Theo TS. Nguyễn Khánh Lân, tại các đô thị hiện đại, công trình ngầm chiếm 20 – 25% tổng số lượng các dạng công trình.
LOAY HOAY KHÔNG GIAN NGẦM
Theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã được HĐND TP.HCM thông qua tại kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) tháng 5/2024, cho thấy các không gian ngầm tại TP.HCM được quy hoạch một cách rời rạc, không có kết nối và định hướng chung; Chưa đưa ra được các định hướng đấu nối liên kết với mặt đất, định hướng kết nối mạng lưới không gian ngầm, và định hướng các hạ tầng dịch vụ đô thị.
Về mặt định hướng, đã có một số văn bản pháp lý, quy định quy chuẩn hướng dẫn quản lý về không gian ngầm… nhưng vẫn còn bất cập. Mới chỉ có tầng hầm của công trình trên mặt đất được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Chưa có các quy định về địa dịch (quyền đi qua, cấp điện, cấp nước, mở lỗ thông gió…) để xử lý các vấn đề phát sinh trong sử dụng đất công trình ngầm…
Trong khi đó, tại Quyết định 24/2010 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 của Thủ tướng đã đề cập đến quy hoạch không gian ngầm.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất – công nghiệp TP.HCM (HEPZA), đến nay, TP.HCM vẫn đang “nợ” doanh nghiệp, người dân quy hoạch không gian ngầm. Do không có quy hoạch không gian ngầm, doanh nghiệp muốn xây một tầng hầm của nhà xưởng để đậu xe hay làm căng tin phục vụ người lao động cũng phải xin UBND cấp có thẩm quyền là UBND cấp tỉnh, theo Luật Quy hoạch.
Đây là thông tin được ông Hưng nêu lên tại phiên họp góp ý về quy hoạch chung TP.HCM, tại hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra ngày 13/6/2024.
Ông Hưng cho biết quy hoạch chung TP.HCM lần này theo tỷ lệ 1/25.000, về các quận huyện sẽ có tỷ lệ 1/2.000. Do đó, các đơn vị đang mắc kẹt một số nội dung, không có quy hoạch tổng thể thành phố cho nên không điều chỉnh được. “Tại sao những cái này không hình dung ngay bây giờ để đưa ra những khung, những hướng và sau đó các quận huyện, địa phương lập 1/2.000 chặt chẽ hơn, để không phải mất thời gian xin ý kiến điều chỉnh?”, ông Hưng đặt câu hỏi.
Về quy hoạch không gian ngầm, theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, các đồ án quy hoạch trước đó được làm cách đây 14-15 năm. Lúc đó chỉ nghĩ đến đất, không nghĩ cần làm không gian ngầm, không gian cao, hay nén, nên đúng là có thiếu sót.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, quy hoạch chung là vấn đề then chốt mà hội nghị lần này cần tập trung và để có được quy hoạch tốt nhất.
Về vấn đề không gian ngầm, ông Mãi cho rằng không nên tư duy dưới hội trường này có mấy tầng, hay chỉ 3, 4 tầng, mà đó có thể là nguyên thành phố ngầm nằm ở dưới, hàng chục ha, thậm chí hàng trăm ha.
Ông Mãi cho rằng thành phố phải có không gian ngầm. Lãnh đạo thành phố đã đốc thúc Sở Quy hoạch và Kiến trước làm từ lâu nhưng đến nay chưa có.
4 KHU VỰC TRỌNG ĐIỂM PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN NGẦM
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, không gian ngầm định hướng hiện tại chủ yếu hướng vào 3 chức năng chính: Giao thông công cộng: là các tuyến đường sắt đô thị chạy ngầm trong khu vực trung tâm đô thị; Giao thông tĩnh: Các nhà ga đường sắt đô thị, và định hướng loại hình các bãi đỗ xe; Thương mại: các khu phố mua sắm tích hợp với ga đường sắt ngầm.
Đơn vị tư vấn đã đề xuất 4 khu vực trọng điểm cần nghiên cứu phát triển không gian ngầm dưới lòng đất tại TP.HCM, gồm: Trung tâm TP.HCM hiện hữu (930 ha), trung tâm Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức), trung tâm Chợ Lớn – Phú Thọ (khu quận 5 – 10) và trung tâm Hòa Hưng – Cộng Hòa (ga Hòa Hưng quận 3 và khu Cộng Hòa quận Tân Bình).
Tại 04 khu vực trọng điểm phát triển không gian ngầm sẽ có 23 khu vực phát triển không gian ngầm, gồm: 12 không gian ngầm thương mại, 07 không gian ngầm nhà ga và 04 không gian ngầm đặc thù.
Cụ thể, khu vực trung tâm TP.HCM hiện hữu (930 ha): có 08 khu vực phát triển không gian ngầm: 05 không gian ngầm thương mại (khu vực đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ, công viên Lê Văn Tám, công viên 23/9, khu ga Ba Son của Metro 1, ga Tân Cảng và khu dân cư); 3 không gian ngầm đặc thù (bến Bạch Đằng và đường Tôn Đức Thắng, ga Bến Thành và Đường Hàm Nghi, cảng Sài Gòn).
Trung tâm Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức): có 2 không gian ngầm thương mại và 2 khu vực ngầm đặc thù.
Trung tâm Chợ Lớn – Phú Thọ: có 3 khu ngầm thương mại (trung tâm phức hợp thể thao Phú Thọ, khu vực Đường Lê Hồng Phong – Hùng Vương, khu vực đại học đường Nguyễn Văn Cừ), 1 không gian ngầm nhà ga là nhà ga Chợ Lớn gần công viên Văn Lang, 1 không gian ngầm đặc thù là khu y tế tập trung Chợ Lớn.
Trung tâm Hòa Hưng – Cộng Hòa: có 2 khu ngầm thương mại là khu vực đô thị C30 (gần Đại học Bách Khoa) và khu vực đường Tô Hiến Thành, 3 khu ngầm nhà ga là nhà ga Hòa Hưng, nhà ga Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ – Cộng Hòa và một khu ngầm đặc thù là khu kết nối sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngoài ra, TP.HCM có thể nghiên cứu thêm 3 không gian ngầm bên ngoài, như: hầm tích hợp mở rộng cầu Phú Mỹ (quận 7), khu vực nhà ga Trường Chinh – Âu Cơ (quận Tân Bình), khu vực nhà ga công viên Gia Định (quận Gò Vấp).
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/khong-gian-ngam-tai-tp-hcm-nguon-tai-nguyen-can-khai-thac.htm