Sau 20 năm ra mắt tại Việt Nam, “Lụa” vừa được Phanbook liên kết với NXB Hội Nhà văn tái bản. Đây cũng là lần đầu tiên sau 20 năm “sống cùng tác phẩm Lụa”, dịch giả Quế Sơn giao lưu với bạn đọc về tác phẩm độc đáo này. So với bản dịch lần đầu do NXB Trẻ ấn hành, bản do Phanbook ấn hành lần này có bổ sung nhiều điểm mới.
Tiểu thuyết “Lụa” của nhà văn Alessandro Baricco kể về những chuyến du hành diệu vợi của Hervé Joncour từ thị trấn Lavilledieu ở miền Nam nước Pháp đến một ngôi làng bí ẩn ở đất nước Nhật Bản, để tìm mua trứng tằm nhằm duy trì nghề chăn tằm dệt lụa. Ở đó, anh phải lòng người thiếp của vị lãnh chúa Nguyên Mộc để rồi cả cuộc đời chìm trong ám ảnh về “đôi mắt không có dáng phương Đông” đó. Tác phẩm có dung lượng chữ cực ít, nhưng ngay từ khi ra đời năm 1996 đã trở thành hiện tượng văn học của châu Âu, được chuyển thể thành phim và sau 17 năm đã được dịch sang 37 thứ tiếng (năm 2013).
Để giải mã tầng lớp nghệ thuật trong cuốn “Lụa” của Alessandro Baricco, cuộc trò chuyện với chủ đề “Lụa và một cuộc gặp gỡ Nhật Bản” đã được diễn ra vào sáng 10-4 tại TPHCM với sự tham gia của dịch giả Quế Sơn (người dịch tiểu thuyết “Lụa”), nhà văn – nhà nghiên cứu Nhật Chiêu và Tiến sĩ Đào Lê Na.
Từng xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2000 qua bản dịch của dịch giả Quế Sơn (dịch từ bản tiếng Pháp), sau đó tác phẩm có thêm một bản dịch khác được ấn hành vào năm 2007. Mới đây, “Lụa” tiếp tục tái ngộ bạn đọc qua bản dịch của Quế Sơn. Khác với ấn bản phát hành vào năm 2000, sau 20 năm, tác phẩm có nhiều chỉnh lý mới sau khi dịch giả đã bỏ nhiều thời gian rà soát lại bản dịch tiếng Việt với bản tiếng Ý “Seta” in năm 2013 của NXB Feltrinelli.
Làm nên sức hút cho một cuốn tiểu thuyết với dung lượng chưa đến 150 trang (bản tiếng Việt), trong khi bản gốc chỉ có 90 trang, dịch giả Quế Sơn phỏng đoán rằng, có thể “Lụa” ít nhiều ảnh hưởng từ vở nhạc kịch “Madame Buterfly” của của Giacomo Puccini. Ngoài sự gần gũi về bối cảnh, hai tác phẩm còn tái hiện về những cuộc gặp gỡ của người đàn ông Tây phương và người phụ nữ Nhật Bản.
Dịch giả nói thêm: “Baricco từng trả lời phỏng vấn cho biết rằng ông khi viết thỉnh thoảng vẫn đọc to lên một đoạn văn để xem hiệu ứng ngôn ngữ có ổn không nên khi dịch Lụa, có những đoạn tôi cũng đọc to lên và nhận ra nhạc tính của tiếng Việt còn nhiều hơn cả tiếng Ý hay tiếng Anh”.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận xét lối viết của Baricco trong “Lụa” là sự giao thoa những thế mạnh của nghệ thuật văn chương Ý và Nhật Bản, đặc biệt ở thể loại truyện ngắn. Ông nghiên cứu văn chương Nhật và quan tâm đến văn học đương đại Ý nên nhận ra sự ưu việt, độc đáo của cuốn Lụa nằm ở vẻ đẹp những khoảng trống giữa các chương sách, tạo nên các khoảng lặng đầy giá trị. Nhà nghiên cứu cũng nhắc đến khái niệm “dư bạch” (phần lụa trắng không vẽ gì – PV) trong tranh thủy mặc Trung Hoa, sự cô đọng của thơ Haiku Nhật Bản để khẳng định bút pháp của nhà văn Ý Alessandro Baricco qua Lụa đã đạt tới được cái đẹp tối giản, ý tại ngôn ngoại rất Nhật Bản.
