Có rất nhiều quốc gia có ít hoặc không hề có tác phẩm văn học bằng tiếng Anh được bán trên thị trường. Cả cuộc đời hầu như tôi chỉ đọc sách từ nước Anh hoặc của Bắc Mỹ, tôi không biết làm thế nào để tìm kiếm các câu chuyện và chọn lựa chúng trong số vô vàn những câu chuyện khác.
Có 2 cách để đi du lịch. Một, Xách ba lô lên và ĐI. Hai, Đặt mông xuống và ĐỌC. Cái nào cũng có chất thú vị riêng của nó. Bạn sẽ không thể ngửi mùi mặn của biển, nghe thấy tiếng nói lạ tai, nếm những món ăn lạ miệng, chạm tay vào cuộc sống khác nếu bạn chỉ ngồi nhà đọc sách.
Nhưng bạn có thể hiểu rộng và sâu hơn nhiều về một quốc gia, một dân tộc, một cộng đồng, một con người bằng cách “vi hành” trên những trang sách. Hay như nhà văn Anh, tác giả của bài Ted Talk dưới đây, Ann Morgan nói:
“Tất cả những ai yêu đọc sách đều hiểu rằng sách có quyền năng siêu việt đưa bạn thoát khỏi bản thể và thâm nhập vào tâm trí của người khác, để ít nhất trong một khoảnh khắc, bạn ngắm nhìn thế giới qua đôi mắt khác. Đó có thể là một trải nghiệm không dễ chịu, nhất là khi bạn đọc cuốn sách của một nền văn hóa có thể có những giá trị hoàn toàn khác với bạn.”
Đặc biệt là khi chưa đủ giàu về tiền và thời gian để có thể phượt 196 nước trên giới, bạn có thể bắt đầu ước mơ của mình ngay bây giờ bằng cách “phượt” 196+ cuốn sách mà tác giả đã tìm kiếm, thu nhập trong suốt những năm qua.
Bạn có thể xem danh sách đầy đủ với 196 nước tại ĐÂY.
Ảnh: Cuốn Reading the World: Confessions of a Literary Explorer, xuất bản Anh năm 2015
Với Việt Nam, tác giả chọn/được gợi ý các cuốn sách như Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War) – Bảo Ninh; Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ (Open the Window, Eyes Closed) – Nguyễn Ngọc Thuần.
Bạn nào thích Miến Điện, thì có thể thử cuốn Smile As They Bow của nhà văn Nu Nu Yi, tác phẩm được đề cử giải thưởng văn học châu Á năm 2007, dù bị cấm xuất bản trong hơn 12 năm. Với Nhật Bản, bạn có thể thử cuốn Kafka bên bờ biển, 1Q84 của Haruki Murakami, Xứ tuyết của Ozaki Shiroo, Tôi là một con mèo của Natsume Sōseki, Chết giữa mùa hè của Yukio Mishima…
Với Hàn Quốc, bạn có thể đọc Hãy Chăm Sóc Mẹ của Shin Kyung Sook, Người khách của Hwang Sok-yong… Với Indonesia, bạn có thể đọc Chiến binh cầu vồng (The Rainbow Troops). Với Lào, bạn có thể đọc Mother’s Beloved: Stories from Laos, của Outhine Bounyavong, 1 tác giả nổi tiếng ở Lào. Và còn rất nhiều cuốn sách về các quốc gia khác trong List trên nữa. Hi vọng trong 100 nữa, Việt Nam có thể dịch và xuất bản tất cả các cuốn sách này.
Ann Morgan: Một năm đọc sách từ mọi quốc gia trên thế giới
Ann Morgan cho rằng cô là người đọc sách nhiều, cho tới khi cô phát hiện một “điểm mù văn hóa lớn” trong tủ sách của mình. Trong số sách lớn của các tác giả Anh và Mỹ, chỉ có một số ít tác phẩm của các nhà văn không sử dụng tiếng Anh. Vậy nên, cô đã đặt mục tiêu tham vọng cho bản thân: đọc một cuốn sách từ mọi đất nước trên thế giới trong vòng một năm. Hiện tại, cô đang thúc giục những người thích tiếng Anh đọc thêm các tác phẩm dịch để các nhà xuất bản sẽ cố gắng hơn trong việc đưa những viên đá quý của nền văn học nước ngoài đến cho độc giả trong nước.
Ann Morgan trong buổi diễn thuyết tại Ted
Người ta thường nói bạn có thể biết được nhiều thứ về một người bằng cách nhìn vào tủ sách của họ. Vậy tủ sách của tôi cho thấy tôi là người như thế nào? Vài năm trước, khi tôi tự hỏi mình câu này tôi đã phát hiện ra một điều đáng báo động. Tôi luôn tự cho mình là người có học thức và hiểu biết về toàn thế giới. Nhưng tủ sách của tôi lại thể hiện một điều khác. Hầu hết các cuốn sách tôi có đều là của tác giả người Anh hoặc Bắc Mỹ và gần như không có một cuốn sách dịch nào. Việc phát hiện ra lỗ hổng văn hóa lớn như vậy trong việc đọc sách của mình khiến tôi khá sốc.
