Ngày 23/5/2023, Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 kể từ đầu năm với mức giảm 50 điểm cơ bản, hiệu lực từ ngày 25/05/2023.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; (ii) lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Trong tháng 4/2023, lãi suất cho vay VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,6-11,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,4 – 5,7%/năm đối với ngắn hạn; 6,1-6,4%/năm đối với trung và dài hạn.
Ngay sau các quyết định hạ lãi suất điều hành, ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại tìm cách giảm lãi suất cho vay.
Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, nhận định: “Khi mặt bằng lãi suất huy động được giảm đồng đều thì đương nhiên lãi suất cho vay sẽ giảm tương ứng. Vietcombank cũng đang theo sát và sẽ khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân, cũng như là hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung”.
Theo ông Lê Quang Vinh, từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 2 đợt giảm lãi suất rất lớn. Đợt giảm lãi suất thứ nhất diễn ra từ 1/1 – 30/4, Vietcombank giảm đồng loạt 0,5% trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng, với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng. Ngay sau khi đợt 1 kết thúc, Vietcombank đã triển khai tiếp đợt 2, từ 1/5 – 31/7, với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ đồng.
Một “big 4” khác là Agribank cũng đã có 5 lần hạ lãi suất cho vay từ đầu năm 2023 đến nay. Đối với tín dụng ngắn hạn, Agribank đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất, mức thấp nhất chỉ từ 4,5%/năm tuỳ theo kỳ hạn vay và đối tượng vay vốn.
Theo ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, song song với việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, MB cũng đã liên tục đưa ra các gói lãi suất ưu đãi cho khách hàng, giảm lãi suất cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên.
Từ đầu năm đến nay MB cũng đã đưa ra 120.000 tỷ đồng gồm các gói tín dụng lãi suất thấp để phục vụ các nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Trong thời gian qua, MB cũng đã giảm lãi suất hỗ trợ dành cho khách hàng với số tiền lên tới 500 tỷ đồng, chủ yếu cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên theo yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. “Tăng trưởng tín dụng của MB từ đầu năm đến nay khoảng 6,5% và chúng tôi kì vọng rằng với mặt bằng lãi suất mới thấp hơn chúng tôi sẽ đạt được mức tăng trưởng tin dụng tốt hơn trong các tháng còn lại. Dự kiến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng của MB sẽ đạt mức 9%”, ông Phạm Như Ánh cho biết.
Đánh giá tác động từ việc điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tới hoạt động của các ngân hàng thương mại, trong đó có TPBank, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho biết mức tăng trưởng tín dụng hiện nay ở ngân hàng này là 5%. Tuy nhiên, điều băn khoăn là hiện tại, thu nhập của doanh nghiệp đang giảm thấp, chi phí tài chính cao quá cũng là bước cản trở đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng.