Hãy học cách yêu chính mình và những nỗi đau của bạn sẽ được chữa lành
Louise Hay là người mẹ, lãnh tụ của phong trào phát triển bản thân, với những thông điệp về tình yêu không chỉ trích và nghệ thuật chữa lành tâm hồn đã làm rung động tâm hồn người đọc trên khắp thế giới. Cuốn sách của bà, Chữa Lành Nỗi Đau, một tác phẩm kinh điển đã bán được 35 triệu bản ở hơn 30 quốc gia, đã thành công nhờ khả năng “giúp đỡ mọi người thay đổi mà không phán xét họ”.
Trong cuốn sách này, Louise giải thích cho chúng ta về cơ chế mà các suy nghĩ, niềm tin và cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến tâm trí ra sao và cách chúng tác động đến các bệnh sinh lý. Tác giả cũng cung cấp cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ giữa tâm trí và cơ thể, từ đó tìm cách phục hồi cả hai.
Ý tưởng chính của cuốn sách này là “nếu chúng ta sẵn sàng làm việc với tâm trí của mình, thì hầu như mọi thứ đều có thể được chữa lành.” Những vấn đề mà Louise nói trong cuốn sách này liên quan đến mối quan hệ, tiền bạc, cơ thể… và tất cả chúng đều bắt đầu với niềm tin rằng mình không đủ tốt, mình bất lực. Và đây chính là các định kiến mà chính bạn tạo ra và hình thành cuộc sống của mình. Tuy nhiên, thực tế là khoảnh khắc bạn bắt đầu yêu thương bản thân là lúc mà bạn sở hữu chiếc chìa khóa để chữa lành mọi nỗi đau.
Nếu biết giao tiếp đúng đắn với tâm trí, chúng ta có thể làm lành các vết thương trong quá khứ và mang lại kết quả tích cực trong bất kỳ lĩnh vực nào mong muốn. Louise Hay đã viết cuốn sách này giống như cách cô ấy đã hướng dẫn các học viên thông qua qua các hội thảo, mỗi chương bắt đầu bằng một lời khẳng định và bao gồm một hoặc nhiều bài tập, kèm theo phương pháp điều trị.
1. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề? “Bệnh” thực tế là gì?
Căn nguyên và vấn đề phổ biến nhất là niềm tin cơ bản rằng tôi không đủ tốt và không biết yêu thương bản thân mình.
Ví dụ, niềm tin phổ biến nhất liên quan đến tình yêu là tôi là một con người đầy lỗi lầm, không xứng đáng được ai yêu thương, hoặc tôi không có bạn bè hoặc mọi người không yêu tôi. Tôi tự làm tôi khốn khổ trước khi người khác có cơ hội làm việc đó.
2. Vậy, câu hỏi đặt ra là “Những niềm tin này đến từ đâu?”
Vì vậy, ta cần truy tìm nguồn gốc của niềm tin này và nhiều câu hỏi khác như chúng ta là ai, phải sống theo quy tắc nào, tại sao bạn không thể nghĩ tốt về mình được? Tất cả những điều này và suy nghĩ đi kèm được sinh ra khi bạn còn rất nhỏ và bị ảnh hưởng bởi những người lớn ở bên bạn, rồi khi lớn lên, bạn sẽ xây dựng lại cuộc sống xoay quanh những niềm tin này.
Để giải quyết vấn đề này, tác giả khuyên bạn nên thực hiện một số bài tập và yêu cầu bạn chuyển từ “Tôi phải” sang “Tôi có thể”. Bà cũng yêu cầu bạn xác định một số niềm tin giới hạn đến từ đâu và nhận ra rằng mình có sự lựa chọn.
3. Bây giờ, một câu hỏi khác là “Liệu những niềm tin của chúng ta có đúng không?”
Những niềm tin như con trai không bao giờ khóc, không cảm thấy buồn, tất cả chúng không phải là thực tế. Hay “bạn không thể làm điều này bởi vì bạn không giỏi về nó”, những giáo điều này khiến chúng ta tin tất cả vào sự bất lực của mình và do đó nó trở thành hiện thực.
Vì vậy, trước hết, chúng ta nên kiểm tra xem chúng có đúng không. Nếu chúng là sự thật trong quá khứ, một số niềm tin hình thành khi chúng ta còn rất nhỏ như “Con không nên nói chuyện với người lạ”, thì có thể hợp lý trong ngày còn bé, nhưng hiện tại đã khác. Mọi thứ không còn giống nhau, do đó buông bỏ những niềm tin sai lầm và cũ kĩ này là bước tiến để thay đổi cuộc sống của bạn.
4. Thay đổi? Làm thế nào để thay đổi?
Chúng ta bắt đầu khác đi khi chúng ta sẵn dám vượt qua sự kháng cự tự nhiên để thay đổi. Và bước tiếp là bạn cần học cách kiểm soát tâm trí và suy nghĩ của mình và học cách tha thứ cho bản thân và người khác.
