Mâm cỗ Tết miền Tây vừa bình dị lại vừa chu toàn về mặt tâm linh với nhiều món như: Thịt kho hột vịt, canh khổ qua, tôm kho tàu, lạp xưởng, củ kiệu, dưa giá.
Theo đặc điểm và dấu ấn văn hóa mỗi vùng miền mà cách ăn Tết, chơi Tết cũng khác nhau. Với người dân miền Tây Nam Bộ, mâm cỗ ngày Tết là sự giao thoa văn hóa 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer. Cách người dân miền Tây ăn Tết cũng rất riêng, mang không khí và sắc màu của miền sông nước xưa: Tết nhà, Tết vườn, Tết ghe, Tết Trâu, Tết giếng, cúng Ông Chuồng bà Chuồng…
Các món ăn trong cỗ Tết của người dân Nam Bộ vừa dân dã lại vừa chu toàn về mặt tâm linh, tình nghĩa. Đó là thịt kho hột vịt với miếng thịt vuông kết hợp trứng tròn biểu tượng cho âm dương hài hòa, năm mới đủ đầy sung túc. Canh khổ qua dồn thịt là món ăn thể hiện ước nguyện của người dân nơi đây rằng năm cũ đã qua, những cái khổ, cái cực qua đi và hy vọng năm mới đến với những điều tốt đẹp, may mắn sẽ tới.
1. Thịt kho hột vịt: Từng miếng thịt giữ nguyên miếng, màu hổ phách đẹp mắt. Khi ăn, dẽ từng thớ rịu (rệu) ra thấm vị mặn ngọt hài hòa, trứng bùi thơm, nước kho ngọt thanh, dậy mùi thơm của tỏi, hành rất cuốn vị. Đây là món ăn chủ đạo, ”thống soái” trong mâm cơm ngày Tết miền Tây.
2. Canh khổ qua: Một bát canh thanh mát, hơi đắng nhẹ rất dễ ăn vừa giúp giải ngán, vừa thanh nhiệt cơ thể phù hợp tiết trời nắng ấm của miền Nam vào dịp Tết Nguyên Đán.
3. Tôm kho tàu: Ngày trước, vào dịp cận Tết, người dân miền Tây mỗi khi dỡ chà có rất nhiều tôm càng và được đong bằng táu đong lúa, tính bằng giạ chứ không phải kg. Vì tôm tép nhiều nên người dân nơi đây chế biến nhiều món ngon, trong đó có tôm kho tàu vào dịp Tết như một nét nhấn nhá hương vị quê nhà.
Cách làm:
– Tôm tươi lột sạch vỏ, chừa lại chút ở đuôi cho đẹp. Cắt một chút ở phần đầu, nặn lấy gạch tôm ra để riêng. Dùng dao bén chẻ nhẹ trên sống lưng kéo rút bỏ chỉ đen, rửa sạch, để ráo nước.
– Phi thơm hành tỏi, trút gạch tôm vào chưng cùng chút mắm, đường, hạt tiêu, nước cốt chanh cho dậy mùi thơm và chuyển sang màu đỏ au đẹp mắt.
– Ướp tôm với chút mắm ngon, hạt tiêu xay, đường chừng 10 phút cho thấm vị. Phi thơm tỏi, trút tôm vào xào săn, nhớ lật trở các mặt chín đều.
– Chặt trái dừa xiêm ở vườn nhà cho nước vào nồi tôm rồi kho liu riu thấm gia vị.
– Khi nước kho gần cạn, rưới gạch tôm chưng, rắc hành lá, hạt tiêu vào là hoàn thành. Vị ngọt mềm, mùi thơm của tôm quyện với vị béo bùi của gạch tôm rất hấp dẫn.
