Phim “Thiên nga đen” đem lại nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có Oscar hạng mục nữ chính xuất sắc nhất dành cho Natalie Portman. Sách “Thiên nga đen” đem lại những thông tin bất ngờ thú vị về một lý thuyết cùng tên được áp dụng rộng rãi trong đời sống, từ cấp độ chính phủ tới doanh nghiệp, người dân.
Thuật ngữ “thiên nga đen” bắt nguồn từ một cách diễn đạt bằng tiếng Latin, xuất hiện lần đầu trong tác phẩm “Satire VI” của nhà thơ La Mã Juvenal hồi thế kỷ II. Cụm từ của Juvenal trở nên phổ biến ở Anh vào thế kỷ XVI với ý “không thể có”, “không tồn tại”. Người xưa cho rằng, tất cả các con thiên nga phải có màu trắng vì mọi ghi chép lịch sử đều cho thấy loài chim này có lông màu trắng. Tuy nhiên, năm 1697, các nhà thám hiểm Hà Lan trở thành những người châu Âu đầu tiên nhìn thấy thiên nga đen (ở Australia).
Ông Nassim Nicholas Taleb – nhà lý luận triết học, nhà nghiên cứu lý thuyết xác suất người Li-băng đang giảng dạy tại Mỹ – nhận thấy những hạn chế trong việc học hỏi từ quan sát hoặc kinh nghiệm cũng như sự mong manh trong nhận thức của con người. Ông đã sử dụng một hình ảnh hết sức trực quan, dễ hiểu là con gà tây trước Lễ Tạ ơn để minh họa điều này một cách vừa chân thực vừa châm biếm. “Mỗi ngày được cho ăn sẽ giúp con gà tin rằng, quy luật chung của cuộc đời là nó sẽ được cho ăn mỗi ngày bởi những con người thân thiện ‘luôn vì lợi ích tốt nhất của nó’, đúng theo cách mà một chính trị gia hay nói. Vào buổi chiều trước Lễ Tạ ơn, có chuyện ‘bất ngờ’ xảy đến với con gà tây đó. Nó sẽ phải tự xem xét lại niềm tin của mình… Vấn đề về con gà tây có thể được khái quát vào bất kỳ tình huống nào mà bàn tay cho bạn ăn cũng chính là bàn tay vặn cổ bạn”.
Trong cuốn “Thiên nga đen – Xác suất cực nhỏ, tác động cực lớn” (tái bản lần thứ nhất, NXB Thế giới và AlphaBooks vừa phát hành), tác giả Taleb nhận định: “Chỉ cần một quan sát đơn lẻ cũng có thể bác bỏ khẳng định bao quát bắt nguồn từ hàng nghìn năm tận mắt nhìn thấy sự tồn tại của hàng triệu con thiên nga trắng”. Taleb đúc kết, biến cố “thiên nga đen” có 3 thuộc tính: hiếm khi xảy ra, ảnh hưởng cực lớn và có thể giải thích được khi hồi tưởng quá khứ, nhưng không dự đoán được nó sẽ xảy ra. Ông cho rằng, con người hiện nay quá tập trung vào những điều chúng ta biết, có xu hướng học những điều cụ thể chứ không phải tổng quát, nghiên cứu các sự kiện chứ không phải các quy tắc…
Tác giả “Thiên nga đen” khẳng định, thế giới đang bị thống trị bởi những gì cực độ, bí ẩn, ít có khả năng xảy ra; bất chấp sự tiến bộ và những phát triển về kiến thức của con người, tương lai ngày càng trở nên khó dự đoán hơn. Thoáng qua, người đọc có cảm giác tác giả ủng hộ thuyết bất khả tri – một luận điểm nhận thức luận về bản chất và giới hạn của kiến thức con người.
Thế nhưng, thực tế là ông đã vận dụng khối kiến thức đồ sộ của mình (tích lũy trong 20 năm làm thương nhân rồi nhiều năm nghiên cứu triết học, lý thuyết xác suất, làm giáo sư của Đại học Kỹ thuật Công nghệ New York) để phát triển lý thuyết “thiên nga đen”. Ông xuất bản cuốn sách cùng tên năm 2007 (sách được cập nhật năm 2010, được dịch ra 32 thứ tiếng), giúp độc giả khắp thế giới thay đổi tư duy, nhãn quan trong học tập, nghiên cứu, làm việc, có thể nắm bắt, thậm chí bắt những điều bất định, trừu tượng, mơ hồ phục vụ cuộc sống cụ thể của cá nhân cũng như sự phát triển của tổ chức.
