Sai lầm chiến thuật, sự thiếu quyết tâm của cầu thủ, phản ứng chậm chạp từ HLV Hajime Moriyasu và hậu trường bất ổn góp phần khiến Nhật Bản bị loại ở tứ kết Asian Cup 2023.
Hành trình chinh phục chiếc cup châu Á thứ năm của Nhật Bản khép lại dang dở ở tứ kết, sau khi họ thua ngược Iran 1-2. “Samurai xanh” nhận trái đắng khi đang đứng thứ 17 thế giới, số một châu Á và được ca ngợi là phiên bản hay nhất lịch sử nhờ 11 trận thắng liên tiếp trước giải. Nhưng trên đất Qatar, Nhật Bản thắng ba, thua hai, ghi 12 và thủng lưới tám bàn, đồng thời không cho thấy hình bóng ứng cử viên vô địch cả về chiến thuật chuyên môn lẫn tâm lý thi đấu.
Tờ Japan Times nhận định “kết cục này được dự báo trước với một tập thể không xứng đáng là ứng viên cử vô địch”. Nhiệt huyết mà các cầu thủ Nhật Bản dành cho giải đấu là không đủ nếu nhìn vào Iraq, Iran hay kỳ phùng địch thủ Hàn Quốc – đội hai lần liên tiếp thoát hiểm khó tin ở những phút bù vòng knock-out.
Trước giải, Takehiro Tomiyasu và một số ngôi sao đang thi đấu ở châu Âu không hài lòng về lịch đấu, vì Asian Cup buộc họ phải rời CLB đúng giai đoạn quan trọng khi những người này đã tìm được chỗ đứng. “Dù muốn hay không, một số thành viên khó toàn tâm toàn ý cho mục tiêu cùng đội tuyển”, Japan Times bình luận.
Khi gặp đối thủ cách biệt trình độ lớn như Việt Nam, Indonesia hay Bahrain, Nhật Bản có lúc khó khăn nhưng nhìn chung vẫn kiểm soát được cục diện, để thắng dễ dàng. Nhưng trước Iraq và Iran, Nhật Bản bị lấn át bởi khao khát chiến thắng của đối thủ. Sau thất bại ở tứ kết, Tomiyasu tự nhận bản thân còn thiếu nhiều thứ. “Tôi không cảm nhận được cảm hứng chơi bóng của đội, đặc biệt trong hiệp hai và từ chính tôi”, trung vệ của Arsenal cho biết. Trong khi đó, Ritsu Doan miêu tả màn trình diễn của anh và các đồng đội trong hiệp hai là “thảm hại”.
Không chỉ thiếu nhiệt huyết, như trang Soccermagazine (SM) đánh giá, Nhật Bản đã thua Iran cả về chiến thuật và quản lý nhân sự trong hiệp hai. Đầu tiên, các tuyến của đội mất kết nối, và không thể thoát pressing ở phần sân nhà, khiến hàng thủ chịu áp lực quá lớn. Nhật Bản không thể áp đảo về kiểm soát bóng, còn những đường phản công dễ dàng bị chặn đứng ngay cả khi họ đưa chuyên gia rê dắt như Kaoru Mitoma hay tiền đạo giàu kỹ thuật Takumi Minamino vào sân.
Trong tình thế bất lợi, HLV Hajime Moriyasu quá chậm trong việc đưa ra những thay đổi nhân sự dù còn ba quyền thay người. SM cho rằng nhà cầm quân 55 tuổi cần thay mắt xích yếu nhất ở hàng thủ là trung vệ Ko Itakura – người mắc lỗi trong hai bàn thua, đồng thời tăng thêm một trung vệ và một tiền vệ để cải thiện khả năng tranh chấp, thu hồi bóng và củng cố trung lộ. Bên cạnh đó, Nhật Bản vẫn bị tổn thương bởi bóng dài và bổng, khiến họ phải trả giá bằng tình huống dẫn đến phạt đền ở phút bù hiệp hai.
Kênh truyền hình Trung Quốc CCTV thì đánh giá: “Cầu thủ Nhật Bản thi đấu ở châu Âu tăng lên cả số lượng và chất lượng, nhưng chủ yếu mạnh về kỹ thuật mà thiếu những cầu thủ giàu thể lực”. Từ đó, tuyến giữa Nhật Bản với Wataru Endo và Hidemasa Morita lép vế trước lối chơi giàu thể lực của Iran hay Iraq. CCTV cảnh báo khía cạnh thể chất có thể trở thành điểm yếu của Nhật Bản, trong bối cảnh các đối thủ ở châu Á ngày càng nhiều cầu thủ thích nghi tốt với bóng đá châu Âu.
Nhật Bản không cho thấy sự sung mãn hơn Iran – đối thủ vừa trải qua 120 phút khổ chiến, rồi thắng Syria ở loạt luân lưu vòng 1/8. Kaoru Mitoma đánh giá: “Nếu không thể đánh bại đối thủ đã phải đá luân lưu ở vòng trước, chúng tôi phải thừa nhận mình kém hơn họ”.
Cuối cùng, những vấn đề hậu trường ngoài dự tính đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông và khiến Nhật Bản đánh mất sự tập trung. Nikkan Sports bình luận: “Những yếu tố bên lề đã che lấp chuyên môn. Khi nhìn lại một giải đấu, “phân biệt đối xử” và “cáo buộc tấn công tình dục” hiện lên trong đầu mọi người trước cả những diễn biến trong sân”. Theo đó, cáo buộc tấn công tình dục từ hai phụ nữ trong nước khiến Junya Ito phải rời đội tuyển ngay trước trận tứ kết, còn thủ môn Zion Suzuki trở thành tâm điểm chỉ trích rồi phân biệt chủng tộc sau hàng loạt sai lầm dẫn đến bàn thua.
Chọn thủ môn mang ba dòng máu là Nhật Bản, Mỹ và Ghana này bắt chính được xem là bước đi táo bạo nhưng thất bại của HLV Hajime Moriyasu tại Asian Cup 2023. HLV trưởng Nhật Bản không giữ lại thủ môn nào từ World Cup 2022, đặt niềm tin vào thủ môn 21 tuổi. Nhưng qua cả năm trận đã đấu, Suzuki đều thủng lưới, với bốn lỗi dẫn đến bàn thua. Không đội tuyển nào có thể vô địch với một hàng thủ mong manh như thế.
Dừng bước ở tứ kết là thất bại với bóng đá Nhật Bản. Japan Times khẳng định Moriyasu và các học trò đã bỏ lỡ cơ hội thực tế duy nhất để giành một danh hiệu lớn. Hào quang từ 11 trận thắng liên tiếp trước Asian Cup 2023 đã thể hiện mặt trái, khiến thế hện đội tuyển Nhật Bản hiện tại bị lóa mắt, để rồi lỡ hẹn với vinh quang.
Hiếu Lương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vi-sao-nhat-ban-that-bai-o-asian-cup-2023-4709125.html