Doanh nhân Phạm Trần Nhật Minh sinh năm 1983. Anh là con trai của doanh nhân Phạm Văn Mười – Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Nhựa Long Thành. Hiện anh đang giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc.
Long Thành nổi tiếng ở Việt Nam nhờ sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chính là nhựa công nghiệp, nhựa gia dụng, nhựa kỹ thuật cao đều nằm trong nhóm top đầu ngành nhựa. Và cái tên Minh Nhựa từ đó mà ra.
Phạm Trần Nhật Minh từng kể, ngoài chuyện gia đình kinh doanh nhựa thì 1 phần do cá tính “nhây nhây”, nhầy nhụa như nhựa đường của anh nên mọi người quen gọi anh như vậy.
Là con trai duy nhất và là người thừa kế Công ty Nhựa Long Thành, ngay từ nhỏ thì thiếu gia Minh Nhựa đã được nuôi dạy theo cách đặc biệt hơn so với bạn bè đồng trang lứa.
“Tôi không có quyền được chọn. Từ cái ăn, cái ngủ, cái mặc, cái học vấn… đều là bố mẹ tôi chọn. Tôi chỉ có quyền làm. Có rất nhiều người cảm thấy đó là áp lực. Nhưng đối với tôi, một khi ba mẹ đã chọn thì tôi sẽ “ừ” và làm điều đó happy hết mức có thể. Có thể khoảnh khắc đầu tôi sẽ không vui. Cảm xúc con người mà.
Bố mẹ tôi vĩ đại đến mức có thể ví như một điều gì đó nằm ngoài không gian, vượt xa sự tưởng tượng của tôi. Tôi tâm niệm bố mẹ hy sinh rất lớn, sao mình lại chọn sống theo cảm xúc cá nhân để sai với bố mẹ”, Doanh nhân Phạm Trần Nhật Minh kể lại trên báo Tổ Quốc.
Trái với suy nghĩ của nhiều người khi cho rằng Minh Nhựa là thiếu gia “ngậm thìa vàng” hay “sinh ra từ vạch đích”, vị đại gia cũng đã trải qua tuổi thơ nhiều khốn khó.
Anh kể trước đây gia đình rất nghèo, nhà phải lợp trên kênh quận 6 để sống, nếu chẳng may nhà hỏng thì rơi xuống nước. Đặc biệt, phần cửa trước còn có những lỗ hở, mỗi khi Minh Nhựa nghe thấy tiếng bước chân ba về thì sẽ chạy ra nhòm qua để thấy được ba. Nhiều lần anh để ý vẻ mặt ba rất mệt mỏi, nhưng chỉ cần bước vào nhà là ba lại vui vẻ. Từ đó, anh học được rằng, nên nén những cảm xúc riêng tư để tạo niềm vui cho mọi người.
Sau này, khi công việc làm ăn của bố đại gia Minh Nhựa thuận lợi đã giúp gia đình anh có cuộc sống hoàn toàn khác. Đến hiện tại, Minh Nhựa vẫn ở quận 6, nhưng thay vì căn nhà dột lợp trên kênh thì nay, anh đang sống trong một căn biệt thự 3 tầng lộng lẫy.
Mặc dù Minh Nhựa không phải là người trong lĩnh vực giải trí nhưng anh nhận được sự quan tâm rất lớn của công chúng, từ công việc cho đến đời sống cá nhân. Chính vì anh nổi danh là một trong những người dẫn đầu phong trào chơi siêu xe tại Việt Nam, sở hữu bộ sưu tập siêu xe hàng triệu đô mà nhiều người mơ ước.
Cũng chính bởi vậy, mọi người thường dán nhãn Minh Nhựa chỉ là thiếu gia sống xa hoa, chơi xe vang danh khắp chốn bằng tiền bố mẹ. Đáp trả lại, người thừa kế độc nhất của Long Thành vui vẻ thừa nhận những “chiếc xe cưng” của anh đều được ba cho.