Trước tiên, “Thiên nga đen” “thông não” không ít người đọc về 3 chứng bệnh của bộ não con người khi nói đến lịch sử. Đó là ảo tưởng về sự hiểu biết, bóp méo khi truy hồi về quá khứ và đánh giá quá cao thông tin của các dữ kiện. Ba chứng bệnh này (tác giả gọi là “bộ 3 mờ đục”) có biểu hiện lâm sàng rất rõ. Đó là khi chúng ta cho rằng, thế giới mình đang sống dễ hiểu, dễ giải thích và do đó dễ dự đoán hơn bản chất thực của nó. Thời gian trôi qua đem đến những sự kiện nằm ngoài dự đoán (sự phát triển của máy tính cá nhân, Internet; sự sụp đổ của Liên Xô; vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ…). Phần lớn những gì đã xảy ra đều từng được cho là sẽ không thể xảy ra, thậm chí là điên rồ. Tuy nhiên, sau khi sự kiện xảy ra, chúng ta lại gắng sức hợp lý hóa nó. Việc cố gắng lý giải khi nhìn lại quá khứ này là nguyên nhân gây ra thái độ xem thường tần suất xuất hiện và mức độ khó nắm bắt của sự kiện đó.
Làm thế nào để chúng ta không lâm vào tình cảnh của con gà tây, không rơi vào biến cố lớn mà không hề nhận ra? “Thiên nga đen” cung cấp cho bạn đọc những “vũ khí” vừa mang tính phòng vệ vừa mang tính tấn công để chuẩn bị cho những sự kiện trọng đại nằm ngoài dự tính. Đó là những ví dụ, kiến giải khó tin nhưng có thật, kiểu như “Bill Gates phải nặng đến 22,7 tấn”, “Được đào tạo để trở nên đần độn”, “Khối lượng kiến thức không tăng lên nhờ vào các quan sát chứng thực”, “Sự thật về “cờ bạc đãi tay mới”, “Tội ác trong im lặng”…
627 trang sách của “Thiên nga đen” là sự tổng hòa kiến thức nhiều chuyên ngành như xác suất thống kê, triết học, tâm lý học, y học, lịch sử… với những lát cắt sắc bén đậm chất khoa học. Sách cũng điểm xuyết những nhận định mang màu sắc cá nhân của tác giả nhưng nhiều lúc mang tính đại diện cao, ví dụ “Tôi không lo lắng nhiều về khủng bố nhưng lại lo lắng về bệnh tiểu đường”, “Nhiều tin tốt lành đến một cách nhẹ nhàng vẫn tốt hơn một tin cực kỳ tuyệt vời đến bất chợt”, “Văn hóa của nước Mỹ khuyến khích quy trình thất bại, không giống như các nước ở châu Âu và châu Á, nơi mà thất bại đồng nghĩa với hổ thẹn và tủi nhục”, “Khả năng sáng tạo của nước Mỹ hiện đang lớn hơn rất, rất nhiều so với các quốc gia của những người thích thăm thú bảo tàng và giải phương trình”…
Các vấn đề khoa học nghiêm túc đôi lúc được tác giả trình bày bằng giọng văn dí dỏm, với cách dùng từ, đặt dấu ngoặc đắc địa. Đoạn trích sau đây là một ví dụ. “Người ta nói rằng, “bà cần phải biết độc giả của mình là ai” và “kẻ nghiệp dư viết vì bản thân, còn người chuyên nghiệp viết vì người khác”… “Bạn thân mến của tôi ơi, cuốn sách này sẽ chỉ bán được cho khoảng 10 người, trong đó có những người chồng cũ và thành viên trong gia đình bà thôi”.
Tác giả cũng rất thành công khi đặt tên các chương, các đề mục bắt mắt, vắt óc: “10 bước để trở thành triệu phú”, “Áng chừng số người tình của Nữ hoàng Catherine”, “Thông tin là thứ không tốt cho kiến thức”, “Cách tìm kiếm phân chim”, “Quá khứ của quá khứ và tương lai của quá khứ”, “Đường cong hình chuông, trò gian lận trí tuệ vĩ đại”, “Vì sao uống cà phê lại an toàn”, “Sai số của Thượng đế”…
Tuy nhiên, bạn đọc không mê khoa học tự nhiên có thể cảm thấy khó hiểu với những phần trình bày và biểu đồ, đồ thị dính dáng toán học. Ngoài ra, “Thiên nga đen” mắc một số lỗi (phần nhiều liên quan dịch thuật, chính tả, đánh máy), như “Cộng hòa Hồi giáo Iran ra đời năm 1978” (đúng ra là năm 1979), “cầu thủ bóng đá O.J. Simpson” (cầu thủ bóng bầu dục)…
Nội dung được giới thiệu bởi Công ty cổ phần sách Alpha Books.