Khi nói đến “những đứa trẻ vị thành niên”, phản ứng đầu tiên của bạn là gì? Nhà tâm lý học Winnicott đã mô tả chúng như sau: “Tôi trồng một đứa trẻ, nhưng gặt một quả bom”. Những đứa trẻ giai đoạn này thường bị cha mẹ “tố” đủ điều: Thích cãi lại, chán học, và luôn mất bình tĩnh…
Một số vấn đề ở giai đoạn này nếu không được giải quyết kịp thời, trẻ rất dễ mắc các vấn đề về tâm lý, thậm chí dẫn đến bi kịch. Đặc biệt ở độ tuổi 10-15, giai đoạn nguy hiểm nhất của tuổi vị thành niên, cha mẹ cần thực hiện 3 thay đổi sau đây, các em mới có thể vượt qua thuận lợi.
Cần hiểu sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ
Trước đó có một đoạn video trên mạng xã hội Trung Quốc khiến ai nấy đều bị sốc. Bé gái 13 tuổi tự nhốt mình trong phòng rồi leo lên bậu cửa sổ tầng 6 định nhảy khỏi tòa nhà. Lực lượng cứu hộ chạy tới định xông vào, cô gái hét lên: “Dám phá cửa, tôi nhảy xuống!”
Mẹ của cô gái vẫn còn tức giận, khoanh tay đứng đó im lặng. Những người cứu hộ hy vọng rằng người mẹ có thể xin lỗi con trước, để cảm xúc của em được ổn định nhưng bà mẹ nhất quyết nói không.
Những người cứu hộ sững sờ hỏi: “Chị có biết cháu bây giờ đang đứng ở đâu không? Cháu là con của chị mà. Nếu chị không thể nói lời xin lỗi, tôi sẽ dạy, hãy làm theo tôi và nói từng câu một”. Sau nhiều lần được thuyết phục, cuối cùng người mẹ bướng bỉnh đã xin lỗi con, lực lượng cứu hộ nhanh chóng phá cửa khi hai mẹ con đang nói chuyện. Không ngờ, cha của cô gái đột ngột xuất hiện, tức giận muốn xông tới dạy cho con một bài học.
Nếu không được lực lượng cứu hộ ngăn chặn kịp thời, một sinh mạng trẻ có thể đã vĩnh viễn mất đi trên cõi đời. May mắn thay, cô gái cuối cùng đã được giải cứu. Cư dân mạng đều trách bậc cha mẹ thiếu hiểu biết, “hơn thua” hay “cứu con” quan trọng hơn?
Trên thực tế, những tình huống tương tự như vậy không phải là hiếm trong cuộc sống, khi con cái bất đồng quan điểm với cha mẹ thì bắt đầu cãi vã, thậm chí bỏ nhà ra đi.
Thống kê cho thấy: Khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên, trung bình một gia đình sẽ xảy ra xung đột 3 ngày một lần và thời gian trung bình cho mỗi cuộc cãi vã là khoảng 11 phút. “Chữa bệnh” cho trẻ vị thành niên, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra trong tâm trí trẻ?
Chắc hẳn bạn đã từng gặp một người như thế này: Khi gặp phải một chuyện nhỏ, cảm xúc của họ bùng cháy và đột nhiên mất kiểm soát. Tại sao họ mất bình tĩnh ở mọi lúc? Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, điều này có liên quan đến tình trạng thùy trán chưa phát triển đầy đủ.
Trẻ vị thành niên, đặc biệt là trẻ từ 10-15 tuổi đang trải qua “giai đoạn bão tố về thể chất và tinh thần”, là thời kỳ có nhiều thay đổi lớn về thể chất và tâm lý. Sự phát triển về thể chất của trẻ em như chiều cao và cân nặng là nhanh chóng, nhưng sự phát triển về tâm lý của trẻ lại chậm hơn và chúng vẫn còn ở giai đoạn tương đối ngây thơ. Hai điều này mâu thuẫn với nhau, chức năng tâm lý mất cân bằng, trẻ dễ có tâm lý nổi loạn và mâu thuẫn.
Tức là các em khi bước vào tuổi vị thành niên đều nghĩ rằng mình đã là người lớn, khao khát được có quyền được nói, được độc lập, tự chủ và đặc biệt cần được tôn trọng. Trẻ chú ý đến việc chải chuốt hơn, đặc biệt là quan tâm đến hình ảnh của mình trong mắt người khác.
Trẻ ghét bị người khác phủ nhận, đồng thời cũng cố chấp với ý kiến của mình, thậm chí coi kỷ luật của cha mẹ là trở ngại cho sự độc lập của bản thân, muốn thoát khỏi loại kiểm soát nghiêm ngặt. Đồng thời, trẻ dễ bị tổn thương và nhạy cảm, dễ khuếch đại cảm xúc của mình. Trẻ chú ý đến quyền riêng tư hơn trước, không dễ dàng nói cho người khác biết bí mật của mình và nếu ai đó vượt quá giới hạn, chúng sẽ trở nên cáu kỉnh.
Đối phó với những “cơn đau đầu” ở tuổi vị thành niên
1. Đồng cảm
Người bạn đồng hành tốt nhất cho một đứa trẻ vị thành niên chính là sự đồng cảm cao đối với cảm xúc của trẻ. Hiểu cảm xúc của con như một người bạn, lắng nghe những rắc rối và để con cảm thấy an toàn. Chỉ bằng cách này, trẻ mới sẵn sàng nói cho bạn biết những gì trong trái tim, và bạn có thể tiến hành bước tiếp theo.
2. Giao tiếp tốt là cầu nối của mối quan hệ cha mẹ và con cái
Mối quan hệ cha mẹ và con cái cần sự thấu hiểu và giao tiếp nhất. Nếu một người thường nói với bạn rằng “bạn nên làm gì” và “bạn không thể làm gì”, bạn chắc chắn sẽ rất khó chịu, nhất là với những đứa trẻ đang tuổi vị thành niên.
Họ khao khát được đối xử như những người trưởng thành, để nhận được sự tôn trọng và công nhận mà họ xứng đáng. Vì vậy, cha mẹ không nên “ra lệnh” ngay khi con mở miệng, không lúc nào cũng chỉ trích con mà nên khen ngợi, khẳng định, động viên con nhiều hơn, thể hiện tình yêu thương. Khi cha mẹ và con cái có thể giao tiếp và có mối liên hệ sâu sắc, trẻ sẵn sàng hợp tác vui vẻ với cha mẹ.
3. Ký “thỏa thuận không tiết lộ”
Một số cha mẹ không thể hiểu con mình đang nghĩ gì và rất lo lắng nên đã xem trộm tin nhắn và nhật ký, nghe lén điện thoại. Một khi những điều này bị con cái phát hiện ra thì chẳng khác nào giết chết lòng tin lẫn nhau.
Hãy ký “thỏa thuận không tiết lộ”. Ví dụ, cha mẹ có thể được con cho biết chuyện gì quan trọng nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật. Nếu trẻ ngại nói ra thì có thể viết thư viết ra giấy rồi bỏ vào “hộp thư” được chuẩn bị riêng ở nhà. Một mặt, viết thư có thể cho phép trẻ trút bỏ cảm xúc và giúp trẻ nhìn nhận vấn đề từ góc độ hợp lý hơn, mặt khác, cha mẹ cũng có thể đọc được suy nghĩ của trẻ và liên lạc kịp thời với trẻ.