4. Lạp xưởng, củ kiệu muối: Ngoài hai 3 món chủ đạo trên, tùy vào gia cảnh mỗi nhà mà thêm nhiều món ăn khác vào mâm cơm ngày Tết miền Tây như: Lạp xưởng chua ngọt, tôm khô củ kiệu, bánh tét, dưa giá…
Sở dĩ có điều này vì người miền Nam thuở khai hoang lập nghiệp luôn linh hoạt để thích nghi mọi hoàn cảnh. Thêm vào đó, ẩm thực miền Tây có nét giao thoa văn hóa của người Kinh, Chăm, Hoa, Khmer nên các món ăn ngày Tết không đóng khung trong khuôn mẫu nào mà luôn phóng khoáng, tôn trọng nét mới lạ, nhiều sắc màu. Món lạp xưởng cũng được ưu tiên chọn vì lẽ đó.
Ngày trước, người dân miền Tây thường tự làm lạp xưởng trước cả tháng bằng cách xay thịt heo trộn với mỡ, rượu mai quế lộ, đường rồi nhồi vào ruột heo khô hoặc bì collagen. Treo lạp xưởng phơi nắng 4 – 5 cho lên men tự nhiên. Sau đó, hút chân không bảo quản ngăn mát tủ lạnh dùng cho dịp Tết. Ngày nay, để rút gọn thời gian, nhiều gia đình lựa đặt mua sẵn ở các cơ sở uy tín dùng dần cho ngày Tết.
5. Dưa giá: Vào dịp Tết, người miền Tây thường làm nhiều món dưa như dưa giá, dưa củ kiệu, dưa cải… có vị chua để giúp giải ngán và thực phẩm dự trữ sẵn mỗi khi có khách đến thì tiện hơn.
Cách làm:
– Với nguyên liệu đơn giản, cách làm nhanh gọn, dưa giá luôn được ưu tiên bởi dễ ăn, chua dịu giúp cân bằng vị khi ăn với thịt kho hột vịt, tôm kho tàu, bánh tét.
– Giá đỗ nhặt rửa sạch, để ráo nước. Hẹ rửa sạch, cắt đoạn vừa ăn. Cà rốt gọt bỏ vỏ, bào sợi. Tỏi thái nhỏ, ớt thái chỉ. Trộn tất cả nguyên liệu đều với nhau.
– Pha hỗn hợp nước muối dưa cải gồm muối, giấm, đường cho vừa vị, khuấy đều cho tan.
– Cho hỗn hợp giá vào hũ thủy tinh sạch, trút hỗn hợp nước giấm đường vào ngập mặt, chèn lên trên rồi đậy nắp để 1 ngày là dùng được.
6. Bánh tét
Nếu như bánh chưng vuông không thể thiếu trong cỗ Tết miền Bắc thì bánh tét lại là nét truyền thống trong mâm cơm Tết của người dân Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng.
Nhân bánh tét nơi đây cũng đa dạng, phong phú như bánh tét nhân đậu xanh thịt mỡ, bánh tét nhân chuối, bánh tét nhân trứng muối, bánh tét nước tro, bánh tét chùm ngây, bánh tét lá cẩm tím…
7. Dưa hấu, mứt dừa
Điều đặc biệt mà nhiều người băn khoăn là thường thấy mâm cơm thường ngày hay cỗ Tết miền Tây hay dọn kèm đĩa hoa quả như dưa hấu. Đó cũng là nét rất riêng như đặc tính người dân nơi đây: Sau những ngày lao động vất vả của năm cũ, bữa cơm thêm trái cây sẽ thanh mát, dễ trôi và cân bằng vị hơn. Ngoài ra, dưa hấu đỏ là biểu trưng cho những ước nguyện về năm mới may mắn, phúc lộc đong đầy.
Ngày Tết Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng bên cạnh thịt kho hột vịt, canh khổ qua, không thể thiếu đĩa mứt dừa. Dừa là một phần hồn cốt, đặc trưng trong cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây.
Mứt dừa có sự biến tấu nhiều màu sắc khác nhau bên cạnh màu cơ bản là trắng như: Màu xanh từ lá dứa, trà xanh; màu đỏ củ dền, thanh long; màu cam từ cà rốt; màu vàng từ hạt dành dành; màu tím từ lá cẩm tím…
Bùi Thủy
Nguồn tin: https://vnexpress.net/co-tet-mien-tay-4710383.html