Bệnh nhân nam L.V.H (SN 1980, Sóc Trăng) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc 14h ngày 19.2 với tình trạng vết thương vùng hõm ức còn dị vật là chiếc kéo kim loại dài 24 cm, vết thương thấu bụng 2cm. Tiền sử hai mắt bệnh nhân không còn thị lực khoảng 10 năm.
Kết quả X-Quang và chụp cắt lớp vi tính ghi nhận dị vật kim loại xuyên giữa cột sống ngực D1. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật và thám sát vết thương tủy sống.
Theo trình tự, các bác sĩ nội soi thực quản bằng ống nội soi thấy không có tổn thương dọc theo ống thực quản qua vị trí kéo đâm xuyên từ trước vào thân sống ngực 1. Ê-kíp chuyên khoa chấn thương chỉnh hình tiến hành bóc tách, thấy đầu kéo nằm sát động mạch cảnh bên trái đâm xuyên vào giữa thân đốt sống ngực 1, đến màng cứng, tổn thương màng cứng, rỉ ít dịch não tủy, xử lý tổn thương dưới kính hiển vi. Vi phẫu thuật kéo dài 2h30 phút.
Sau đó, ê-kíp khoa Ngoại Tổng hợp thực hiện phẫu thuật mở bụng kiểm tra các cơ quan không tổn thương, lau rửa ổ bụng, tình trạng bệnh nhân ổn định được chuyển hậu phẫu theo dõi và chăm sóc ngoại khoa.
Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, không sốt, không yếu liệt chi, đang được điều trị và chăm sóc tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình.
Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Thống Em – Giám đốc Trung Tâm Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ – nhận định, đây là ca phẫu thuật tương đối khó khăn do dị vật kích thước nhỏ, găm sâu, len lỏi vào vị trí nguy hiểm vùng cột sống cổ, khe khớp, gần các tổ chức thực quản, khí quản, động mạch cảnh. May mắn ở trường hợp bệnh nhân này, dị vật đã không xuyên qua các cơ quan quan trọng ở gần đó như mạch máu, khí quản, thực quản…
“Đối với bệnh nhân bị chấn thương, vết thương cột sống thì phương pháp sơ cứu đúng cách đặc biệt quan trọng nhằm hạn chế tối đa tổn thương hoặc để lại di chứng cho nạn nhân. Bệnh nhân được cố định vùng tổn thương, đảm bảo tư thế cột sống được thẳng theo đường sinh lý trong quá trình vận chuyển đến cơ sở y tế, tốt nhất là nằm trên mặt phẳng có cố định hai bên cột sống”, bác sĩ Thống Em thông tin.
Với những trường hợp như trên, bác sĩ đặc biệt lưu ý, không được tùy tiện rút vật xuyên thấu ra khỏi vết thương tại hiện trường tai nạn hoặc ngay cả trong phòng cấp cứu. Thay vào đó, cần được đánh giá bằng các công cụ chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X-Quang, chụp cắt lớp vi tính trước để lường được mức độ tổn thương và các nguy cơ tai biến có thể xảy ra khi rút vật xuyên thấu và chỉ thực hiện lấy dị vật tại phòng mổ.
Lúc này, vật đâm đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chảy máu; nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, băng ép vết thương xung quanh; cố định vật đâm tốt nhất có thể và chuyển đến cơ sở y tế tuyến chuyên khoa nhanh nhất để được xử trí kịp thời và đúng phương pháp.