Lối chơi phản công mạo hiểm, thể lực không đảm bảo biến vũ khí bàn thắng muộn của Man Utd trở thành “gậy ông đập lưng ông”.
Không nhiều đội bóng trên thế giới hiểu được giá trị của những bàn thắng phút cuối như Man Utd. Cụm từ “Fergie time” thường được nhắc tới để chỉ cách đội bóng ghi bàn phút muộn dưới trướng cựu HLV Alex Ferguson, đỉnh cao là hai bàn phút bù ở chung kết Champions League 1999 trước Bayern.
“Nếu chơi cho Man Utd, cầu thủ sẽ phải chấp nhận mạo hiểm với nguy cơ thủng lưới ở phút bù”, Ferguson nói năm 2021. “Nhưng nếu chúng tôi là đội ghi được bàn trong thời gian này, không khí phòng thay đồ thực sự điên rồ”.
Tuy nhiên, vũ khí từng được coi là niềm tự hào của đội, trở thành “gậy ông đập lưng ông”. Cú sút phạt đền của Mohamed Salah ở phút 84 hôm 7/4 là bàn thua muộn thứ 12 của “Quỷ Đỏ” mùa này, trong đó có hai bàn sau phút 100. Đội đã thủng lưới tám bàn ở những phút bù hiệp hai, nhiều gấp đôi thành tích tệ nhất trước đây.
Man Utd đang gặp vấn đề khi để cho đối thủ dứt điểm quá nhiều, nhưng hàng thủ lỏng lẻo ở cuối trận mới là nguyên nhân chính khiến họ rơi điểm liên tục gần đây.
Không ai trách Erik ten Hag, bởi Man Utd thường cố gắng tập trung nhiều cầu thủ phòng ngự trong những phút cuối. Nhưng các bàn thua gần đây cho thấy đội đang cố gắng quá sức ở thời điểm cuối trận. Vì thế, tinh thần và thể lực của cầu thủ giảm sút, không đáp ứng được cách chơi ăn miếng, trả miếng trong thời gian này.
Dẫn Chelsea 3-2 tới phút 99 và 17 giây, Man Utd trở thành đội dẫn bàn muộn nhất nhưng vẫn thất bại trong lịch sử Ngoại hạng Anh. Bàn thua đầu tiên có thể lý giải bởi hậu vệ Diogo Dalot thua Cole Palmer trong pha tranh chấp tay đôi, rồi anh phạm lỗi khiến đội nhà phải nhận phạt đền.
Bàn thua thứ hai lại là dấu hiệu của việc Man Utd khao khát ghi bàn thắng, rồi nhận đòn hồi mã thương. Ngay từ pha giao bóng, sáu cầu thủ Man Utd ùa lên phía trước, trong đó có Dalot, nhưng hậu vệ Bồ Đào Nha để mất bóng. Tiền vệ 19 tuổi Kobbie Mainoo bị Enzo Fernandez vượt qua, còn trung vệ 20 tuổi Willy Kambwala đuổi theo Raheem Sterling nhưng không kịp truy cản. Trung vệ Harry Maguire bị đẩy vào thế một chọi ba, chỉ 12 giây sau khi đội nhà giao bóng.
Chelsea không ghi được bàn ở pha phản công, khi cú sút của tiền vệ Carney Chukwuemeka dội cột dọc. Nhưng ở quả đá phạt góc sau đó, không cầu thủ nào kèm Palmer trong cấm địa, để tiền vệ 22 tuổi ghi bàn ấn định thắng lợi cho chủ nhà. Ba cầu thủ Man Utd chỉ tay về phía Palmer nhưng không ập vào áp sát, trong khi Aaron Wan-Bissaka chống hai tay lên đầu gối, thở dốc.
“Chúng tôi mắc nhiều sai lầm cá nhân, phải trả giá bằng thất bại”, Ten Hag nói sau trận. “Các cầu thủ hiểu được nhiệm vụ của bản thân, nhưng không đưa ra quyết định đúng đắn”.
Các trận đấu được bù giờ dài hơn cũng là nguyên nhân khiến Man Utd thủng lưới nhiều hơn. Thời gian bù mùa này tăng thêm 38% so với mùa trước, trung bình 11 phút, 40 giây mỗi trận. Đôi chân và tâm trí mệt mỏi cũng sẽ dẫn tới những quyết định sai lầm.
Lối chơi phòng ngự phản công của Man Utd không giúp đội trong bối cảnh này. Số lần Man Utd bị đối thủ tấn công trực diện mỗi trận tăng lên đáng kể hai mùa gần đây. 10 trận vừa qua, thông số này tăng chóng mặt chưa từng thấy, đặc biệt ở các trận gặp Brentford, Liverpool và Fulham.
Man Utd để cho đối thủ giữ bóng và tấn công chủ động hơn, có thể là cơ hội để họ phản công. Tuy nhiên, đấy cũng là con dao hai lưỡi, khi hàng thủ thiếu ổn định sẽ chịu sức ép lớn hơn.
Về cuối trận, “Quỷ Đỏ” càng phải đối mặt với vấn đề này. Không đội nào bị đối thủ phản công nhanh nhiều hơn Man Utd (11 lần) ở những phút bù hiệp hai mùa này. Cũng chỉ Fulham bị đối thủ dứt điểm nhiều hơn Man Utd, sau phút 90. Hầu hết tình huống xuất phát từ nỗ lực phản công nhanh của Man Utd, để rồi tuyến giữa bị kéo dãn khi đối thủ phản công lại.
Chẳng hạn ở một tình huống trong trận gặp đội khách Brighton, tuyến giữa Man Utd đẩy lên gây áp lực tầm cao nhưng Christian Eriksen bị Billy Gilmour vượt qua. Tiền vệ Scotland có quá nhiều không gian và thời gian học khe cho Ansu Fati lao xuống đối mặt, nhưng cú sút của tiền đạo này không thành bàn.
Một tình huống khác khi gặp Fulham cũng trên sân Old Trafford, khi tiền vệ Adama Traore vượt qua Harry Maguire bên trái. Không cầu thủ nào ở tuyến giữa Man Utd giật về kịp so với các tiền vệ đội khách. Càng về cuối trận, các tiền vệ Man Utd càng dễ hụt hơi.
Khi thể lực giảm sút, cầu thủ dễ thất bại khi tranh chấp tay đôi, và cũng không còn sức bám đuổi đối thủ. Nguồn tin nội bộ đội bóng cho thấy có những cầu thủ đã kiến nghị ban huấn luyện, về cường độ tập luyện quá cao, khiến họ cảm thấy không sung sức khi vào trận.
Tuy nhiên, Ten Hag vẫn bảo lưu quan điểm, không giảm khối lượng các bài tập, vì ông cho rằng khi đó đội mới bắt kịp cường độ chơi bóng ở Ngoại hạng Anh.
Xuân Bình (theo Athletic)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vi-sao-man-utd-thuong-roi-diem-phut-cuoi-4733741.html