Nghĩ lại thì, chuyện này khá là đáng tiếc. Tôi biết rằng có rất nhiều câu chuyện đáng ngạc nhiên ở ngoài kia của các tác giả không sử dụng tiếng Anh. Và tôi thấy buồn bởi vì thói quen đọc của mình mà tôi sẽ không bao giờ biết được chúng. Vậy nên, tôi quyết định bắt bản thân thực hiện một khóa đọc sách toàn cầu cấp tốc. 2012 được coi là năm quốc tế tại Vương quốc Anh, năm tổ chức Olympic London. Và tôi quyết định dùng nó như một khung thời gian để đọc một tiếu thuyết, tuyển tập truyện ngắn hoặc một hồi ký từ mọi quốc gia trên thế giới. Và tôi đã làm được điều đó. Điều này rất thú vị và tôi đã học được nhiều điều đáng nhớ và có những mối liên hệ tuyệt vời mà tôi muốn chia sẻ với các bạn ngày hôm nay.
Nhưng chuyện này khởi đầu với một vài vấn đề thực tế. Sau đó tôi chọn ra các quốc gia trên thế giới từ nhiều danh sách để phục vụ cho dự án của mình, tôi quyết định dùng danh sách các nước được Liên Hợp Quốc công nhận, bổ sung thêm Đài Loan, vậy là có tổng cộng 196 nước. Sau đó, tôi lập kế hoạch để đọc và viết blog về khoảng 4 cuốn sách mỗi tuần, 5 ngày một tuần.
Rồi tôi phải đối mặt với vấn đề rằng có thể mình sẽ không lấy được sách bằng tiếng Anh từ mọi quốc gia. Ở Anh, mỗi năm chỉ có khoảng 4,5% sách được xuất bản là sách dịch, và con số này cũng tương đương ở các nước nói tiếng Anh khác. Dù vậy, lượng sách dịch được xuất bản ở các nước khác cao hơn rất nhiều. 4,5% là con số nhỏ, nhưng nó không cho bạn biết rằng rất nhiều trong số những cuốn sách đó đến từ các quốc gia có mạng lưới xuất bản vững mạnh và rất nhiều chuyên gia trong ngành khuyến khích việc bán các tựa sách cho các nhà xuất bản tiếng Anh. Ví dụ, dù mỗi năm có hơn 100 cuốn sách được dịch từ tiếng Pháp và xuất bản ở Anh, phần lớn trong số đó đến từ các quốc gia như Pháp và Thụy Sĩ. Mặt khác, người ta sẽ ít để ý tới các nước châu Phi nói tiếng Pháp.
Kết cục là có rất nhiều quốc gia có ít hoặc không hề có tác phẩm văn học bằng tiếng Anh được bán trên thị trường. Những tác phẩm của họ sẽ không được độc giả của các nước nói tiếng Anh biết tới. Về việc đọc sách trên toàn thế giới, thách thức lớn nhất đối với tôi chính là không biết nên bắt đầu từ đâu. Cả cuộc đời hầu như tôi chỉ đọc sách từ nước Anh hoặc của Bắc Mỹ, tôi không biết làm thế nào để tìm kiếm các câu chuyện và chọn lựa chúng trong số vô vàn những câu chuyện khác. Tôi không biết làm sao chọn một cuốn sách hay từ Swaziland, cũng không biết có tiểu thuyết tuyệt từ Namibia. Chẳng có gì để giấu cả, lúc đó tôi là một kẻ bài ngoại văn chẳng hiểu biết gì. Vậy thì làm cách nào tôi có thể đọc sách trên toàn thế giới?
Tôi đã tìm kiếm sự giúp đỡ. Tháng 10 năm 2011, tôi đăng ký lập blog ayearofreadingtheworld.com, và đăng một yêu cầu trên đó. Tôi giải thích mình là ai, việc đọc sách của tôi hạn hẹp thế nào, và nhờ những ai quan tâm để lại một tin nhắn gợi ý tôi nên đọc tác phẩm nào từ những nơi khác trên thế giới. Khi đó, tôi không biết liệu có ai quan tâm hay không nhưng chỉ vài tiếng sau khi tôi đăng yêu cầu đó, mọi người bắt đầu liên lạc. Lúc đầu, chỉ là bạn bè và đồng nghiệp của tôi. Sau đó đến bạn của bạn. Và không lâu sau là cả những người lạ.
