Nhiều người vẫn cho rằng trí thông minh và những quyết định đúng đắn tỷ lệ thuận với nhau. Người càng thông minh càng có quyết định sáng suốt. Song thực tế những người thông minh luôn đưa ra những quyết định không mấy sáng suốt.
Ngay cả Warren Buffett, người đàn ông thường được gọi với danh xưng “Nhà tiên tri xứ Omaha’ từ lâu đã cho rằng IQ không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công. Người thông minh vẫn thường đưa ra những quyết định tài chính ít thông minh nhất.
Nghiên cứu của Keith Stanovich, giáo sư phát triển con người tại Đại học Toronto (Canada), ủng hộ điều này. Phát hiện của ông cho thấy các bài kiểm tra IQ rất tốt khi dùng để đo những khả năng tinh thần như logic, lý luận trừu tượng và khả năng ghi nhớ. Thế nhưng những bài kiểm tra này không đáng tin cậy để kết luận rằng người có IQ cao thì luôn đưa ra các quyết định sáng suốt trong các tình huống thực tế.
Morgan Housel, chuyên gia hành vi tài chính, tác giả của cuốn sách The Psychology of Money: Timeless Lessons on Wealth, Greed, and Happiness (tạm dịch: Tâm lý học về tiền bạc: Bài học vượt thời gian về sự giàu có, tham lam và hạnh phúc), cũng cho biết đã chứng kiến một số trường hợp trí thông minh cao ngăn cản mọi người đưa ra quyết định tốt.
Dưới đây là hai trong số những lý do ngăn cản người thông minh đưa ra các quyết định sáng suốt phổ biến nhất. Nhận thức được chúng sẽ giúp bạn đưa ra các quyết định tốt hơn trong tương lai bất kể điểm số IQ của bạn là bao nhiêu.
1. Trí thông minh làm tăng khả năng đánh lừa bản thân bằng những câu chuyện phức tạp
Những người có chỉ số IQ cao không phải lúc nào cũng là những người học nhanh. Bởi vì họ thường cố gắng nhồi nhét thế giới thực vào các lý thuyết mà họ đã được dạy. Trong khi những người bình thường thì giỏi chấp nhận thế giới thực theo giá trị bề ngoài hơn.
Khi được trời ban trí thông minh, chúng ta nhận luôn khả năng sử dụng nó để “pha chế” những câu chuyện phức tạp, và thường sai, về lý do tại sao mọi thứ xảy ra, đặc biệt là những câu chuyện giải thích tại sao mình “thông minh vốn sẵn tính trời” thế mà mắc lỗi.
Chúng ta có xu hướng đánh giá người khác chỉ dựa trên hành động của họ, nhưng khi tự đánh giá, chúng ta hay biện minh cho sai lầm và quyết định tồi tệ của mình.
Nếu bạn là người thua lỗ, tôi có thể chỉ ra ngay lập tức những gì đã sai (ví dụ: đầu tư sai thời điểm, bán đổ bán tháo trong lúc hoảng loạn, đầu tư thiếu đa dạng). Nhưng nếu tôi là người đó thì tôi “bào chữa” và giải thích kết quả là do yếu tố khách quan (thị trường, chính sách, giới đầu cơ).
Chúng ta nghĩ rằng bản thân mình ít khiếm khuyết hơn những người khác, bởi vì chúng ta chỉ thường tự biện minh cho chính mình và hiếm khi nghe những lời biện minh cho những lỗi lầm của người khác.
Bởi vậy, những người có IQ cao thường dùng năng lực đó để tạo nên những câu chuyện phức tạp về lý do tại sao mọi thứ xảy ra, đặc biệt là để biện minh cho việc vì sao một người thông minh như họ lại đưa ra quyết định không sáng suốt như thế.
2. Trí thông minh khiến chúng ta thiên về ý tưởng cho rằng các vấn đề phức tạp đòi hỏi các giải pháp phức tạp
Đôi khi những vấn đề phức tạp nhất có thể được giải quyết bằng các giải pháp vô cùng đơn giản bởi vì các giải pháp đơn giản thì tập trung trực tiếp vào vấn đề thay vì cố gắng phức tạp hóa mọi chuyện.
Trong bộ phim tài liệu của Ken Burns năm 2015 Cancer: The Emperor of All Maladies (tạm dịch: Hoàng đế của tất cả các loại bệnh), Robert Weinberg, một nhà nghiên cứu ung thư xuất sắc tại MIT (Mỹ), giải thích tại sao những người sở hữu trí thông minh cao như mình lại không quan tâm đến các giải pháp đơn giản, ngay cả khi chúng có hiệu quả.
“Thuyết phục ai đó từ bỏ việc hút thuốc lá là một bài tập tâm lý chứ không có gì cần phải làm với các phân tử, gen hay tế bào. Và những người như tôi về cơ bản không quan tâm đến điều này, mặc dù thực tế rằng việc ngăn cản người hút thuốc sẽ có tác dụng giảm tỷ lệ tử vong do ung thư cao hơn bất cứ điều gì tôi hy vọng có thể làm trong đời mình”, nhà nghiên cứu Robert cho biết.
Nó khiến Morgan Housel tự hỏi không biết có bao nhiêu thiên tài học thuật đã phát hiện ra điều gì đó đáng kinh ngạc nhưng viết nó phức tạp đến nỗi không ai có thể “hiểu” nổi. “Hẳn là rất nhiều”, ông viết trên CNBC.