Và vốn là nhà nghiên cứu âm nhạc nên tác phẩm Lụa của ông mang đậm nhạc tính. Dịch giả Quế Sơn cho biết, điều này được thể hiện ở cấu trúc của tiểu thuyết, được viết giống như một bản opera. Ngoài ra, đối thoại trong tác phẩm rất ngắn gọn, chữ dùng có sự chọn lọc. Đây cũng là một đặc điểm tương đồng với những soạn giả của opera.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng liên quan đến văn chương và văn hóa Nhật Bản như: “Ba ngàn thế giới thơm”, “Câu chuyện văn chương phương Đông”, “Nhật bản trong chiếc gương soi”,… Chính vì vậy, khi giải mã sức hút của “Lụa”, ông nhìn thấy ở đó dấu ấn phương Đông (cụ thể là Nhật Bản) một cách đậm nét.
Ở Việt Nam, “Lụa” có 2 bản dịch, bản của dịch giả Quế Sơn phổ biến và được yêu thích hơn. Ông cho biết từ khi công bố bản dịch lần đầu đến nay, không khí của “Lụa” cứ sống trong mình dù ông đã dịch qua nhiều cuốn sách khác. “Chỉ với một địa danh Teraya, tôi đã mất ngót 20 năm mới tìm ra âm Hán Việt của nó là Tự Cốc”, dịch giả cho biết. Sau 20 năm, ấn bản “Lụa” năm 2021 có nhiều chỉnh lý mới sau khi dịch giả Quế Sơn dành không ít thời gian rà soát lại bản dịch tiếng Việt với bản “Seta” in năm 2013 của NXB Feltrinelli.
Việc bỏ ròng rã 20 năm để chăm chút cho một bản dịch dày chưa đến 150 trang của một tác phẩm nổi tiếng cũng là cuộc du hành ý nghĩa đối với dịch giả. Ông cho biết minh tâm huyết với “Lụa” vì nó có những phẩm chất mà độc giả có thể cảm nhận theo cách riêng của mỗi người. Tác phẩm mở ra nhiều cảnh trí, khơi gợi nhiều chủ đề, tô điểm nhiều sắc thái mà vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn.
Về tác giả và dịch giả:
Alessandro Baricco là nhà văn, đạo diễn, nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng người Ý. Trong lĩnh vực văn chương, ông gây chú ý với tiểu thuyết đầu tay Castelli di rabbia (1991). Sau đó, ông viết đều và xuất bản những tiểu thuyết đầy dấu ấn: Noveccento. Un monologo (1994), Senza sangue (2002), Questa storia (2005) hay La Sposa giovane (2015),…
Tác phẩm đặc trưng nhất cho lối viết của Baricco là Lụa (tiếng Ý: Seta). Tác phẩm này đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và đã đưa tên tuổi ông đến với bạn đọc thế giới, trở thành sách bán chạy trên toàn cầu.
Năm 2017, Seta được đạo diễn Francois Girard dựng thành phim điện ảnh đáng chú ý. Alessandro Baricco đã nhận các giải thưởng danh giá: Prix Médicis étranger (Pháp), Selezione Campiello, Viareggio và Palazzo al Bosco (Italy),…
Dịch giả Quế Sơn từng thành công với các tác phẩm dịch: Lụa (Alessandro Baricco), Người đẹp ngủ mê (Y.Kawabata), Nắng tháng Tám (W.Faulkner), Nhật ký kẻ mị tình (S.Kierkegaard),…
Trạm Đọc tổng hợp