Trong thời gian giãn cách xã hội, Hạnh Linh miệt mài sáng tác, hoàn thiện cuốn truyện tranh đặc biệt để dành tặng em trai 5 tuổi, giúp cậu bé vượt qua nỗi sợ bóng tối, trở nên tự tin và cởi mở hơn.
Từng vượt qua nỗi sợ bóng tối dai dẳng trong tâm trí suốt thời thơ ấu, Nguyễn Vĩnh Hạnh Linh (17 tuổi, hiện đang là học sinh trường Concordia International School Hanoi) hiểu rõ những cảm giác mà cậu em trai 5 tuổi đang chịu đựng.
Suốt vài tháng trời nghỉ dịch và giãn cách xã hội, Hạnh Linh không ngừng vẽ đi vẽ lại nhiều lần, sáng tác cũng như hoàn thiện cuốn truyện tranh về những sự vật, hiện tượng vốn bị cho là đáng sợ hay xấu xí trong cuộc sống mà người lớn thường “dọa” con trẻ. Nữ sinh mong muốn tác phẩm của mình có thể giúp em trai vượt qua chứng bệnh “sợ bóng tối” và trở nên hòa đồng, tự tin hơn.
Việc sáng tác truyện tranh không đơn giản, nhất là với những tác giả trẻ mà lại viết về chủ đề dành cho các em nhỏ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê và tài năng hội họa cũng như mong muốn cháy bỏng giúp em trai chữa bệnh, Hạnh Linh đã kiên trì thực hiện tác phẩm của mình.
Dưới bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của Hạnh Linh, những nhân vật vốn đáng sợ trong tâm trí các em nhỏ đã trở nên gần gũi, đáng yêu hơn. Thậm chí, nữ sinh 17 tuổi phải viết đi viết lại nhiều lần để hoàn thiện cuốn truyện tranh.
“Em đã từng sợ hãi và không biết chia sẻ cùng ai. Em không muốn các bạn nhỏ phải sợ hãi những điều vô cớ như thế nữa. Em nghĩ mọi người có thể dạy cho các em nhỏ những suy nghĩ tích cực, các góc nhìn khác về những sự vật hiện tượng được cho là xấu xí hay đáng sợ của cuộc sống thay vì dọa dẫm”, Hạnh Linh chia sẻ.
Độc giả đầu tiên của Linh chính là cậu em trai 5 tuổi. Tuy nhiên, cậu bé tỏ ra ngơ ngác khi nghe truyện chị kể dù trong truyện có nhiều tình tiết thú vị, bất ngờ. Nhận thấy điều chưa ổn, nữ sinh Hà Nội lại tiếp tục bắt tay vào sửa sang ngôn từ dễ hiểu, lược giản tình tiết và kết hợp cùng tranh vẽ để nội dung dễ hiểu và cuốn hút hơn. Cuối cùng, tác phẩm đã chinh phục được cậu em trai và những em nhỏ khác.
Cuốn truyện tranh được Hạnh Linh đặt tên là Be Monster – “Quái vật đáng yêu – Bóng tối kỳ ảo”. Truyện kể về cuộc hội ngộ giữa quái vật Momo đến từ vương quốc bóng đêm và cậu bé Tom. Cuộc hội ngộ đã cho hai bạn hiểu thêm về thế giới của nhau, từ đó giúp nhau vượt qua trở ngại của bản thân để trở thành những người bạn thân thiết.
Trong truyện, những quái vật đáng sợ nay đã trở nên gần gũi, dễ thương hơn. Hình ảnh bóng đêm cũng hiện lên thật lung linh, kỳ ảo, không còn là nơi của sự sợ hãi hay lạnh lẽo.
Cuốn truyện tranh “Be Monster” không chỉ giúp các em nhỏ vượt qua nỗi sợ mà còn giúp các phụ huynh dạy trẻ về màu sắc, các vật dụng trong nhà và kiến thức giữ an toàn cho bản thân.
“Bóng đêm sẽ trở nên gần gũi và đẹp hơn khi chúng ta cùng nhau thắp ánh sáng. Bóng đêm luôn đồng hành với ánh sáng, có nhiều điều thú vị để chúng ta khám phá. Em nghĩ rằng, dạy trẻ nghĩ khác cũng là một cách giúp các em sáng tạo, phát triển tư duy của mình và thêm tự tin, mạnh mẽ”, nữ sinh Hà Nội chia sẻ.
Trước khi sáng tác truyện tranh, Hạnh Linh từng gây ấn tượng khi nhiều lần đạt các giải thưởng về nghệ thuật như giải Nhì Cuộc Thi Vẽ Toàn Quốc Global Art (2018), Giải Bốn Cuộc Thi Vẽ Quốc Tế Global Art tại Myanmar (2018), giải Ba cuộc thi vẽ toàn quốc Global Art 2019, giải Bốn cuộc thi vẽ quốc tế Global Art tại Singapore.
Năm 15 tuổi, nữ sinh cùng các bạn đã đoạt giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp quốc tế dành cho học sinh (SAGE 2020) với dự án sản xuất và kinh doanh Phân bón Hữu cơ từ Lõi ngô Cobtain.
Dù còn rất trẻ tuổi nhưng Hạnh Linh luôn cố gắng chăm chỉ học tập, rèn luyện và hoàn thiện bản thân, trở thành người có ích. Nữ sinh cũng hy vọng được đóng góp tài năng và sức lực cho xã hội trong lĩnh vực môi trường và giúp đỡ các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Thảo Trinh | Dân Trí
Ảnh: NVCC