Chúng ta cần nuôi dưỡng sự sẵn sàng thay đổi, và chấp nhận nó từ trong ra ngoài, chứ không phải đợi hoàn cảnh. Quá trình chữa lành bắt đầu ngay khi chúng ta nghĩ về việc việc dám thay đổi.
Phần này bà cung cấp bài tập “Tinh thần sẵn sàng thay đổi”, để xác định nguồn cơn không cho phép bạn tiến lên và sử dụng lời khẳng định để từ bỏ sự kháng cự đó.
Bà cho rằng để định hình lại niềm tin giống như việc dọn dẹp Ngôi nhà tinh thần, trong đó điều chúng ta được yêu cầu là rà soát lại suy nghĩ, niềm tin của mình và đi đến từng căn phòng tâm trí để quyết định nên giữ, loại bỏ, thay đổi hoặc đánh bóng lại cái nào.
5. Kiểm soát tâm trí của bạn
Tâm trí là công cụ quan trọng nhất và bạn có thể sử dụng chúng theo bất kỳ cách nào mình muốn. Kiểm soát tâm trí của mình có nghĩa là chủ động hơn trong việc lựa chọn các suy nghĩ, từ đó định hình niềm tin của mình.
Để làm được điều này, bạn cần trải nghiệm để hiểu rằng quá khứ đã qua và chúng ta không thể làm gì về nó, do đó hãy quên nó đi. Một số bài tập có thể thực sự rất hữu ích, để giải phóng cảm xúc bị dồn nén trong bạn từ rất lâu, như có thể hét lên khi cửa sổ đã khóa hoặc có thể khóc. Nghe có vẻ hơi điên rồ, nhưng sau khi làm điều đó, bạn sẽ cảm thấy khá lên vì những muộn phiền được tạm trút bỏ.
6. Tha thứ cho bản thân và người khác
Tác giả mong chúng ta tha thứ cho quá khứ và tận hưởng hiện tại, bởi nhiều người cho phép quá khứ giữ họ lại, vì họ không thích hiện tại và không thể nghĩ về tương lai. Và tất cả điều này xảy ra bởi vì họ không thể buông tha cho bản thân hoặc người khác. Louise Hay đã giải thích nhiều bài tập để giúp bạn vượt qua thói đay nghiến về những tổn thương mà người khác, hay chính bạn đã tự làm đau chính mình.
7. Tập trung vào việc xây dựng cái mới
Ở đây bà cho rằng hãy cố gắng mang lại những thay đổi tích cực mới trong cuộc sống của mình. Giống như gieo hạt giống, chúng có thể cần thời gian để nảy mầm và cần hơn rất nhiều sự chăm sóc để phát triển đúng cách .
Những gì bạn nghĩ sẽ ảnh hưởng đến hành vi của bạn. Vì vậy đừng liên tục phủ định bản thân, thay vào đó hãy sử dụng những lời nói tích cực như tôi xứng đáng hạnh phúc, tôi có thể làm điều này…
Như người ta vẫn nói “Cho dù bạn nghĩ mình có thể, hay không, thì bạn đều đúng”. Điều quan trọng nhất về hình thành tính tích cực là TỰ CHO PHÉP VÀ TỰ CHẤP NHẬN. Cho phép mình được hạnh phúc và chấp nhận mình không lúc nào cũng phải đau khổ là 2 trụ cột giúp phát sinh niềm tin lạc quan vào bản thân.
8. Triết lý toàn diện
Ở đây Louise Hay cung cấp một cách tiếp cận toàn diện để nuôi dưỡng con người bạn thông qua dinh dưỡng, tập thể dục, thiền định, tha thứ, yêu vô điều kiện…
Hãy cố gắng áp dụng những thực hành này trong đời sống hàng ngày, cuộc sống của bạn sẽ lành lại theo hướng tích cực và theo cách tuyệt vời.
Cố gắng bắt đầu ngày mới bằng một lưu ý tích cực, dành một chút thời gian hàng ngày để tập thiền và tập thể dục, điều này sẽ giúp bạn và tâm trí của bạn được bình tĩnh và thư giãn.Và luôn học hỏi từ những thất bại của mình, không đắm chìm trong thất vọng, luôn cố gắng phát triển, cố gắng để có được kiến thức và cải thiện sức mạnh tinh thần của bạn.
9. Cơ thể & Sức khỏe
Chúng ta phải học cách hiểu cơ thể mình, những tín hiệu mà chúng đang cố nói về các loại bệnh tật và sự khó chịu của nó. Chính bạn là người tạo ra nhiều bệnh tật và khó chịu cho cơ thể thông qua những khuôn mẫu tiêu cực. Do đó chúng ta phải chăm sóc cơ thể của mình bằng cách lắng nghe nó: cơ thể bạn nói với bạn về sự khó chịu của nó thông qua các cơn đau đầu, đau họng, các vấn đề về lưng, v.v.
Đây là một cuốn sách tuyệt vời và nó sẽ giúp bạn chữa lành cuộc sống của mình. Hãy đọc nó, cảm nhận nó, thử áp dụng các bài tập mỗi ngày và bạn sẽ thấy cuộc sống mình thay đổi đáng kể ra sao.