Ở cuốn sách này, chiến tranh hiện ra trong sự quyến rũ chết người của vũ khi, và người phi công Thần Phong đẹp trai vãi đạn như mưa (“vãi đạn” nghĩa đen) trong một màn trình diễn của nỗi sợ và sự hủy diệt.
Nếu muốn gây xúc động cho số đông công chúng về một chủ đề ít ai quan tâm, cách tốt nhất là hãy gắn nó với một nhân vật đẹp trai. Chủ đề “Lính đặc công Hàn Quốc thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc” chẳng hạn, chẳng thấy có gì hấp dẫn, nhưng “hậu duệ mặt trời” Song Joong Ki nhoẻn miệng cười lấp lánh nét duyên chiến sĩ ư? Hấp dẫn hơn rồi đấy.
Nguồn cảm hứng tương tự đã giúp tôi đi hết cuốn tiểu thuyết 507 trang “Không chiến Zero rực lửa” (tiếng Anh “The Eternal Zero”, của tác giả Nhật Hyakuta Naoki) sau một thời gian khá dài sức đọc đi xuống không phanh. Cuốn sách này làm trỗi dậy trong tôi mối quan tâm thất lạc đã lâu về chủ đề “phi công cảm tử Thần Phong (Kamikaze) của Nhật Bản trong Thế Chiến 2”.
Zero là tên của chiếc máy bay mà họ lái, từng được xem là loại chiến đấu cơ lừng danh “bất khả chiến bại” của Nhật Bản (tất nhiên là trước khi Mỹ sáng chế ra loại chiến đấu cơ đánh bại được nó). Zero và Kamikaze, hai cái tên từng là nỗi kinh hoàng của lính Mỹ trong Thế Chiến 2.
Nhờ hình dung về nhan sắc nam chính – Miyabe Kyuzo – chàng phi công Thần Phong cao 1,8m (vào một thời đại mà người Việt Nam vẫn còn lẩm bẩm khinh bỉ “bọn Nhật lùn”) và căn cứ trên thực tế không thể phủ nhận của vũ trụ này – rằng mọi đàn ông mặc quân phục đều trở nên đẹp trai hơn gấp ít nhất 7 lần – đã khiến tâm trí tôi đầy thăng hoa trong 3 ngày đồng hành cùng cuốn sách.
Sử dụng thủ thuật “anh đẹp trai” kinh điển của văn chương và điện ảnh thế giới nhưng cuốn sách không vì thế mà chảy vào dòng ngôn tình. Trên thực tế, sách đã khiến độc giả nam giới phát cuồng vì độ ngầu của ngôn tự quân sự và độ khốc liệt của những trận thủy chiến lừng danh có thật trong lịch sử như Trân Châu Cảng, Midway, Rabaul… đã nhấn chìm hàng trăm chiếc hàng không mẫu hạm và hàng triệu xác người cả binh lính và dân thường xuống Thái Bình Dương. Khốc liệt? Vô tình? Chiến tranh là thế.
Chiến tranh hiện ra trong sự quyến rũ chết người (“chết người” cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) với sự xuất hiện của những rủng rẻng chiến đấu cơ, máy bay ném bom, thiết giáp hạm, hàng không mẫu hạm và người phi công Thần Phong đẹp trai vãi đạn như mưa (“vãi đạn” nghĩa đen) trong một màn trình diễn của nỗi sợ và sự hủy diệt. Tất cả hòa trộn khiến dòng máu chiến binh rần rật chảy trong huyết quản người đọc, dù người đọc chưa từng được huấn luyện bài bản về quân sự.
Nhưng tỉnh cơn say chiến trận, người đọc nhận ra “Zero” vẫn là cuốn sách phản chiến. Tác giả tạo ra một hình tượng chứa đựng mâu thuẫn: Miyabe, người phi công Thần Phong không-muốn-chết. Nếu bạn hiểu Thần Phong là gì, bạn sẽ hiểu vì sao “không muốn chết” lại là điều ngang trái. Phi công Thần Phong của Nhật Bản là những người được giao nhiệm-vụ-chết. Họ là những chàng trai trẻ lái máy bay trang bị đầy bom, thuốc nổ, thủy lôi và xăng đâm vào hàng không mẫu hạm Mỹ, trong nỗ lực tuyệt vọng của những đô đốc già người Nhật muốn phá hủy thêm một chút gì của đối phương trước khi chính thức thất bại trong Thế Chiến 2.
Phi công, những con người yêu bầu trời bậc nhất, lần lượt cất cánh lên trời xanh một lần sau cuối, cho máy bay bổ nhào một lần sau cuối, thực hiện cái mà các đô đốc già gọi là “hy sinh vì đất nước”, vĩnh viễn không còn được tận hưởng sự sống mà họ muôn vàn yêu dấu. Biển lẫn trời đều xanh thăm thẳm nhưng họ những chàng trai tuổi 20 không có lựa chọn nào khác ngoài chết. Để rồi, mãi về sau này, thế hệ trẻ Nhật Bản biết đến họ như những tên tội phạm chiến tranh.
Chiến tranh. Con người vẫn miệt mài tạo ra sự sống mỗi ngày, vậy có lý do gì để họ không tìm được khoái cảm trong việc tạo ra sự chết? Ai sẽ cùng ta đi trọn vòng sinh diệt? Nếu không tình cờ người đó lại thương ta?
Vì Miyabe người phi công Thần Phong dù có thể là một cỗ máy chiến tranh siêu việt khi đối mặt với kẻ thù trong trò chơi tàn bạo, nhưng vẫn thắt lòng khi nhớ nụ cười của vợ. Và của con. Nơi quê nhà.
Mi Ly