Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Đào Xuân Vũ cho biết: “Trong thời gian qua, nhiều quốc gia bày tỏ mong muốn mời Viettel khảo sát đầu tư. Điển hình có thể kể đến chính phủ các quốc gia trong khu vực châu Mỹ Latinh như Cộng hòa Dominica, Venezuela, Nicaragua. Hay tại khu vực Châu Phi, Viettel cũng nhận được lời mời đầu tư tại Uganda và Guinea Bissau. Đây đều là những tín hiệu cho thấy tầm nhìn chiến lược và triết lý kinh doanh của Viettel tại các thị trường là đúng đắn.”
So với thời điểm còn nhiều hoài nghi, trăn trở khi bắt đầu đầu tư ra nước ngoài 18 năm trước, Viettel Global đã làm được những gì để trở thành nhà đầu tư được nhiều quốc gia săn đón, trải thảm đỏ?
Trong câu chuyện của mình nhìn lại hành trình làm thay đổi đất nước Burundi khi Viettel đặt chân đến thị trường này, anh Nzimana, Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng của Lumitel cho biết, trước khi Lumitel chính thức kinh doanh, đã có 4 mạng di động cung cấp dịch vụ ở Burundi, thế nhưng, những mạng di động này chỉ phủ sóng ở thành phố và chất lượng rất tậm tịt. Tất cả đã thay đổi, Nzimana nói rằng, Lumitel như một phép màu giúp họ có thể thực hiện cuộc gọi ngay tại nhà của mình mà không phải trèo lên đỉnh núi để nghe điện thoại như trước đây.
Lumitel – thương hiệu của Viettel tại Burundi đã tạo ra một “kỳ tích” vươn lên vị trí số một nhanh nhất trong lịch sử chỉ sau 3 tháng kinh doanh (theo Vietnamnet). Đây là mạng di động còn liên lạc thông suốt trên khắp đất nước khi quốc gia này có đảo chính. Tại quốc gia nghèo nhất thế giới này, Viettel còn làm nên kỳ tích thứ hai bằng việc thúc đẩy ví điện tử Lumicash phổ cập đến với người dân Burundi, nơi dòng tiền giao dịch qua ví điện tử tương đương với GDP của cả nước
Tương tự như thế, Metfone của Viettel là nhà mạng lớn nhất tại Campuchia (theo GSMA tính đến năm 2023), đã phổ cập dịch vụ viễn thông tại Campuchia, góp phần đưa đất nước này trở thành một trong những quốc gia có vùng phủ sóng và tốc độ 4G tốt bậc nhất Đông Nam Á. Tại Haiti, sau 12 năm, Natcom đã đưa quốc gia này trở thành quốc gia có hạ tầng cáp quang lớn nhất khu vực Caribbean (theo Báo Đầu Tư). Halotel cũng là nhà mạng tiên phong tại Tanzania phủ sóng viễn thông toàn quốc, phủ sóng hơn 4000 ngôi làng trắng sóng tại nóc nhà của Châu Phi.
Trong khi nhiều người nghĩ rằng, các nước nghèo thì sẽ khó đuổi kịp các nước giàu nhưng Viettel đã giúp những nước đang phát triển, hoàn toàn có thể ngang bằng với thế giới về viễn thông. Nếu như tại nhiều thị trường, các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu thế giới và khu vực như Vodafone, Telefonica, Orange, Digicel… đã có mặt trước Viettel cả chục năm trời, nhưng hầu như không đầu tư nhiều cho hạ tầng băng rộng cáp quang, vùng phủ sóng chỉ tập trung ở các thành phố, thì Viettel, ngay khi mới có mặt, đã tạo ra vùng phủ dịch vụ sâu rộng khắp mọi vùng miền và luôn là doanh nghiệp đứng đầu thị trường về hạ tầng viễn thông cáp quang, băng thông rộng.
Năm 2023, Viettel nằm trong top 20 doanh nghiệp hàng đầu thế giới về đầu tư viễn thông, khẳng định vị thế của tập đoàn trên thị trường quốc tế. Hầu hết các thị trường Viettel Global đầu tư có mức tăng trưởng doanh thu cao trong đó 6 trên 9 thị trường đứng số 1 về thị phần (theo GSMA tính đến năm 2023).
Thành công của hoạt động đầu tư nước ngoài đã góp phần đưa Viettel trở thành thương hiệu có giá trị đạt xấp xỉ 9 tỷ đô la Mỹ, là thương hiệu Việt Nam và thương hiệu viễn thông của Đông Nam Á có mặt trên bảng xếp hạng Global 500 của Brand Finance. Viettel giữ vững ngôi vương tại Đông Nam Á, vị trí thứ 9 tại châu Á và 16 trên thế giới.
“Trước khi biết đến Việt Nam thông qua Viettel, thông tin của chúng tôi về quốc gia này không có mấy, chủ yếu là Việt Nam là một đất nước xuất khẩu gạo. Và không thể thiếu là ấn tượng về chiến tranh ở Việt Nam”, bà Safura Ủy viên Trung ương Đảng Frelimo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Movitel chia sẻ. Nhưng bây giờ, mọi suy nghĩ đã thay đổi và Chủ tịch Movitel rất tự hào với quyết định chọn Viettel làm đối tác.
“Lumitel đã mang đến sự kết nối, ví như như mang đến sự sống và hy vọng cho những người dân tị nạn. Chúng tôi biết ơn các bạn Việt Nam vì điều đó”, bà Brigitte Mukanga Eno-Trưởng đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Burundi bày tỏ.
Bà Brigitte Mukanga Eno-Trưởng đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Burundi
Hiện nay, thương hiệu Viettel không còn là thương hiệu của riêng doanh nghiệp mà còn gắn với hình ảnh một Việt Nam năng động, đổi mới, hiện đại, thân thiện, tại các quốc gia Viettel đầu tư.
Chiến lược đầu tư bền vững, cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của chính phủ và người dân của Tập đoàn Viettel được đặc biệt đánh giá cao tại các nước sở tại. Viettel đã không ngại khó khăn để vươn tới những nơi xa xôi khó tiếp cận, tới những vùng trũng, thậm chí là trắng về công nghệ thông tin để phục vụ người dân bản địa, giúp người dân tiếp cận tri thức và phát triển.
Cho đến ngày hôm nay, những người Viettel vẫn luôn tâm nguyện sứ mệnh đi để dựng xây Tổ quốc, đi để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp Việt, con người Việt đến với cộng đồng quốc tế, đi để trở thành cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Nguồn tin: https://genk.vn/giai-ma-ly-do-viettel-tro-thanh-nha-dau-tu-tiem-nang-trong-mat-cac-quoc-gia-2024040910130274.chn