Những phân tích sắc sảo, phát hiện độc đáo, giọng điệu đa dạng, đến góc nhìn biến đổi, văn liệu phong phú khiến cuốn sách “Nhà văn như Thị Nở” của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên có sức hấp dẫn khó cưỡng với độc giả
Chậm ra mắt vì “trây lỳ”
Là một trong những cây viết phê bình sắc sảo của làng văn nhưng phải sau 30 năm làm nghề, cái tên Phạm Xuân Nguyên mới được đặt ở vị trí tác giả trong cuốn sách đầu tay có tên “Nhà văn như Thị Nở”. Ông tự thú: “Lý do vì sao tôi chậm ra sách thì rất dễ nói – là vì tôi lười gom bài đã viết để tập hợp lại cho có một hình hài, hệ thống. Nhưng lại rất khó nói – bởi tôi thấy chưa tự bằng lòng với những cái mình viết ra không có một hệ thống, hình hài rõ nét”.
Và cuốn sách này được ra đời cũng phải “nhờ” sự thúc ép gắt gao của đối tác xuất bản: “Chẳng là, mùa World Cup trước, tôi đã hứa với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam sẽ tập hợp các tác phẩm của mình để in sách. Thế nhưng, cứ hẹn đi hẹn lại, cuối cùng, cái tính trây lỳ cố hữu đành chịu thua sự ưu ái, thúc giục, sức ép từ phía đối tác và nhờ đó… đứa con tinh thần này ra đời”, ông Nguyên chia sẻ.
Đồng môn, đồng nghiệp lâu năm của ông ở Viện Văn học Việt Nam là PGS-TS. Lưu Khánh Thơ còn cho hay: Những bậc cây đa, cây đề ở Viện Văn cũng như làng văn như GS. Phong Lê, GS. Hà Minh Đức cũng phải “bó tay” với Phạm Xuân Nguyên.
Bởi lẽ, việc làm luận án nằm trong tầm tay, nhưng ông lúc nào cũng nhất quyết, một mực giữ đúng như câu thơ: Viện Văn có một Phạm Xuân/ Nguyên là cán bộ cử nhân phê bình. Hẳn là những người làm biên tập của Nhã Nam phải có bí kíp gì đó ghê gớm lắm mới thuyết phục, thúc giục được ông tập hợp các bài viết để in cuốn sách này.
Được tin Phạm Xuân Nguyên ra sách, đại đa số cán bộ Viện Văn và nhiều người trong giới văn chương đã tỏ thái độ hoài nghi. Bởi lẽ, 30 năm qua, Phạm Xuân Nguyên viết rất nhiều, sách dịch đã gây được tiếng vang nhưng cuốn sách gồm những bài viết của chính ông chưa có.
Biên tập viên Diệu Thủy của Nhã Nam tâm sự: “Thời gian biên tập để cho ra cuốn sách rất nhanh bởi những bài viết của nhà phê bình “Thị Nở” đã tương đối hoàn chỉnh, tôi không phải chỉnh sửa nhiều. Tuy nhiên, tôi phải mất gần bốn năm mới có được bản thảo trong tay. Suốt thời gian ấy, tôi không từ thủ đoạn nào, từ năn nỉ, cho đến dọa đốt nhà và phải luôn tự nhủ là không thể thua gã, phải lỳ hơn gã, cuối cùng đã thành công.”
Thai nghén suốt 30 năm
Thai nghén suốt 30 năm, “Nhà văn như Thị Nở” của “Gã đầu bạc” được chia làm hai phần: “Người của hôm qua” và “Người nay”, tập hợp 59 bài viết về 51 chân dung văn nghệ sĩ, trí thức nổi bật của văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 tới nay, phụ đề là “Nguyên văn 1” (Những bài viết phê bình của Nguyên).
Riêng bài viết về nhân vật Thị Nở của Nam Cao, ông đặt đầu tiên như một lời đề từ, nhằm nêu cao một quan niệm về người viết văn, nghề văn. “Gã phê bình” lý giải: Cái tên “Nhà văn như Thị Nở” có nghĩa là nhà văn được ví như Thị Nở; nhà văn cần như Thị Nở; nhà văn hãy như Thị Nở. Đó là cách chơi chữ, chơi ý tưởng để nói lên thông điệp, văn học cần chạm tới thiên lương của con người, đánh thức những xúc cảm nhân văn ở mỗi người đọc.
Như việc Thị Nở đã cứu rỗi linh hồn cho Chí Phèo mà Nam Cao từng xây dựng. Hẳn vì thế mà tấm ảnh “Gã đầu bạc” lấy minh họa bìa sách nhìn có chút dị dạng. Dường như, gã tự làm xấu mình, để mong được là một Thị Nở trong làng văn, mang cháo hành để khơi dậy, hướng người đọc đến điều thiện.
Nhà văn Lưu Khánh Thơ cho rằng, có lẽ, vì không chỉ đọc trên trang viết mà Phạm Xuân Nguyên còn được tiếp xúc, thậm chí là thân thiết với những tác giả là các nhân vật trong “Nhà văn như Thị Nở” nên đọc mỗi bài viết, độc giả đều hình dung ra được chân dung, chất riêng của người được đề cập. Họ cũng thấy được không khí văn chương suốt thời kỳ dài của văn học hiện đại Việt Nam, bao gồm cả sáng tác, dịch thuật, phê bình, với những tên tuổi hàng đầu.
Viết về những cây bút đã khuất, ông định giá một cách công bằng, tái hiện gần như đủ đầy những gương mặt lừng danh: Thế Lữ, Hải Triều, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Xuân Diệu, Nam Cao, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán…
Ở phần “Người nay” thì số chân dung các cây bút đương đại chưa thật đầy đủ, toàn diện, bởi còn thiếu vắng Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp… Nhiều người còn trách, sao gã không tập hợp những bài viết tổng kết văn đàn Việt Nam mỗi năm, hay những bài giới thiệu sách ngắn gọn mà súc tích, gợi mở nhiều điều cho bạn đọc vào cuốn sách.
Có người lại hờn dỗi vì Phạm Xuân Nguyên thai nghén lâu quá, khiến những người yêu sách quá cố không được hưởng thụ một tác phẩm hay… Hẳn là “gã” để dành những bài viết ấy cho cuốn “Nguyên văn 2”.
Nhưng, dù hờn hay trách thì bất cứ ai đọc xong cuốn sách này cũng cảm thấy thỏa mãn vì nó có sức hấp dẫn như một tác phẩm văn học thực sự. Từ những phân tích sắc sảo, phát hiện độc đáo, giọng điệu đa dạng, đến góc nhìn biến đổi, văn liệu phong phú. Và đằng sau 51 gương mặt văn chương ấy, Phạm Xuân Nguyên đã tự họa chân dung của chính mình: Một “Thị Nở” tinh tế, đầy suy tư, thẳng thắn và không khoan nhượng.
Theo Hồ Hạ- TBNH