Số trẻ mắc cúm tăng cao
Cháu Minh Khôi (6 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện do cúm A đến nay đã gần 1 tuần. Gia đình cho biết, trước đó, cháu vẫn khỏe mạnh đi học bình thường. Buổi trưa đi học về, cháu bỗng nhiên lên cơn sốt cao 39-40 độ C. Gia đình cho con uống thuốc hạ sốt nhưng cháu đáp ứng kém, chỉ giảm sốt một lúc rồi sốt lại.
Sau một ngày, gia đình đưa con vào bệnh viện khám, các bác sĩ nhận thấy tình trạng trẻ sốt cao, khó thở nên nhập viện với chẩn đoán viêm phế quản. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trẻ dương tính với virus cúm A.
Một bé trai 14 tháng tuổi được chuyển vào viện trong tình trạng viêm phổi sau 2 tuần điều trị cúm A tại bệnh viện tỉnh nhưng vẫn sốt cao. Xét nghiệm còn cho kết quả bội nhiễm cả vi khuẩn phế cầu. Trẻ nhỏ chưa đi học phần lớn lây từ người thân.
Bác sĩ Hà Tố Như – Bệnh viện Đa khoa An Việt – cho hay, thời gian qua, rất nhiều người đã tới khám vì bệnh cúm. Con số nhập viện điều trị do các triệu chứng nặng cũng tăng hơn. Đây là thời điểm bệnh cúm bùng phát nhất trong năm nay.
Bệnh cúm mùa nguy hiểm thế nào?
Theo bác sĩ Tố Như, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong diễn biến phức tạp và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm.
Dịch cúm năm nay không diễn biến bất thường như năm 2022, nhưng vẫn nên cẩn trọng phòng bệnh cho trẻ nhỏ và trong chăm sóc trẻ khi mắc cúm để tránh biến chứng; tốt nhất là tiêm vaccine phòng cúm mùa mỗi năm một lần khi sức khỏe bình thường.
Bệnh cúm mùa nếu không được điều trị hoặc điều trị quá muộn có thể khiến bệnh chuyển biến nặng và để lại nhiều hậu quả đáng tiếc, nguy hại tới sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh. Nếu không được điều trị, người mắc có khả năng đối mặt với các biến chứng bệnh cúm mùa như viêm phổi, suy hô hấp, suy giảm hệ miễn dịch, viêm não, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Phụ huynh cũng nên lưu ý, tiêm vaccine vẫn là biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất, giúp tạo “lá chắn” bảo vệ trẻ khỏi virus cúm A cũng như nhiều bệnh lý khác, nhất là trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường này.