Cà MauNông dân huyện Trần Văn Thời vào cao điểm thu hoạch lúa, trong khi các tuyến sông, kênh cạn nước, khiến năng suất và giá nông sản giảm vì vận chuyển khó khăn.
Vụ đông xuân năm nay, nông dân toàn huyện xuống giống khoảng 29.000 ha lúa, hiện đã thu hoạch khoảng 50%. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn 9 xã, thị trấn của huyện có hơn 80 tuyến kênh, rạch bị khô cạn.
Gia đình ông Phạm Văn Hiên, 61 tuổi, ở ấp 2, xã Khánh Bình Tây Bắc vừa cắt hơn 2 ha lúa ST24 thu được 23 tấn, bán với giá 8.700 đồng mỗi kg. Mức giá này giảm hơn 2.000 đồng so với trước Tết và giảm gần 1.000 đồng so tuần trước. Vụ này gia đình ông chỉ lãi khoảng 40 triệu đồng, giảm khoảng 20 triệu đồng do vận chuyển khó khăn.
Nguyên nhân chính là kênh, rạch cạn nước ghe của thương lái không thể vào tận nơi thu mua, lúa được chuyển ra đường lớn bằng xe máy. Chi phí mỗi tấn lúa tăng thêm từ vài trăm nghìn đồng đến một triệu đồng nên chủ phải hạ giá thu mua.
Theo ông Hiên, ở mùa hạn mặn kỷ lục năm 2015-2016 và 2019-2020 cũng từng xảy ra tình trạng hệ thống thủy lợi ở nông thôn trong vùng khô cạn. Năm nay, hạn đến sớm nên các kênh cạn nước nhanh hơn. Việc khô hạn không chỉ khiến việc vận chuyển nông sản gặp khó khăn mà năng suất lúa cũng giảm, sâu bệnh hoành hành.
Hàng năm, khoảng tháng 10 Âm lịch nông dân vùng ngọt ở huyện Trần Văn Thời sẽ bắt đầu gieo sạ và thu hoạch lúa vào tháng 1 để né hạn. Tuy nhiên, năm nay, mưa kết thúc sớm nên giữa tháng Chạp, các tuyến kênh đã bắt đầu cạn nước. Lúc này, lúa được hơn 40 ngày tuổi, lượng nước trong ruộng không đủ đáp nên năng suất bị ảnh hưởng. Nước cạn sớm và bị phèn cũng làm cho hạt lúa không chắc, khi thu hoạch giảm 100-200 kg mỗi công (gần 1.300 m2).
Cách nhà ông Hiên không xa, bà Nguyễn Thị Rít, 63 tuổi, cũng vừa thu hoạch hơn một ha lúa, thu về gần 15 tấn. Bà cho biết ba hôm trước thương lái chào mua lúa ST24 với giá 9.100 đồng nhưng nay chỉ còn 8.700 đồng mỗi kg. Gia đình bà mất hơn 15 triệu đồng so với giá cũ.
Bà Rít cho biết không chỉ giá lúa giảm do không có đường vận chuyển, mà việc thu hoạch cũng gặp khó khi máy cắt không vào ruộng được. Theo kế hoạch, diện tích lúa của gia đình được cắt cách đây 6 ngày, nhưng do kênh cạn nước nên chủ phải cho phương tiện đi đường vòng. “Lúa chín lâu ngày khiến mỗi công sau thu hoạch mất vài trăm kg”, bà Rít nói.
Theo nông dân này, hệ thống thủy lợi cạn nước do mùa mưa kết thúc sớm, trong khi nhiều người tập trung bơm tát nước vào đồng ruộng, ao đìa để phục vụ sản xuất lúa và dự trữ để nuôi cá, trồng hoa màu. Điều này đã khiến nhiều tuyến đường giao thông trong vùng bị sụt lún. Hiện, toàn huyện Trần Văn Thời đã xảy ra hơn 330 điểm sạt lở, sụt lún đất với tổng chiều dài khoảng 9.000 m, ước thiệt hại gần 12 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, UBND huyện chỉ đạo các ngành và địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất, bảo vệ các công trình, hạ tầng giao thông. Huyện khuyến cáo người dân cắt tỉa cây xanh để hạ tải ở các tuyến thường xuyên sạt lở, hạn chế trữ nước khi chưa cần thiết; không nạo vét đất, cất nhà cặp mé sông, kênh rạch làm tăng nguy cơ sụt lún, sạt lở.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trạng thái El Nino năm nay sẽ lặp lại và khả năng kéo dài đến hết quý 1. Do ảnh hưởng bởi El Nino, trong các tháng mùa khô ít xảy ra mưa trái mùa, hạn hán được dự báo gay gắt hơn mọi năm.
An Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-trong-lua-lao-dao-vi-kenh-can-nuoc-4715001.html