp nhận thanh toán tham gia, đồng hành cùng với ngân hàng trong các chương trình khuyến mại, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng trong thời gian diễn ra sự kiện.
Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ…. nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, khuyến mại hợp lý (giảm giá, chiết khấu, hoàn tiền, tích điểm thưởng, quay số,…) cho khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán.
Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ Ví điện tử có chính sách ưu đãi hợp lý (miễn, giảm phí, phiếu quà tặng….) cho khách hàng đăng ký, liên kết thành công tài khoản Ví điện tử với thẻ ghi nợ nội địa, tài khoản thanh toán.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 3/2023, đã có 11,9 triệu tài khoản được mở bằng phương thức e-KYC, trong đó có 10,8 triệu tài khoản đang hoạt động; thanh toán bằng phương thức QR Code tăng trưởng trong suốt giai đoạn 2020 – 2023; 90% giao dịch khách hàng của một số ngân hàng được thực hiện qua kênh số, nhiều dịch vụ của ngân hàng đã 100% số hoá hoàn toàn. Hiện nay, 3 nhà mạng được thí điểm triển khai Mobile Money và đã có 2,835 triệu tài khoản được mở, 71% số tài khoản và hơn 62% điểm giao dịch được mở ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Song, một nhóm cứu“Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” cũng chỉ ra một số vướng mắc, hạn chế trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam hiện nay như thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử và lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội còn khá khiêm tốn.
Bên cạnh đó, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng tình hình thực tế.