Đêm Giao thừa luôn là thời khắc mọi người nói lời tạm biệt với cái cũ và chào đón cái mới, khi chúng ta trút bỏ một năm vất vả, hưởng không khí ấm áp bên gia đình và cầu mong mọi may mắn đến với năm mới.
Và vào ngày 30 Tết năm nay, khi những người Trung Quốc lớn tuổi hơn vẫn còn đang bận rộn mua sắm hạt hướng dương hay cam đường tại siêu thị thì Gen Z (sinh từ 1996 đến 2012) – cụ thể hơn là những người sinh sau năm 2000 cũng đang mua sắm những sản phẩm rất rất mới.
“Hàng điện tử Tết” là định nghĩa mới của Gen Z Trung Quốc về các hàng hóa ảo/sản phẩm kỹ thuật số thông thường nhưng mang ý nghĩa khác – nó mang lại giá trị cảm xúc tùy theo tình huống trong Tết.
Tư cách thành viên của các nền tảng phát video, hình nền smartphone (điện thoại thông minh) theo chủ đề Tết, icon (biểu tượng cảm xúc) mừng năm mới, phong bao lì xì ảo trên WeChat, tin nhắn văn bản chúc mừng năm mới được AI (trí tuệ nhân tạo) tùy chỉnh đều là những thứ được Gen Z Trung Quốc ưa chuộng.
“Bộ ba món chơi Tết” của Gen Z Trung Quốc
Những ngày gần đây, cô gái Tiểu Vũ sinh năm 2000 đang bận rộn mua “những vật phẩm cần có để giao lưu trong dịp Tết” – gói icon chúc mừng năm mới.
“Do không biết cách viết lời chúc mừng năm mới nên tôi sẽ chỉ gửi một icon mà thôi”.
Cô cho biết thêm rằng hiện nay nhiều lời chúc Tết đã được thực hiện trực tuyến và việc sử dụng icon để bày tỏ cảm xúc cũng là một cách mới lạ.
Tiểu Vũ đã sưu tập tất cả các loại icon đẹp mắt, bao gồm cả những icon động và những icon có yếu tố năm Thìn và một số phải mua bằng tiền:
“Một bộ icon năng động và dễ thương chỉ với một vài Nhân dân tệ (vài chục nghìn đồng) là khá xứng đáng”.
Blogger @popopopo thì sử dụng ảnh của những chú mèo con của chính mình để tạo ra 18 icon năm mới, nhận được hơn 10.000 lượt thích từ dân mạng Trung Quốc chỉ trong vài ngày.
“Hiện không ai còn thích những tin nhắn chúc Tết dài dòng. Gửi một icon sẽ giúp bắt đầu hoặc kết thúc cho một cuộc nói chuyện dễ dàng và nhanh chóng. Mọi người đều thích chúng”.
Sinh viên đại học Tiểu Hàn, người được sinh vào những năm 2000 thì hơi khác, cô rất thích các phong bao lì xì màu đỏ. Cô đã lựa chọn cho mình 2 kiểu phong bao – 1 dễ thương và 1 trang trọng hơn một chút.
“Loại dễ thương dùng để gửi tiền lì xì (trực tuyến) cho bạn cùng lớp và bạn bè khác, còn loại trang trọng thì dùng với những người thân yêu trong gia đình.
Sở hữu một phong bao lì xì với thiết kế mang các thông điệp tốt lành và không khí lễ hội không mất nhiều tiền nhưng có thể giúp tôi truyền tải hương vị Tết trên mạng”.
Cô gái sinh năm 2002 Tiểu Phương thì đã chuẩn bị cho Tết một thứ đó là hình nền smartphone theo chủ đề Tết:
“Hình nền cũng giống như ốp lưng smartphone. Chúng có thể bày tỏ những suy nghĩ và mong muốn hiện tại.
Khi làm bài kiểm tra, tôi sẽ sử dụng loại có dòng chữ “Mọi bài kiểm tra đều phải vượt qua” và trong dịp năm mới, tôi cũng sẽ sử dụng các loại hình nền năm mới để tạo không khí và đem lại điều tốt lành”.
Ngoài 3 món nói trên, các bạn trẻ Trung Quốc cũng không kém quan tâm tới các video và tin nhắn chúc Tết được AI tùy chỉnh cá nhân hóa, một cách tận dụng công nghệ rõ ràng.
Tưởng không thích Tết, vì sao giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng “hàng điện tử Tết”?
Bên cạnh phong bao lì xì, Tiểu Hàn cũng chi tiền cho việc tư cách thành viên của các nền tảng video:
“Tôi muốn đón Tết thêm một lần nữa theo cách riêng của mình. Mấy ngày nữa, bố mẹ sẽ lái xe chở tôi về quê ở Sơn Đông và sẽ mất hơn 10 tiếng trên đường. Tôi có thể xem phim truyền hình để giết thời gian trên đoạn đường dài đó”,
Cô gái cũng nói rằng trong dịp tết, việc có thể cùng gia đình xem phim điện ảnh, phim truyền hình cũng là một cách đoàn tụ.
“Trên mạng thường có những thảo luận cho rằng giới trẻ ngày càng ít thích ăn Tết. Tôi nghĩ không đến mức như vậy – đúng hơn là giới trẻ đang đón Tết theo cách riêng của mình.
Chúng tôi mong năm mới đến một cách nhẹ nhàng và thoải mái chứ không quá rườm rà và để chúng ta có thể thực sự tận hưởng khoảng thời gian hạnh phúc khi gia đình đoàn tụ”.
Theo Tiểu Phương, các món “hàng điện tử Tết” không chỉ không có gánh nặng tài chính (không đắt tiền) mà còn có thể truyền tải những lời chúc phù hợp với tinh thần giới trẻ:
“Lời chúc mừng năm mới của giới trẻ không phải là việc thăm hỏi người thân, bạn bè của người lớn mà là những lời chúc phúc nhiều hơn.
Chúng tôi và nhiều bạn cùng lớp, bạn bè thực ra là “bạn online” không ở trong phong cách “bê tông truyền thống” đó.
Hãy sử dụng cách riêng để loại bỏ những thứ có vẻ to tát và tạo ra bầu không khí thoải mái và vui vẻ. Tư cách thành viên các nền tảng điện tử hoặc gói icon vui nhộn có thể truyền tải thái độ thoải mái hơn của chúng ta đối với cuộc sống và tất nhiên là đi cùng những lời chúc năm mới”.
Nguồn tin: https://genk.vn/tu-3-mon-cong-nghe-duoc-gioi-tre-trung-quoc-do-xo-gam-hang-phat-hien-suy-nghi-thuc-cua-gen-z-ve-an-tet-20240211134410419.chn