Tùng, Hà San và Huy khởi nghiệp cùng nhau. Ba người họ đưa MindX từ xuất phát điểm là dự án xã hội, đến nay vừa huy động thành công 15 triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế.
Câu chuyện khởi nghiệp của MindX không thiếu trên mặt báo. Thông thường Hà San – giám đốc vận hành (COO) sẽ là người đứng ra chia sẻ. Trong giới khởi nghiệp Việt Nam, founder là nữ vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. Những người lèo lái công ty đạt đến quy mô như MindX lại càng hiếm. Cũng có thể vì thế mà Hà San “hút” truyền thông.
Đối lập với Hà San, Huy Nguyễn – giám đốc công nghệ (CTO) kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu phát triển (R&D) lại người hướng nội, mọt sách và không bao giờ xuất hiện công khai.
Lần này, Tùng thay mặt nhóm sáng lập chia sẻ về MindX. CEO 8x dành gần hai tiếng đồng hồ tiếp người viết tại văn phòng ở trung tâm Quận 1, TP HCM.
Nguyễn Thanh Tùng đúng kiểu sinh viên Bách Khoa điển hình. Anh từng thi đỗ khoa hoá, nơi đào tạo ra những người làm việc tại giàn khoan dầu mỏ. Tùng bỏ học sau hơn một năm vì cảm thấy lạc lối. Trong quãng thời gian nghỉ, Tùng làm đủ nghề kiếm sống. Nhưng cuộc sống của anh không thể lông bông mãi. Tùng mua một chiếc máy tính, tự học lập trình để chuẩn bị cho con đường sự nghiệp sau này.
Việc mày mò trên internet không phải một giải pháp hay, nó khiến Tùng dễ nản. May mắn với anh thời điểm đó, tập đoàn FPT ra mắt hệ thống đại học. Họ dành ra các suất học bổng cho học sinh, sinh viên có tiềm năng, và cho cả những người bỏ học vì mất định hướng như Tùng. Anh nộp hồ sơ, qua vòng phỏng vấn với thầy hiệu trưởng Lê Trường Tùng và giành học bổng hơn 11.000 USD. “Đó là số tiền rất lớn với tôi”, Tùng chia sẻ. Đến bây giờ, anh vẫn luôn biết ơn thầy hiệu trưởng và trường FPT đã cho mình cơ hội.
Sự nghiệp của Tùng bắt đầu với lập trình. Sau FPT, anh có cơ hội làm việc tại các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Tại Đức, một đồng nghiệp ngang tuổi Tùng lại vượt trội về kỹ năng khiến anh nể phục. Thực tế, anh này đã tiếp xúc và học máy tính từ năm 10 tuổi. Tùng liên tưởng ngay đến các doanh nhân công nghệ hàng đầu thế giới như Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg. Họ đều có cơ duyên tiếp xúc công nghệ từ rất sớm, sau đó bỏ ngang việc học đại học để khởi nghiệp và trở nên vĩ đại.
Khi làm việc ở Mỹ, gần thung lũng Silicon, Tùng thấy cảnh nhiều người ở mọi lứa tuổi đang lập trình tại các điểm công cộng. Anh có cảm giác lờ mờ rằng, lập trình sẽ trở thành ngôn ngữ mới để con người có thể làm việc và giao tiếp cùng nhau. Đó là tầm nhìn của Tùng cách đây 10 năm.
Trở về Việt Nam, năm 2015, Tùng bắt đầu dự án Techkids và gặp gỡ Hà San và Huy. Đội ngũ đồng sáng lập Techkids ban đầu không chỉ có 3 người họ mà trên 10 thành viên. Hầu hết đã bỏ dở dự án giữa chừng, có người du học, người đi làm cho tập đoàn lớn. Không nhiều người nghĩ rằng một dự án tình nguyện có thể trở thành sự nghiệp của họ sau này. Tùng nhận ra rằng, đi theo mô hình dự án xã hội không phải là con đường bền vững.
Về sau, Tùng đăng ký kinh doanh và tiến hành chia cổ phần cho những người cam kết làm việc lâu dài. Huy gác lại việc du học, bất chấp gia đình thúc giục. Hà San sau khi tốt nghiệp đại ngọc Ngoại Thương (FTU) không tìm kiếm công việc khác mà tiếp tục làm cho dự án. Lúc đó, Tùng chưa tưởng tượng được Techkids sẽ đạt quy mô lớn thế nào. Tất cả những gì anh nghĩ là một công việc giúp mọi người duy trì cuộc sống và đủ hấp dẫn để thuyết phục họ đồng hành.
