Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành tài chính vào chiều 27/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích mà ngành tài chính vượt qua khó khăn để đạt được trong năm vừa qua, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
VƯỢT DỰ TOÁN THU, ĐẢM BẢO NHIỀU NHIỆM VỤ CHI QUAN TRỌNG
Nhìn lại năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhận định, nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước nói riêng và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội nói chung được triển khai trong bối cảnh cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn và thách thức nhiều hơn.
Theo trên, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, GDP cả năm ước tăng khoảng 5%; lạm phát được kiểm soát ở mức tăng khoảng 3,5%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 4,5%. Cùng với đó, thặng dư thương mại ở mức kỷ lục đạt 26 tỷ USD, thu ngân sách ước vượt so với dự toán.
Số doanh nghiệp được thành lập mới và tái gia nhập thị trường 11 tháng là 201,5 nghìn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022; đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng đạt gần 29 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ năm 2022. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam được nâng lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”.
Trong thành tích chung đạt được của cả nền kinh tế, Phó Thủ tướng khẳng định có sự đóng góp quan trọng của ngành tài chính, đồng thời ghi nhận, đánh giá rất cao sự nỗ lực, quyết tâm của ngành tài chính để đạt được 5 kết quả quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2023.
“Kết quả thu ngân sách nhà nước đến hết ngày 25/12/2023 đạt 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán. Đây là kết quả rất tích cực trong bối cảnh thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng; trong đó, miễn, giảm khoảng 78,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Trong điều hành chính sách tài khóa, ngành tài chính chủ động, linh hoạt, kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Có được kết quả này, Phó Thủ tướng cho rằng đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của ngành tài chính, phấn đấu thu đạt mức cao nhất, góp phần đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán, dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh, tăng chi cho đầu tư phát triển.
Theo Phó thủ tướng, các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước cũng được ngành tài chính quản lý, điều hành chặt chẽ, sát dự toán.
Tổng số chi ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, hơn 83% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước tăng so với cùng kỳ năm 2022 cả về quy mô và tỷ lệ giải ngân.
Nhờ chủ động trong điều hành và vận dụng hiệu quả nhiều giải pháp quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, ngành tài chính đảm bảo nguồn lực cân đối ngân sách các cấp, nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quan trọng cấp bách phát sinh, song vẫn kiểm soát được bội chi, nợ công ở mức dưới 4% GDP trong phạm vi Quốc hội quyết định.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá Bộ Tài chính là một trong những cơ quan đi đầu trong đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Năm 2023 là năm thứ 9 liên tiếp Bộ Tài chính nằm trong top 3 bộ, cơ quan ngang Bộ dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính.
QUẢN LÝ HIỆU QUẢ CÁC NGUỒN THU MỚI NHỜ CÔNG NGHỆ
Nhận định năm 2024, bên cạnh cơ hội, thời cơ sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng điều này đòi hỏi không được chủ quan với những kết quả đạt được mà tất cả các cấp, các ngành, trong đó có ngành tài chính phải tiếp tục quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất, thậm chí vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của năm 2024 được trung ương, Quốc hội thông qua.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 sắp ban hành để triển khai thực hiện ngay kế hoạch, chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan chức năng ở trung ương, điều hành chính sách tài khóa chủ động, phù hợp. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch năm 2024 đề ra. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính – ngân sách nhà nước, đẩy nhanh xây dựng chính phủ số.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và quy định có liên quan để mở rộng cơ sở thu, các hoạt động thương mại điện tử, khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai, cơ sở hạ tầng. Nghiên cứu các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh.
“Rà soát, nắm chắc nguồn thu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu, tiếp tục mở rộng cơ sở thuế cả về đối tượng lẫn địa bàn, nhất là lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với đó, nghiên cứu, áp dụng các giải pháp, công cụ phân tích dữ liệu phù hợp để quản lý rủi ro, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo, gian lận về hóa đơn.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế tiết giảm hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế, quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử. Quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước.
“Ngành tài chính cần tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2024 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định. Kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định và phấn đấu thấp hơn, qua đó giảm nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường sức chống chịu của nền tài chính quốc gia, để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/pho-thu-tuong-giao-bo-tai-chinh-ra-soat-nguon-thu-moi-de-xuat-sua-doi-cac-luat-thue-de-mo-rong-co-so-thu.htm