Mới đây, một bài báo trên Nikkei Asia đánh giá, một cuộc đua vũ trụ mới đang nóng lên ở Đông Nam Á, với việc cả Thái Lan và Việt Nam theo đuổi các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực vệ tinh liên lạc và du lịch vũ trụ.
Cụ thể, ở Việt Nam, Tập đoàn ThaiHoldings có kế hoạch xây dựng sân bay vũ trụ với mục đích phát triển du lịch vào năm 2026 đã được hội đồng quản trị phê duyệt, với kế hoạch đầu tư 30.000 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD).
“Dự án này sẽ được xây dựng trên đảo nghỉ dưỡng phía nam Phú Quốc, với mục tiêu ra mắt lần đầu tiên vào năm 2030. ThaiHoldings đang phát triển một khu nghỉ dưỡng quy mô lớn trên đảo, tìm cách biến nó thành một trung tâm du lịch, bao gồm cả du lịch vũ trụ” – Nikkei Asia viết.
Tờ này còn đánh giá, Thái Lan và Việt Nam đều đang chú ý đến các cơ hội để giành lấy các khách hàng có ý định bay vào không gian từ Mỹ và Trung Quốc , những quốc gia thống trị thị trường hàng không vũ trụ.
Dự án trên được Tập đoàn Thaigroup, công ty con của ThaiHoldings đề xuất đầu tư vào cuối năm 2021.
Cùng thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) đã hoàn tất thủ tục đăng ký thành lập CTCP Thaispace với vốn điều lệ lên đến 26.688 tỷ đồng, nhằm thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc nếu được các cơ quan quản lý cấp phép.
Một số ngành nghề hoạt động chính của Công ty cổ phần Thaispace được thông qua gồm: kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không; xây dựng và kinh doanh trạm vũ trụ không gian, vệ tinh tại Việt Nam và thế giới; kinh doanh dịch vụ viễn thông không dây ở Việt Nam và thế giới như internet vệ tinh, dịch vụ định vị, truyền hình vệ tinh, rada, mạng điện thoại di động và các thiết bị không dây…; kinh doanh hoạt động truyền dẫn kỹ thuật số tại Việt Nam và Thế giới; kinh doanh hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data); và kinh doanh vận tải lên vũ trụ tại Việt Nam và Thế giới.
Thời điểm đó, bầu Thụy trực tiếp góp 20.016 tỷ đồng, chiếm 75% vốn. Hai người con lớn của bầu Thụy là Nguyễn Ngọc Mỹ Anh và Nguyễn Xuân Thái mỗi người góp 2.668 tỷ đồng, tương ứng 10% vốn. Còn lại 5% vốn do CTCP Thaiholdings góp.
Tuy nhiên, khoảng nửa năm sau đó, vốn điều lệ của CTCP Thaispace bất ngờ thay đổi, giảm mạnh từ 26.688 tỷ đồng xuống còn 2.275 tỷ đồng. Bên cạnh động thái giảm vốn, Công ty cũng công bố chuyển loại hình doanh nghiệp từ công ty cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn, chính thức trở thành Công ty TNHH Thaispace.
Với vốn điều lệ mới, Thaispace chỉ còn 2 thành viên góp vốn là CTCP Thaiholdings (tỷ lệ 17%) và Bầu Thụy (tỷ lệ 83%). Hai cổ đông sáng lập khác là bà Nguyễn Ngọc Mỹ Anh (con của Bầu Thụy) và ông Nguyễn Xuân Thái không còn xuất hiện trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này.
Một tháng sau đó, tên công ty lại được đổi thành TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Bãi Thơm – Phú Quốc, ông Thụy không còn nằm trong cơ cấu cổ đông mà thay vào đó là bà Phạm Thu Hằng (tỷ lệ 40%), Nguyễn Chí Kiên (tỷ lệ 43%) và ThaiHoldings vẫn sở hữu 17%.
Đến tháng 10/2022, số cổ phần của ThaiHoldings được chuyển cho ông Trịnh Văn Thiệm, tổng giám đốc của TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Bãi Thơm – Phú Quốc.