Tám năm sau, Techkids đã trở thành MindX và công bố gọi vốn thành công 15 triệu USD vòng series B từ các nhà đầu tư quốc tế dẫn dắt bởi Kaizenvest. “Nói thật, chúng tôi không kỳ vọng vòng gọi vốn này sẽ xảy ra sớm đến vậy”, Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ. Thực tế, chỉ vài tháng sau khi MindX đóng vòng series A, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến công ty.
Tháng 5/2022, Kaizenvest liên hệ. Mục tiêu của nhà đầu tư là tìm kiếm một công ty giáo dục công nghệ tại khu vực Đông Nam Á. Họ cũng xác định đây là thương vụ phải tiến hành trong năm 2022. Nhưng phía MindX đơn giản là đang không có nhu cầu gọi vốn. Tùng muốn tập trung vào vận hành công ty. Anh biết rằng, việc gặp quỹ đầu tư tốn nhiều thời gian của các founder và gây mất tập trung. Sau nhiều lần từ chối, phía Kaizenvest vẫn kiên quyết. Tùng cử trợ lý tên Hoàng (sinh năm 1996), mới vào công ty ít tháng, đi gặp gỡ nhà đầu tư. CEO MindX không đặt kỳ vọng gì nhiều.
Nhưng Hoàng đã làm rất tốt so với những gì Tùng tưởng tượng. Sau vài buổi làm việc với Hoàng, Kaizenvest bay cả đội sang Việt Nam gặp nhóm sáng lập. CEO MindX không quên dành những lời khen cho Hoàng. “Bạn ấy là thành viên chủ chốt trong vòng gọi vốn này. Có lẽ là người trẻ nhất Việt Nam đóng được vòng 15 triệu USD.”, Tùng nói.
Tùng tự nhận rằng MindX không phải một đội giỏi gọi vốn, mà là đội tập trung hết sức cho công việc. Kể cả trong các vòng trước, nhà đầu tư đều tìm đến công ty. MindX được nhà đầu tư mô tả là “hứa gì làm nấy”. Nhà đầu tư cũ giới thiệu nhà đầu tư mới. Hữu xạ tự nhiên hương. “Chúng tôi không hề phải đi bán công ty”, Tùng chia sẻ.
Năm 2015, việc học lập trình ở Việt Nam gần như chỉ dành cho những người xác định đi theo con đường công nghệ, Tùng nhớ lại. Sau đó, Techkids tung ra sản phẩm “coding for everyone”, với cách tiếp cận lập trình giống như một ngôn ngữ mới. Thành phần học viên tương đối đa dạng, từ người làm tài chính, marketing, cho đến những người sáng lập công ty muốn hiểu được cách thức làm việc với dân công nghệ để xây dựng sản phẩm. Đó là thị trường đầu tiên mà MindX mở ra, “biến lập trình thành kỹ năng phổ biến, thay vì chỉ dành cho các chuyên gia”.
Càng về sau, đối tượng khách hàng của MindX càng đi xuống lớp nhỏ hơn. Hiện nay, công ty đã có sản phẩm dành cho lứa tuổi từ 5 – 6. Trước năm 2019, thị trường dạy công nghệ cho thiếu niên – trẻ em chưa từng tồn tại. “MindX tạo ra thị trường mới và sẽ có tiềm năng lớn hơn trong tương lai”, đó luận điểm đầu tư của chị Lê Hoàng Uyên Vy, từng làm giám đốc ESP Capital, nhà đầu tư vòng hạt giống của công ty.
Hiện nay, MindX đã có 35.000 học viên luỹ kế, và hơn 10.000 người đang theo học. Tỷ trọng học viên là trẻ em – thiếu niên đã vượt nhóm người lớn. Nhưng vấn đề chính là nhóm học viên ở độ tuổi nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của ba mẹ, ngay cả việc đưa đón. “Nên phải làm sao để phụ huynh nghĩ rằng lập trình là thứ ngôn ngữ toàn cầu mới, giống như tiếng Anh 10 năm trước và trang bị cho các con càng sớm càng tốt?”, Tùng nói.
Để dễ hình dung, mô hình trường dạy công nghệ của MindX khá giống với các trung tâm tiếng Anh. Công ty vận hành hệ thống lớp học vật lý tại các thành phố lớn, bên cạnh một bộ phận khách hàng trực tuyến. Với mô hình chuỗi, nếu muốn tăng trưởng mạnh, MindX cần đầu tư nặng về Capex, bao gồm tiền thuê mặt bằng, thiết kế và xây dựng lớp học. Quản trị không khéo, Capex là rủi ro rất lớn. Trong quá khứ, đã từng có đơn vị mở trung tâm tiếng Anh gặp bài toán tương tự dẫn đến sụp đổ, đó là bài học giá trị đối với đội ngũ MindX.
