Trung QuốcTừ bỏ sự nghiệp đã xây dựng 15 năm, Trương Huệ Bân đem theo hai con về quê, cùng nấu rượu, trồng lúa, ưu tiên trải nghiệm hơn học hành.
Như hầu hết những đứa trẻ ở quê, ngày nhỏ Trương Huệ Bân cố gắng học hành để thoát khỏi lũy tre làng. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đến Thâm Quyến làm thiết kế thời trang, nhiếp ảnh gia và đi du lịch khắp nơi.
Cùng với sự phát triển của các thành phố lớn, nhịp sống của Huệ Bân ngày càng nhanh. Cưới vợ, sinh con, lập nghiệp cho đến tuổi trung niên, anh cảm nhận “cơ thể xoay tròn như một cỗ máy, ngày càng kiệt quệt”. Trong khi đó, bố mẹ anh ngày một già. “Mẹ giúp tôi chăm sóc các con ở thành phố nên suốt 10 năm chỉ có bố ở quê”, người đàn ông 43 tuổi nói.
Nghĩ đến viễn cảnh 10 năm tới, Huệ Bân muốn thay đổi hướng đi. “Trong đầu tôi thường hiện lên ký ức về thời thơ ấu cùng bố mẹ làm việc đồng áng. Tiếng gọi về nhà càng lúc càng mạnh mẽ”, anh tâm sự.
Làng Peitian nằm ở huyện Liên Thành, tỉnh Phúc Kiến, nơi giao nhau của ba tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông và Giang Tây. Đây là một ngôi làng cổ truyền thống của người Khách Gia nằm sâu trong núi, có lịch sử hơn 800 năm.
Khi về làng năm 2017, Huệ Bân đã ly hôn. Con trai 14 tuổi học THCS trên thị trấn, hàng ngày đạp xe đến trường. Con gái 10 tuổi học tiểu học trong làng. Ba năm đầu anh chủ yếu sửa sang nhà cửa, thuê đất, chăm con. Ba năm tiếp theo anh có định hướng tương đối rõ ràng, ngày ngày cùng bố mẹ nấu rượu, làm thuốc trong căn nhà tranh dưới chân núi. “Lúc đầu mới về ngại ánh mắt của xóm giềng nên tôi thuê ngôi nhà này”, Huệ Bân kể.
Nhà nằm trên diện tích 1,6 hecta, mang kiến trúc tiêu biểu của người Khách Gia. Nhưng do chủ nhà đã chuyển lên thành phố ở nên bị bỏ hoang hơn 10 năm. Tường đổ nát, mái dột, rêu mọc đầy mặt đất.
Nguyên tắc của Huệ Bân là không sử dụng gỗ mới để cải tạo. Anh lấy gỗ ở chợ, nơi tập kết gỗ bỏ đi của các hộ dân trong làng khi phá bỏ nhà cổ xây nhà hiện đại. Việc cải tạo ngôi nhà tranh tốn hơn 600.000 tệ (2 tỷ đồng).
Ông nội là một bác sĩ đông y, cha đặc biệt giỏi về nấu rượu. Ngày bé, năm anh em Huệ Bân giúp ông xay dược liệu và chưng cất rượu ngoài sân. Nghĩ đến hương vị rượu ngày ấy, anh quyết đi tìm giống lúa cổ. Dân làng hiện nay không còn ai trồng vì năng suất thấp, khả năng kháng sâu bệnh kém, nhưng khi dùng nấu rượu lại có hương thơm đặc biệt. Đi qua nhiều ngôi làng, cuối cùng anh tìm lại được giống lúa này.
Anh cũng tìm được ruộng bậc thang trên núi rộng 120 mẫu, trong đó trước mắt khai hoang 35 mẫu rồi canh tác không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Người già ở làng không thời nay có thể trồng lúa mà không dùng thuốc trừ sâu. Nhưng Huệ Bân thuê người cùng làm với mình. Vụ đầu năng suất kém, nhưng vẫn đủ thóc bắt đầu nấu rượu.
Vùng núi của làng thuộc Vũ Di Sơn (dãy núi được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới) có thực vật phong phú. Người am hiểu sẽ tìm thấy dược liệu ở khắp mọi nơi trên núi. Nhưng những năm gần đây, người dân đào bới dược liệu bán ra bên ngoài khiến những dược liệu quý mất đi nhiều.
“Tôi có quyết định táo bạo là thuê khu rừng 1.375 hecta này trong 40 năm để bảo tồn dược liệu”, Huệ Bân nói.
Bảo tồn chủ yếu liên quan đến hai khía cạnh, trồng lại một số quần thể thực vật và khai thác bền vững. Hiện anh đã bảo tồn được mười loại dược liệu thường được sử dụng trong các bài thuốc y học cổ truyền Trung Quốc.
Ngoài rượu và thuốc, Huệ Bân còn cố gắng làm một số việc công ích cho làng. Trong đó anh đã thuê lại kho thóc bị bỏ hoang, tự thiết kế và biến thành Bảo tàng nghệ thuật Peitian, với ý tưởng một ngôi làng cổ xứng đáng có một phòng trưng bày nghệ thuật để bảo tồn và kể lại một phần lịch sử. Nhờ bảo tàng nghệ thuật này nên nhiều người biết anh đang làm gì ở Peitian và tiếp cận anh để chuyển đến làng.
Trên tất cả những việc đó, Huệ Bân xem làm cha là quan trọng nhất trong cuộc đời. Buổi sáng anh làm bữa sáng cho hai con. Khi con đi học, anh làm việc ở bảo tàng nghệ thuật. Cuối tuần, nghỉ đông, nghỉ hè, anh đưa các con về căn nhà tranh dưới chân núi, nếu các con có hứng thú sẽ tham gia vào các việc đồng áng, lên núi trồng thuốc.
Hai con của Huệ Bân ban đầu học ở thành phố có nguồn lực giáo dục rất tốt. Ban đầu trở về quê, người cha có chút lo vì khoảng cách quá lớn. Trường tiểu học của con gái chỉ có hai lớp, tổng 12 học sinh, đến kỳ sau có thể phải đóng cửa và con của anh có thể phải đi học xa dưới thị trấn. Ở trường cũng không có lớp tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc.
“Nhưng dù việc học là một vấn đề khó khăn, tôi không hối hận khi đưa con về nhà. Có ít thứ để học trên lớp và ưu điểm luôn nhiều hơn nhược điểm”, ông bố đơn thân nói.
Các con anh có nhiều thời gian hơn để tập trung vào những thứ khác ngoài bài tập về nhà. Khi ở Thâm Quyến, con trai lớn từng gặp tổn thương tâm lý do bố mẹ ly hôn, vì thế thường bị giáo viên phàn nàn kết quả học tập. “Giờ về quê gần ông bà, thiên nhiên và được cha dành nhiều thời gian hơn, con vui vẻ và tìm thấy niềm đam mê trong hội họa và nấu ăn”, người cha nói.
Con gái có tính cách hoạt bát, vui vẻ hơn và đặc biệt bám lấy cha. Thay vì xem TV sau giờ học, giờ đây cô bé thích được chơi các trò chơi xưa, hoặc lên núi hái trái rừng, dỡ khoai lang ngoài đồng.
“Giờ đây nhìn lại sáu năm kể từ khi tôi về, hai mươi năm ở thành phố như một thế giới khác xa xôi lắm”, ông bố hai con nói.
Xem ảnh cuộc sống của ông bố đơn thân ở làng cổ:
Bảo Nhiên (Theo Paper)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bo-don-than-thue-nghin-hecta-rung-song-doi-dien-vien-4690427.html