Bốn ngày sau khi tôi đăng yêu cầu đó, tôi nhận được một tin nhắn từ một người phụ nữ tên Rafidah đến từ Kuala Lumpur. Cô ấy nói rất thích ý tưởng dự án của tôi, và hỏi liệu cô ấy có thể đến hiệu sách ngoại văn ở địa phương và chọn một cuốn sách Malaysia rồi gửi cho tôi hay không? Tôi đã nhiệt tình đồng ý, và khoảng vài tuần sau, tôi nhận được một bưu kiện có không chỉ một, mà là hai cuốn sách một cuốn từ Malaysia và một cuốn từ Singapore do Rafidah chọn. Lúc đó, tôi thực sự rất ngạc nhiên rằng một người lạ mặt sống cách tôi hơn 6000 dặm lại nỗ lực như vậy để giúp một người mà có thể cô ấy sẽ không bao giờ gặp.
Lòng tốt như của Rafidah đã trở thành một hình mẫu của năm đó. Hết lần này đến lần khác, mọi người đã bỏ công giúp đỡ tôi. Một vài người nghiên cứu thay tôi, và những người khác đến hiệu sách để tìm sách cho tôi ngay cả trong kỳ nghỉ và chuyến đi công tác. Thành ra, nếu bạn muốn đọc sách trên toàn thế giới, nếu bạn muốn đón nhận điều đó với tâm trí cởi mở thì cả thế giới sẽ giúp bạn. Đối với các quốc gia có ít hoặc không có tác phẩm nào được dịch ra tiếng Anh trên thị trường, mọi người còn nỗ lực tìm kiếm hơn nữa.
Các cuốn sách thường đến từ các nguồn rất đáng ngạc nhiên. Ví dụ, cuốn sách của Panama mà tôi đọc, bắt nguồn từ cuộc trò chuyện của tôi với Kênh đào Panama trên Twitter. Vâng, Kênh đào Panama có tài khoản Twitter riêng đấy. Khi tôi đăng tweet về dự án của mình, tài khoản đó gợi ý rằng tôi nên thử tìm tác phẩm của nhà văn người Panama, Juan David Morgan. Tôi tìm thấy trang web của Morgan và gửi cho ông ta một tin nhắn hỏi rằng ông có tác phẩm nào viết bằng tiếng Tây Ban Nha đã được dịch sang tiếng Anh chưa. Ông ấy nói chưa có tác phẩm nào được xuất bản cả nhưng ông có một bản dịch chưa được xuất bản của cuốn “Con ngựa bằng vàng”. Ông gửi email cho tôi biến tôi thành một trong những người đầu tiên được đọc tác phẩm đó bằng tiếng Anh.
Morgan mời những người yêu sách theo chân hành trình văn học của cô ấy qua 196 quốc gia
Morgan không phải là nhà văn duy nhất chia sẻ tác phẩm của mình với tôi bằng cách này. Từ Thụy Điển đến Palau, các tác giả và dịch giả gửi đến cho tôi những tác phẩm họ tự xuất bản và cả những bản thảo chưa từng được phát hành mà các nhà xuất bản nói tiếng Anh chưa lựa chọn hoặc không còn được phát hành nữa cho tôi vinh dự được nhìn ngắm những thế giới tưởng tượng tuyệt diệu đó. Ví dụ, tôi đã đọc về vị vua vùng Nam Phi, Ngungunhane, người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Bồ Đào Nha và thế kỷ 19, và về nghi thức cưới xin ở một làng quê hẻo lánh bên bờ biển Caspi ở Turkmenistan. Tôi cũng đã gặp được câu trả lời của Kuwait cho tiểu thư Bridget Jones. Tôi cũng đã đọc về một cuộc trác táng trong một cái cây ở Angola.
Nhưng có lẽ ví dụ tuyệt vời nhất về việc mọi người có thể đi xa tới mức nào để giúp tôi đọc sách trên toàn thế giới, lúc gần cuối cuộc hành trình, khi tôi cố tìm một cuốn sách từ São Tomé and Príncipe, một quốc đảo nhỏ ở châu Phi nói tiếng Bồ Đào Nha. Sau khi dành nhiều tháng trời thử mọi cách tôi có thể nghĩ ra để tìm một cuốn sách từ đất nước này đã được dịch sang tiếng Anh, dường như phương án còn lại duy nhất mà tôi có là tìm một tác phẩm nào đó được dịch từ đầu đến cuối Lúc đó tôi rất hoài nghi liệu có ai sẽ giúp tôi không, có ai muốn bỏ thời gian của mình cho một dự án như thế không.
