CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG) vừa có thông báo về việc hoàn tất thanh toán tiền lúa cho bà con nông dân khu vực ĐBSCL sau sự cố dòng tiền.
Cụ thể, từ đầu vụ Đông Xuân 2023-2024, Lộc Trời cho biết đã triển khai ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và đầu tư vật tư và dịch vụ nông nghiệp (không tính lãi suất) trên diện tích canh tác hơn 50.000 ha tại khu vực ĐBSCL.
Cho tới giữa tháng 4/2024, Lộc Trời đã mua trên 300.000 tấn lúa với tổng giá trị gần 2.500 tỷ đồng, đưa vào chế biến tại các nhà máy của tập đoàn đóng tại các địa phương. Chỉ riêng tại An Giang, sản lượng thu mua trên 120.000 tấn lúa, trị giá đạt gần 1.000 tỷ đồng. Tổng số tiền đã trả cho bà con nông dân lên tới trên 2.000 tỷ.
“Do một số biến động khách quan từ các khách mua gạo và ngân hàng, dù rất cố gắng, chủ động thu xếp dòng tiền với các đối tác, thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp để ưu tiên khoản chi trả tiền lúa nhưng vẫn có khoảng lệch về thời gian thanh toán, ảnh hưởng đến bà con nông dân”, thông báo của Lộc Trời cho hay.
Do đó, ngày 20/5/2024, Lộc Trời đã phối hợp với ngân hàng Tiên Phong (TPBank) hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu, thực hiện đúng cam kết với bà con nông dân và chính quyền địa phương.
Là đơn vị lúa gạo lớn của An Giang, thời gian gần đây, thông tin Lộc Trời đang nợ hàng trăm tỷ đồng tiền lúa của nông dân gây chú ý. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, trong vụ Đông Xuân 2023-2024, Lộc Trời đã nợ tiền mua lúa của hơn 900 nông dân ở các huyện Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Tri Tôn, với số tiền hơn 245 tỷ đồng.
Đáng nói, năm 2023 ngành lúa gạo liên tục đón tin vui giúp Lộc Tròi tăng trưởng mạnh về doanh thu. Song, quản lý dòng tiền không tốt, dư nợ cao, ứng tiền cho nông dân sản xuất… khiến tình hình tài chính của Công ty kém sắc.
Cụ thể, năm qua trong khi xuất khẩu gạo đẩy doanh thu mảng này đạt mức kỷ lục 11.233 tỷ đồng, thì lợi nhuận gộp của Lộc Trời thu về vỏn vẹn 253 tỷ. Tương đương, biên lợi nhuận gộp lúa gạo của Tập đoàn chỉ 2%, thậm chí giảm so với con số 2,9% năm ngoái.
Biên lợi nhuận của ngành lúa gạo mỏng đã được đại diện Lộc Trời thừa nhận tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023. Để thu mua gạo và chế biến, xuất khẩu, Lộc Trời phải ứng trước tiền sản xuất, giống… cho nông dân với mức lãi suất bằng 0. Trong khi đó, Công ty phải vay vốn ngân hàng trong giai đoạn thị trường vốn khó khăn, lãi suất ngân hàng cao… “ăn mòn” lợi nhuận tạo ra.
Không riêng Lộc Trời, nhiều doanh nghiệp lớn trong mảng lúa gạo cũng khép lại năm 2023 không mấy sáng sủa. Dù doanh thu tăng nhờ xuất khẩu tốt, song lãi thu về cực mỏng, biên lãi gộp của hầu hết các bên đều giảm mạnh.
Theo đó, tại thông báo lần này, Lộc Trời cũng cho biết đang đẩy mạnh tái cấu trúc tài chính.
Nguồn tin: https://cafef.vn/xoay-duoc-tien-tu-tpbank-loc-troi-tuyen-bo-da-tra-het-no-lua-hon-245-ty-dong-cho-ba-con-nong-dan-188240521173651815.chn