“Ba tôi là một người yêu thương tôi có thể nói là bất chấp mọi thứ. Ba biết tôi thích cái gì là có thể làm tất cả. Có rất nhiều người trẻ tuổi mua được xe sang, tôi không biết khoản chi đó từ đâu ra. Nhưng đối với tôi, tôi luôn khẳng định đó là ba tôi cho. Tôi không thể nào đi kiếm tiền để mua những chiếc xe 100 tỷ, 50 tỷ, 30 tỷ, 20 tỷ… tôi không thể làm điều đó. Không thể!
Tôi có học giỏi đến thế nào hay làm ra nhiều tiền đến mấy cũng sẽ không thể sống như hiện tại. Tiền mình làm ra mình xài nó sẽ kỹ hơn là tiền đi xin. Nhưng tôi không bao giờ đi xin ba chiếc xe nào cả, ba rất thương và luôn luôn đi tìm chiếc xe tôi thích để tặng. Rất hiểu ý.”, Minh Nhựa chia sẻ.
Thế nhưng, anh khẳng định cuộc đời này không có gì là miễn phí, mọi món quà đều có giá của nó, kể cả là người thân. Chỉ khi nào bạn làm việc xứng đáng thì bạn mới được “trả công”.
“Mọi người thử về nhà đòi hỏi ba mẹ mình mua cho chiếc siêu xe 80 tỷ xem ông bà mua không? Hoặc với thu nhập thấp hơn, bạn thử xin mua một chiếc xe Honda SH hay là Wave – gia đình có làm không? Ba mẹ làm có happy không hay họ làm trong tâm lý bị ép?
Đối với tôi, xe ba tôi cho là một món quà. Đã là quà thì nó phải bắt nguồn từ sự tự nguyện, khác với vòi vĩnh.
Từ bé tôi đã phải sống và làm việc như những gì ba tôi mong muốn – điều đó có được đo bằng tiền không? 12 tuổi tôi đã phải follow theo ba tôi đi làm, 15 tuổi tôi đã phải học cách cầm nĩa, cầm muỗng, cầm name card như thế nào cho đúng là doanh nhân, những lúc đó mọi người biết tôi không? Vậy giá trị tôi đâu? Doanh số công ty tôi tăng trưởng, nhân viên phục tôi hơn, vậy những giá trị đó đâu?
Giá trị đó quy đổi thành tiền bằng những chiếc xe của tôi hợp lý không? 16 năm vào công ty làm với ba tới bây giờ, tôi chưa chia một đồng bạc nào của công ty cả.”, Minh Nhựa cho hay.
Song, Minh Nhựa cũng khuyên người trẻ đừng nên quá áp lực về tiền bạc, vì chuyện gì đến sẽ đến. Cũng không nên nhìn thấy người nọ, người kia đang làm chỗ này, chỗ nọ lương cao mà suy tính đến chuyện phải nhảy việc.
“Tư duy vậy sẽ khiến bạn bị áp lực, và suốt ngày cứ cố làm 17-18 tiếng để đạt đến mức lương cao, để hoàn thành công việc…
Đừng nên áp lực, cái gì đến sẽ đến, mọi người cứ thoải mái tự nhiên thôi. Khi năng lượng trong người bạn tràn đầy, bạn làm việc đúng ‘chất’ của mình chứ không vì tiền, những người chủ sẽ nhận ra. Rồi một ngày bạn lên chức, lương sẽ tự nhiên tăng từ 5 triệu lên 20 triệu”, đại gia Minh Nhựa khuyên.
Nguồn tin: https://cafef.vn/minh-nhua-12-tuoi-theo-bo-di-lam-15-tuoi-hoc-cam-name-card-cho-dung-chat-doanh-nhan-muon-duoc-ba-mua-cho-sieu-xe-ban-phai-chung-minh-duoc-nang-luc-neu-khong-tao-ra-gia-tri-thi-xe-wave-cung-chang-co-188240205141339852.chn