CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (KVC) vừa lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 240 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế dự kiến 5,6 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 12 tỷ đồng.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch chưa làm được trong năm 2022
Năm nay, Công ty cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra cho năm 2022 (tuy nhiên do khó khăn vẫn chưa thực hiện xong). Bao gồm:
+ Tận dụng lợi thế hạ tầng: Cho thuê kho xưởng và đất trồng đã cho thuê nhà xưởng 1 phần để khai thác nguồn thu;
+ Tiết giảm chi phí quản lý và bán hàng;
+ Logistics: Thuê các nhà thầu vận tải bên ngoại…
Ngoài ra, Công ty cũng nỗ lực tiết giảm chi phí lãi vay, dự kiến giảm dư nợ xuống còn 95 tỷ đồng vào quý 3/2023. Tính đến 31/3/2023, Công ty đang có dư nợ vay ngắn hạn là 116 tỷ đồng.
Trên thị trường, do liên tiếp thua lỗ cổ phiếu KVC bị đưa vào diện cảnh báo. Mới đây, Công ty đã có văn bản gửi tới Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội giải trình, báo cáo về việc cổ phiếu có khả năng bị huỷ niêm yết bắt buộc.
Đáng chú ý, trong bối cảnh ngành thép dần phục hồi, Công ty lên kế hoạch có lãi trở lại, cổ phiếu liên tục tăng mạnh 55% sau 1 tháng. Hiện, KVC đang giao dịch tại mức 1.700 đồng/cp.
3 năm thua lỗ liên tục
Theo TVC, từ năm 2020 nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn bởi tác động kép từ chiến tranh thương mại giữa Mỹ -Trung và diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid 19. Ngành sản xuất inox cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Đồng thời, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, và diễn biến phức tạp, khó lường và kéo dài tại Việt Nam và trên toàn thế giới…. điều này đã làm cho các nguồn cung cấp nguyên liệu của Công ty bị phong tỏa, hạn chế, thiếu hụt. Yêu cầu chất lượng sản phẩm khắt khe, nhu cầu và thị trường tiêu thụ sản phẩm lại giảm; sản xuất giảm, cầm chừng trong khi chi phí khấu hao tài sản cố định, khẩu hao nhà xưởng và máy móc thiết bị mới đầu tư hoàn thành sử dụng trong năm lại gia tăng, gánh nặng chí phí lãi vay không suy giảm so với năm trước…
Sang năm 2021, hậu Covid-19, tất cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng chóng mặt, vật giá leo thang do đứt gãy chuỗi cung ứng. Sức mua của thị trường trong nước giảm sâu, bên cạnh đó sức mua sau dịch có phần miễn cưỡng và chưa có dấu hiệu phục hồi. Chi phí logistic tăng cao sau dịch, hàng hóa lưu thông chậm….
Để phù hợp theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thép không gỉ”, do nguồn nguyên liệu sản xuất thép không gỉ của Công ty hiện nay (chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và mua trong nước) vẫn chưa thể đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật mới, nguồn nguyên liệu thay thế được xúc tiến thực hiện, tuy nhiên đại dịch covid 19 bùng phát đợt thứ 4 tại Việt Nam đã làm ảnh hưởng nặng nề.
Năm 2022 , kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty mặc dù có cải thiện hơn nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng thua lỗ. Doanh thu cả năm 2022 đạt 229 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế năm 2022 tiếp tục ghi nhận âm 12 tỷ đồng.
Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi di chứng, dư âm xấu từ năm 2020-2021 và biến động kinh tế toàn cầu dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa chậm, tồn kho giá cao, giá cả vật tư thu mua biển động thất thường. Giá bán không đủ bù đắp giá vốn đã làm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Công ty bị thua lỗ. Đây cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp kinh doanh thép trong năm 2022.
Công ty cho biết mặc dù đã rất nỗ lực để cải thiện hoạt động kinh doanh, phấn đấu kinh doanh các lãi, nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như đã trình bày ở trên, lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo tài chính đã kiểm toán các năm 2020, 2021, 2022 của Công ty đều là con số âm.