Trước năm 2020, khái niệm và phương thức tổ chức họp đại hội cổ đông trực tuyến vẫn còn xa lạ với các doanh nghiệp là công ty cổ phần. Nhưng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021, thì việc tổ chức họp trực tuyến của doanh nghiệp, họp đại hội cổ đông trực tuyến đã dần trở nên phổ biến.
Năm 2021, 2022 là giai đoạn đầu tiên của rất nhiều công ty cổ phần (đại chúng, chưa đại chúng) thực hiện việc tổ chức đại hội cổ đông bằng hình thức trực tuyến: cổ đông ở bất kỳ mọi nơi, không giới hạn địa giới, không gian hành chính, quốc gia vẫn có thể tham gia kỳ họp và bỏ phiếu biểu quyết theo thời gian thực.
Trong Hội nghị Bàn tròn Châu Á – OECD về quản trị công ty, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, các doanh nghiệp đại chúng ngày càng gia tăng ứng dụng công nghệ giúp nâng cao hoạt động quản trị công ty, nâng cao tính công khai, minh bạch… qua đó đảm bảo quyền lợi của các cổ đông và sự lâu bền của doanh nghiệp.
Còn trong buổi Hội thảo kết thúc Dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam”, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc đảm bảo tính công bằng và minh bạch là một tiêu chí quan trọng, xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán.
Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như công nghệ AI… để tăng cường năng lực giám sát và quản lý trong thời gian tới.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết, HDBank có 24.000 cổ đông, con số này đã tăng rất nhiều lần sau 5 năm niêm yết trên sàn chứng khoán.
“Với số lượng đông như vậy thì ngân hàng rất khó có thể tiếp cận từng cổ đông được. Do đó, vào đại hội cổ đông ngày 26/4 vừa qua, chúng tôi cũng triển khai hai hình thức hoạt động cổ đông vừa trực tiếp, vừa online. Qua các hoạt động online thì các cổ đông có thể tham gia bầu phiếu trực tuyến và không hạn chế, cũng như có thể thực hiện ở bất cứ một nơi nào dù là ở Việt Nam và trên thế giới” – Ông Trần Hoài Nam cho biết.
Ông Bùi Đình Giáp, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành AkaBot, FPT IS đánh giá, đối với các doanh nghiệp niêm yết, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là sự công bằng giữa các cổ đông. Một số cổ đông không có điều kiện để tham dự trực tiếp, dẫn đến bị thiệt thòi. Vì vậy, đại hội cổ đông trực tuyến giúp cho các nhà đầu tư có thể tiết kiệm chi phí, đảm bảo tính quyền lợi của họ trong việc tham gia phiếu bầu. Ngoài ra, cũng sẽ tiết kiệm cả thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia hay Thái Lan đều có những quy định cụ thể về việc khi các doanh nghiệp niêm yết tổ chức đại hội cổ đông thì cần phải có thêm kênh trực tuyến để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư khi họ không có điều kiện đến tham gia trực tiếp.
Nhưng Đại hội cổ đông trực tuyến mới chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp và ngân hàng.
Ông Trần Hoài Nam đánh giá chuyển đổi số là xu thế tất yếu của nền kinh tế ở Việt Nam cũng như của toàn cầu. Trước đây giao dịch thanh toán tiền mặt rất lớn nhưng giờ đây các hoạt động thanh toán không tiền mặt, dùng app, dùng các công cụ chuyển tiền trực tuyến cũng như thanh toán thông qua hệ thống mạng đã phát triển rất nhiều.
Năm 2020, HDBank đã thành lập một trung tâm chuyển đổi số DTC. Các khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển khoản giao dịch ngoại hối, thanh toán quốc tế và mua bán ngoại tệ… đều trên hệ thống online hay qua app. Điều này giúp cho các khách hàng, đặc biệt là các khu vực nông thôn có thể tiếp cận được dễ dàng thay vì phải đến trực tiếp ngân hàng hoặc phải giao dịch với cán bộ ngân hàng.
Nhờ đó, trong năm 2022, số lượng thẻ tín dụng của HDBank đã tăng lên 4 lần, các giao dịch về chuyển đổi số cũng đã tăng lên 6 lần, và các chỉ tiêu khác tăng lên hơn 200%. Về chỉ số về tài chính, ROE tăng lên và CIR giảm xuống do việc triển khai chuyển đổi số đã giúp tăng năng suất lao động, tăng thêm lợi nhuận cho ngân hàng, giúp cho hoạt động chung của ngân hàng cũng như là các cổ đông tốt hơn.
Tuy nhiên thực tế rằng công tác đầu tư vào các hoạt động chuyển đổi số cũng là một quan ngại của một số các doanh nghiệp, và đôi khi thì họ cũng thấy rằng việc đầu tư đó quá lớn so với các hoạt động kinh doanh thông thường của họ.
“Nhưng cá nhân tôi thấy rằng là doanh nghiệp cũng nên mạnh dạn đầu tư, có thể là những chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, tuy nhiên hiệu quả áp dụng như việc tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm cũng như phục vụ khách hàng tốt hơn thì cũng sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp” – Phó Tổng giám đốc HDBank nói.
Bên cạnh đó, ông Trần Hoài Nam cũng nêu ý kiến, nếu chuyển đổi số quá nhanh cũng sẽ dẫn đến việc tìm được các nguồn nhân lực phù hợp để thực hiện chuyển đổi số khó khăn… Nhưng với những bước tiến rất nhanh trong các hoạt động chuyển đổi số, vị này tin rằng trong tương lai sẽ đạt được những kết quả, thành tựu tốt.