Những thương hiệu nội địa
Ngày 21/3, Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) và Be Group đã ký kết thoả thuận hợp tác đầu tư, nhằm đưa ô tô điện và xe máy điện vào hoạt động dịch vụ vận tải đầu tiên tại Việt Nam.
Theo thoả thuận hợp tác, Be Group sẽ nhận khoản đầu tư trực tiếp từ GSM để hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ, cũng như cung cấp dịch vụ vận chuyển công nghệ số một Việt Nam. Ngoài ra, thông qua các đối tác tài chính, GSM sẽ hỗ trợ tài xế của Be Group chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện.
Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao dư luận, bởi lẽ, đây là sự hợp tác đáng chú ý của hai thương hiệu xe công nghệ Việt Nam hiếm hoi trên thị trường, trước sự bành trướng của Grab và Gojek.
Nên biết, Công ty Cổ phần Be Group là công ty công nghệ Việt Nam, đơn vị sở hữu phát triển nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ “Be”. Từ khi ra mắt vào năm 2019, ứng dụng Be đã được tải xuống hơn 20 triệu lượt, hiện đang phục vụ hơn 10 triệu giao dịch hàng tháng trên nền tảng. Be hiện đã mở rộng hoạt động đến 28 tỉnh thành và là ứng dụng phát triển nhất của Việt Nam trong lĩnh vực vận tải công nghệ.
Trước Be, từng nhiều hãng vận tải nội địa xây dựng mô hình công nghệ để cạnh tranh với sự bành trướng của Grab, nhưng đều không thành công.
Rầm rộ nhất là VATO, ứng dụng vận tải công nghệ của Công ty CP vận tải Phương Trang (FUTA).
Được FUTA giới thiệu ra thị trường từ 9/2019, VATO được kỳ vọng sẽ là ứng dụng Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với Grab trên sân nhà, nhờ hệ sinh thái khách hàng và danh tiếng của FUTA. Tuy nhiên, sau 4 năm hoạt động, nền tảng này không đạt hiệu quả kỳ vọng.
Vinasun và Mai Linh, 2 “ông lớn” của ngành taxi truyền thống cũng từng tham gia cuộc chiến gọi xe công nghệ với chiến lược hút khách trên ứng dụng di động của chính công ty. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, người dùng chỉ nhớ hai hãng này với định vị taxi truyền thống.
Thành công của Grab và triển vọng của GSM
Miếng bánh thị phần xe công nghệ ở thị trường trăm triệu dân, thoạt nhìn rất béo bở bởi không còn nhiều sự cạnh tranh từ các hãng. Kỳ thực, nhiều chuyên gia cho rằng đây là miếng bánh khó nuốt.
Bởi, bất kỳ một thương hiệu nào muốn tham gia vào cuộc chơi này đều xác định phải “đốt tiền” để vượt qua Grab và Gojek, như cách Be vẫn làm suốt thời gian qua. Tuy nhiên, hơn 10 năm hiện diện ở thị trường trăm triệu dân của Grab là không đơn giản. Gã khổng lồ này gần như định hình lại cuộc chơi ở Việt Nam.
Nên biết, thương hiệu đến từ Malaysia là cái tên đầu tiên mang thuật ngữ “xe công nghệ” về Việt Nam, vào tháng 2/2014.
Bốn tháng sau sự xuất hiện của Grab Taxi khi ấy, Uber, ứng dụng gọi xe công nghệ được thành lập năm 2009 tại Hoa Kỳ mới tiến vào thị trường được xem là béo bở nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, sự tồn tại của Uber ở thị trường Việt cũng vô cùng ngắn ngủi khi 4 năm sau, vào ngày 26/3/2018, Grab và Uber đồng loạt thông báo, Grab đã hoàn thành thủ tục mua lại thị phần Đông Nam Á của đối thủ. Giá trị của thị phần này được đánh đổi bằng 27,5% cổ phần của Grab vào tay Uber. Đến ngày 8/4 cùng năm, Uber chính thức rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á.
Từ đó, Grab bắt đầu chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, trước khi vấp phải sự cạnh tranh đến từ Gojek. Dù thực tế, ứng dụng đến từ Indonesia còn rất xa mới đạt đến đẳng cấp của Grab hiện tại.
Thành công của Grab tại Việt Nam đến từ nhiều nguyên nhân.
Trong đó, nguyên nhân lớn nhất được chỉ ra, là thương hiệu này không có đối thủ xứng tầm. Khi hàng loạt thương hiệu nội địa, hoặc chỉ sao chép nguyên bản từ cách vận hành đến cả nền tảng công nghệ, thay vì tìm ra và vá lỗ hổng từ đối thủ, hoặc không đủ tiềm lực tài chính cũng như chiến lược phát triển căn cơ để đốt tiền.
Đồng thời, thương hiệu này cũng lớn quá nhanh, với nền tảng đa dịch vụ được tích hợp ngay trên ứng dụng điện thoại không chỉ đặt xe thông thường. Điều này cũng khiến các thương hiệu khác hụt hơi khi không có sự chuẩn bị từ trước.
Mặt khác, Grab đã từng loại Uber ra khỏi sân chơi Đông Nam Á chỉ bởi vì thương hiệu phương Tây không hiểu về đặc thù xe hai bánh, cái mà Grab nắm rõ như lòng bàn tay nhờ cái nôi Malaysia. Nhưng, “bóng” Uber vẫn phủ lên Grab khi CEO của Uber, Dara Khosrowshahi bước chân vào đội ngũ lãnh đạo của Grab trong thương vụ từng tiêu tốn rất nhiều giấy mực của báo chí quốc tế thời điểm 2018. Nhắc lại để thấy, Grab vốn đã mạnh, lại có sự hậu thuẫn của Uber, ứng dụng gọi xe công nghệ hàng đầu thế giới, sẽ không dễ để các thương hiệu khác có thể vươn lên.
Nhưng điều này cũng không đồng nghĩa với việc GSM sẽ chịu lép vế. Những kỳ vọng về sự phát triển của thương hiệu này là rất rõ ràng.
Bình luận về thương vụ “rót” vốn của GSM vào Be, ông Võ Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bình Minh (Bình Minh), chuyên doanh ô tô cũ nhận định, đây là cơ hội cho cả Be lẫn Vinfast.
“Thật sự, đây là chiến lược mà tôi nhiều lần nghĩ tới sẽ có cửa thoát cho Vinfast đúng vào thời điểm này, tôi cũng từng nói với người của Vinfast về dự án này: Bây giờ hoặc chẳng bao giờ. Cuối cùng, Vinfast đã “đánh tiếng” chọn nó”, ông Bình cho biết.
Theo ông Bình, với nền tảng đa dịch vụ hiện tại của Be, cộng với sản phẩm mới, Vin có cơ hội thành công cao hơn VATO đã chết yểu, dù FUTA có hệ sinh thái vận tải lớn.
“Thêm một thế trận phá vỡ kiểu “hút máu” của Grab thì tốt chứ sao? Nên ủng hộ. Với điều kiện, đừng đem con bỏ chợ, đừng chỉ là muốn xả hàng tồn và kiếm dòng tiền từ ngân hàng với mục đích cân đối nguồn thu và chữa cháy các vấn đề khác. Đừng bắt các tài xế mua xe rồi … thôi”, ông Bình đánh giá về cú bắt tay giữa hai thương hiệu Việt.