Nhưng, trong khoảng một tuần kể từ khi tôi kêu gọi những người nói tiếng Bồ Đào Nha trên Twitter và Facebook. Có nhiều người muốn tham gia hơn số lượng tôi cần cho dự án, bao gồm Margaret Jull Costa, một chuyên gia đầu ngành, người đã dịch tác phẩm đạt giải Nobel của José Saramago. Cùng với 9 tình nguyện viên, tôi đã tìm được một cuốn sách của tác giả người São Tomé mà tôi có thể mua đủ số bản sao ở trên mạng. Ở đây tôi có một bản. Và tôi gửi cho mỗi tình nguyện viên một bản. Họ nhận một vài truyện ngắn trong tuyển tập này giữ đúng lời hứa và gửi bản dịch lại cho tôi, và trong vòng 6 tuần, tôi đã có cả một cuốn sách để đọc.
Trong trường hợp này, cũng như trong những tình huống khác của dự án đọc sách này, sự thiếu hiểu biết và cởi mở về độ hạn chế của bản thân đã tạo ra cơ hội lớn cho tôi. Về São Tomé and Príncipe, đó không chỉ là cơ hội để học thêm nhiều thứ mới mẻ và khám phá những câu chuyện mới, mà đó còn là cơ hội đưa một nhóm người đến gần nhau và tạo điều kiện cho một nỗ lực sáng tạo chung. Điểm yếu của tôi lại trở thành thế mạnh cho dự án này.
Những cuốn sách mà tôi đọc trong năm đó mở mang đầu óc tôi về nhiều vấn đề.
Những người thích đọc sách sẽ hiểu được rằng sách có sức mạnh phi thường có thể đưa người đọc vào tư duy của một người khác, và dù chỉ trong một lúc thôi, bạn sẽ nhìn thế giới với một đôi mắt khác.
Nó có thể là một trải nghiệm không mấy dễ chịu, đặc biệt là khi bạn đọc một cuốn sách từ một nền văn hóa với những giá trị khác với văn hóa của bạn. Nhưng nó cũng sẽ khai sáng đầu óc bạn. Vật lộn với những ý tưởng khác lạ sẽ giúp làm rõ những suy nghĩ của chính mình. Và nó cũng cho thấy những điểm mù trong cách mà bạn vẫn luôn nhìn thế giới.
Khi tôi nhìn lại những tác phẩm văn học bằng tiếng Anh mà tôi đọc trong lúc lớn lên tôi bắt đầu nhận ra một tác phẩm hạn hẹp thế nào khi so với sự trù phú của thế giới. Mỗi khi bạn lật trang sách, điều gì đó cũng xảy ra. Dần dần từng chút một, danh sách dài các quốc gia khi tôi mới bắt đầu đã thay đổi, từ một bản lưu trữ mang tính học thuật khô khan về các địa danh trở thành những thực thể sống.
Tôi không muốn nói rằng bạn có thể nắm được bức tranh toàn vẹn về một đất nước chỉ với một cuốn sách nhưng cứ tích tụ dần lại, những câu chuyện mà tôi đọc trong năm đó khiến tôi thấy tràn đầy sức sống hơn bao giờ hết, khi cảm nhận sự dồi dào, phong phú và phức tạp của hành tinh chúng ta. Việc đó như thể là các câu chuyện của thế giới và những con người đã nỗ lực giúp tôi đọc được chúng khiến nó trở nên thật hơn với tôi.
Những ngày này, khi nhìn vào tủ sách giấy hoặc trên máy đọc sách của mình, chúng đã nói lên một câu chuyện khác. Chính câu chuyện của những cuốn sách đầy sức mạnh kết nối chúng ta dù có khác nhau về chính trị, địa lý, văn hóa, xã hội và tín ngưỡng. Nó chính là những mẩu chuyện về tiềm năng mà loài người cần phải hợp tác với nhau.
Và nó chính là bằng chứng cho thời đại kỳ diệu mà chúng ta đang sống, nhờ có Internet mà mọi thứ trở nên dễ dàng hơn cho một người lạ mặt muốn chia sẻ một câu chuyện, một thế giới quan, một cuốn sách với một người mà họ chưa từng gặp mặt ở phía bên kia địa cầu.
Tôi mong rằng đây sẽ là câu chuyện cho nhiều năm nữa và mong rằng thêm nhiều người sẽ tham gia cùng với tôi. Nếu chúng ta cùng đọc sách đa dạng hơn nữa, đó sẽ là một sự khích lệ cho các nhà xuất bản dịch thêm nhiều đầu sách và hiểu biết của chúng ta sẽ ngày một phong phú hơn.
Xin cảm ơn.
Bạn có thể xem bài diễn thuyết của Ann Morgan tại TED ở ĐÂY
Trạm đọc (Read Station) – Dịch bởi Linh Tran, biên tập bởi Khanh Do Bao