Câu chuyện của cô gái trẻ ở Hà Lan tìm giải thoát ở cái chết sau quãng thời gian đau khổ kéo dài khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về giới hạn sức chịu đựng của con người.
Một vài câu hỏi đặt ra xung quanh vụ việc này có lẽ sẽ được giải quyết qua cuốn hồi ký của Noa Pothoven – cô gái lựa chọn chấm dứt những đau khổ của mình ở tuổi 17 – mang tên Winnen of Leren (tạm dịch: Chiến thắng hay là sống). Mở đầu cuốn sách là những dòng viết đầy chân thực và xúc động, cung cấp cho chúng ta một thấu kính để nhìn sâu vào tổn thương tinh thần của cô gái trẻ.
“Mọi thứ bắt đầu khi tôi mười một tuổi. Tôi vốn là một người cầu toàn, muốn chuyện học hành phải tốt nhất nên đã cảm thấy căng thẳng vô cùng. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn trôi qua bình thường. Cho đến khi tôi lại bị hành hung và hãm hiếp. Trước đó thì mọi thứ vẫn bình thường. Sau đó, tôi cảm thấy cuộc sống của mình không còn gì nữa. Tôi vẫn sống. Trong cuốn sách của tôi, bạn có thể biết tôi đã sống như thế nào hay ít nhất là đã cố gắng sống như thế nào”.
Noa Pothoven (2001) sinh ra ở Arnhem (một thành phố phía đông Hà Lan), sống cùng gia đình. Noa yêu thích viết lách từ khi còn nhỏ và rất yêu động vật. Trong giai đoạn dễ bị tổn thương về thể chất và tinh thần nhất, cô bị tấn công và lạm dụng tình dục tới ba lần. Những trải nghiệm này để lại tổn thương sâu sắc trong cô gái: Noa mất đi vẻ tự tin vốn có, thường trực sống giữa đau đớn, lo lắng và bất an.
Những bi kịch và thăng trầm này đã được Noa bộc bạch thẳng thắn trong cuốn nhật ký, sau đó thể hiện lại dưới dạng một cuốn hồi ký với những thông điệp rõ ràng, vì cô dự tính sẽ sớm kết thúc cuộc đời của mình.
Trong Winnen of Leren, cô trình bày chi tiết những gì đã diễn ra, lần bị lạm dụng tình dục năm 11 tuổi và bị cưỡng hiếp vào năm 14 tuổi. Noa cũng kể về những cơn chiến đấu với chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (viết tắt: PTSD, là tình trạng tâm thần không ổn định bao gồm khủng hoảng, hồi hộp, trầm cảm do chấn động lớn xảy ra trong quá khứ), chứng biếng ăn, trầm cảm…
Qua cuốn sách độc giả có thể thấy, Noa phản ứng với những tổn thương bằng cách tự làm tê liệt, làm hại bản thân, không ăn uống trong nhiều ngày. Ý tưởng về việc tìm đến cái chết – thứ thuốc mê cuối cùng mà Noa có – ngày càng hiện hình rõ nét.
Noa ngày càng trở nên xa lánh với chính mình, với gia đình và thế giới xung quanh. Bất chấp những điều trị tâm lý, cô nuôi dưỡng một niềm tin sâu xa về sự vô nghĩa của cuộc đời mình. Nói cách khác, nỗi đau đã chạm ngưỡng tới giới hạn và đòi được giải thoát theo cách thức tàn hoại nhất với những người xung quanh Noa.
Vào tháng 12/2018, Noa nói chuyện với tờ báo Gelderlander về ý định kết thúc cuộc đời của mình. Cô gái nói: “Họ nghĩ tôi quá trẻ để chết. Họ nghĩ tôi cần hoàn thành quá trình trị liệu sang chấn tâm lý và suy nghĩ phải chín chắn trước đã. Tức là tôi phải đủ 21 tuổi. Tôi hoàn toàn suy sụp vì không thể đợi lâu chừng đó”.
Ba tháng trước, trong một lần phỏng vấn, Noa thể hiện mong muốn cuốn sách của mình sẽ cải thiện việc chữa trị khủng hoảng tâm lý ở những người trẻ. Cô gái nói: “Qua cuốn sách của tôi, những câu hỏi mới sẽ được đặt ra về việc tổ chức chăm sóc trẻ và thanh thiếu niên”.
Vào ngày 2/6 vừa rồi, Noa trút hơi thở cuối cùng tại phòng khách của gia đình mình, trong vòng tay của bố mẹ. Cô gái đã viết post cuối cùng trên trang Instagram của mình với nội dung: “Yêu là buông bỏ”.
Cuộc đời ngắn ngủi của Noa thể hiện trong cuốn sách cũng như trên thực tế là một câu chuyện đau lòng. Đó là một lời nài xin tất cả chúng ta cởi mở hơn và thấu cảm hơn, để nhận ra những tổn thương tinh thần của nhiều người, đặc biệt là những người còn trẻ, trong độ tuổi định hình nhân cách.
Cuốn hồi ký không chỉ có ý nghĩa đối với những người cùng chung cảnh ngộ với Noa, những người bị rối loạn tâm thần mà còn giá trị với những người điều trị cho những người đó.