Nội dung chính:
- Hai cổ đông của công ty con đã vay của Kido gần 400 tỷ đồng trong năm 2022, trong số đó công ty đã thu hồi hơn 111 tỷ đồng, số tiền nợ còn phải thu hồi là 288 tỷ đồng.
- Kido cũng ủy thác đầu tư 97 tỷ đồng cho một trong hai cá nhân nói trên và đến cuối năm 2022 vẫn chưa thu hồi.
- Doanh thu năm 2022 tăng 20% nhưng lợi nhuận công ty giảm tới 42% do chi phí tăng mạnh.
Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã chứng khoán KDC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022.
Báo cáo cho thấy công ty đã cho hai cá nhân là cổ đông của công ty con (Bà Lê Thị Mỹ Vinh và ông Trần Hoàng Nam) vay tổng cộng 399,2 tỷ đồng trong năm 2022. Trong năm, bà Vinh và ông Nam đã trả trước 111 tỷ đồng, do đó số tiền nợ phải thu với hai cá nhân là 288 tỷ đồng.
Báo cáo không cho biết bà Vinh và ông Nam là cổ đông công ty con nào của Kido, cũng như lãi suất cho vay. Tuy nhiên, số tiền lãi phải thu với bà Vinh và ông Nam tính đến cuối năm 2022 lần lượt là 2,4 tỷ đồng và 14,4 tỷ đồng.
Ngoài các khoản vay nói trên, Kido cũng có khoản ủy thác đầu tư 97 tỷ đồng cho ông Nam – tính đến cuối năm 2022.
Những thông tin giao dịch với các cá nhân liên quan này không được Kido nhắc đến trong báo cáo tài chính công ty tự lập.
Năm 2022, thù lao của Kido dành cho Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty cũng tăng vọt lên mức 12,2 tỷ đồng, gấp mười lần mức thù lao năm 2021. Số lượng thành viên HĐQT công ty vẫn giữ nguyên 9 người.
Thù lao cho Ban giám đốc gần như giữ nguyên mức hơn 15 tỷ đồng như năm 2022.
Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty là người nhận thù lao nhiều nhất, tổng cộng 6,3 tỷ đồng cho cả hai chức danh. Trong Ban Giám đốc, ông Mã Thanh Danh (Phó Tổng Giám đốc) là người duy nhất không có thù lao.
Kết quả kinh doanh khả quan, dự chi cổ tức khủng
Kido là một trong ít doanh nghiệp lớn có kết quả kinh doanh không chịu quá nhiều ảnh hưởng từ khó khăn chung của thị trường.
Năm 2022 công ty vẫn đạt 12.787 tỷ đồng doanh thu, tăng 20% so với năm 2021. Lợi nhuận công ty giảm 43%, còn 375 tỷ đồng sau thuế. Lợi nhuận Kido suy giảm chủ yếu do các khoản chi phí bán hàng, chi phí lãi vay tăng vọt trong một năm qua.
Ngoài ra, năm 2021 Kido có khoản hoàn nhập dự phòng 138 tỷ đồng giúp chi phí quản lý của công ty thấp hơn đáng kể so với năm 2022, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của công ty.
Dầu ăn là mảng kinh doanh chiếm tới 82% doanh thu của Kido. Tuy nhiên, ngành hàng thực phẩm, với doanh thu chưa đến 15% mới là ngành mang lại lợi nhuận gộp lớn nhất, đạt 1.083 tỷ đồng. Dầu ăn với biên lợi nhuận thấp, chỉ mang lại 1.004 tỷ đồng lãi gộp.
Ngành thực phẩm của Kido bao gồm kem và các loại bánh ăn sáng, snack ăn vặt… Kido nổi tiếng với hai thương hiệu kem là Merino và Celano, được bán rộng rãi tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị…
Tính đến cuối năm 2022, Kido có số dư 1.619 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Cuối năm 2022, Kido dự kiến chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ lên tới 50% bằng tiền mặt, tương ứng số tiền bỏ ra gần 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 2/2023, HĐQT công ty đã thông qua nghị quyết hoãn chia cổ tức, đồng thời góp vốn thành lập CTCP Thực phẩm và Gia vị TA.
Gia vị TA dự kiến có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó Kido góp 98% vốn. Công ty có ngành nghề chế biến và bảo quản nước mắm. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ so với hai ngành nghề kinh doanh chính của Kido.