Nguyễn Thanh Tùng nói mình là người ưa thích tăng trưởng, không ngại rủi ro. Nhưng đội ngũ sáng lập còn có Hà San và Huy thiên về sự ổn định. “Hà San luôn nói về cắt giảm chi phí, tối ưu hoá. Tôi thì nói về tăng thị phần”, CEO MindX mô tả về phong cách hai người. Nhưng với Tùng, điều quan trọng nằm ở sự cân bằng, nếu công ty chỉ có một trong hai yếu tố cũng sẽ không ổn. Mỗi người cần làm đúng việc của mình.
Quay trở lại bài toán Capex, một trong những lời giải là MindX tìm cách tối ưu không gian để bù đắp một phần chi phí thuê, vận hành. Năm 2017, MindX mở trung tâm lớn đầu tiên tại Hà Nội, diện tích hơn 1.000 m2. Không gian đủ cho 20 lớp học, phòng để học sinh ngủ lại, chỗ ăn uống và làm dự án. Cơ sở vật chất này đòi hỏi đầu tư ban đầu và chi phí vận hành tốn kém hơn.
Cũng do đặc thù đối tượng học viên là người đi làm và học sinh, không gian MindX không được tối ưu và trống trong giờ làm việc nhiều. Đội ngũ vận hành mới nghĩ ra ý tưởng cho thuê không gian làm việc chung (co-working space) với giá thuê bằng 1/3 giá trị trường. “Bản chất MindX sinh ra không phải để thu tiền co-working, bọn mình chỉ muốn chia sẻ để giảm chi phí”, Tùng nói về ý tưởng.
Sau này, MindX trở thành mô hình “hơi kỳ quái”, kết hợp giữa không gian lớp học và không gian làm việc cho người làm tự do và startup công nghệ. Mặt khác, đây cũng trở thành điểm thu hút của MindX với học viên lứa tuổi học sinh, các bạn nhỏ có cơ hội được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế ngay tại nơi mình học lập trình. Họ gọi đây là Little Silicon Valley.
Little Silicon Valley giúp mô hình tài chính của MindX trở nên bền vững hơn. Nhờ đó, startup giáo dục công nghệ có thể mở rộng nhanh mà không phải chịu rủi ro cao về chi phí vận hành các cơ sở mới, vốn chiếm tỷ trọng khá lớn với các mô hình trung tâm lớp học kiểu này.
Nếu không để ý kỹ, khó mà nhận ra Tùng và Hà San là hai vợ chồng. Cả hai đồng ý rằng, việc vợ chồng cùng là sáng lập và điều hành công ty là vấn đề nhạy cảm, cần quản trị một cách khéo léo. Trên thực tế, trong công việc, hai người vẫn giữ được phong thái chuyên nghiệp và không ngại tranh luận với nhau, thậm chí sẵn sàng gay gắt khi cần.
Tùng đã trải qua nhiều mối quan hệ từ khi còn trẻ, mọi thứ chẳng đi tới đâu cho đến khi anh bắt đầu với Hà San. Bản thân anh cũng tự nhận xét tính cách của mình có phần hơi “dị”. “Việc chọn co-founder cũng giống như chọn vợ, nhiều khi là cơ duyên”, CEO MindX nói. Cuộc sống của người founder gần như không có ranh giới rạch ròi giữa cá nhân và công việc. Bất kể khi nào có vấn đề xảy ra, founder là người đứng cuối cùng.
Khi nói chuyện, CEO MindX hay lấy dẫn chứng từ sách vở, lịch sử. Anh luôn dành phần tán dương cho các cộng sự của mình, đặc biệt là cho hai đồng sáng lập Hà San và Huy. Tùng nói rằng, những cộng sự của anh xử lý hết các đầu việc, anh giờ đây “gần như không phải làm gì”. Đương nhiên, đó chỉ là câu nói đùa. CEO MindX là người phân xử khi có bất đồng quan điểm xảy ra giữa các founder và là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Tùng hiểu rõ một điều, phong cách của hai cộng sự Hà San và Huy cực kỳ khác biệt, nhiều khi dẫn đến những bất đồng. “Tôi giống như một người tổng biên tập, khiến mọi thứ trở nên đồng nhất”, anh nói.
Ngay cả trong mối quan hệ của mình với bạn đồng hành cuộc đời Hà San, Tùng cũng cần tìm ra cách để xử lý một cách khéo léo. Anh ví hai người như Quách Tĩnh – Hoàng Dung trong tiểu thuyết Kim Dung. “Hà San thông minh, khôn khéo, thích ra quyết định, khá giống với Hoàng Dung”, Tùng nói. Cách của Quách Tĩnh là cho Hoàng Dung quyết định 95% công việc, bản thân chỉ quyết định 5%, nhưng đó là những thứ không thể nhượng bộ.