Làm gì có con đường hạnh phúc nào chung cho tất cả mọi người?
“Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Câu mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 hẳn không người Việt Nam nào không biết, nhưng chúng ta đang thực hiện quyền mưu cầu hạnh phúc của mình đến đâu? Chỉ cần mỗi sáng đi ra đường, nhìn những gương mặt mệt mỏi trong dòng xe cộ đông đúc nhích từng chút một thì đủ thấy hạnh phúc là một từ xa xỉ.
Làm sao để hạnh phúc giữa thời đại đầy biến động này, đây là một câu hỏi mà cuốn sách Sống để hạnh phúc của PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh đưa ra nhưng chưa trả lời được trọn vẹn. Cơ bản nhất, cuốn sách chỉ ra được nhiều lầm tưởng đặc trưng về hạnh phúc của xã hội chúng ta.
Việt Nam thời nay đã khác hẳn thế kỷ trước, vật chất đủ đầy hơn nhiều, ta những tưởng hạnh phúc cũng theo đó mà đầy lên. Những thứ máy móc mà ở thập kỷ 90 còn là đồ xa xỉ, như máy chiếu, máy vi tính, thang máy…, thì bây giờ đã phổ cập đến mọi nơi. Nhưng những công cụ vật chất mới đòi hỏi ở người sử dụng một trình độ nhận thức phát triển, mà đó không phải là điều có thể biến chuyển trong một sớm một chiều.
Giữa thời đại mạng xã hội, nơi người ta có thể phơi bày mọi suy nghĩ, việc tranh luận sao cho văn minh lịch thiệp là một nghệ thuật mà không nhiều người hiểu được. Cuộc sống thì đã hiện đại, nhưng người ta vẫn thích “ném đá” như thời ăn lông ở lỗ, và nhiều khi là câu sau ném vào những giá trị mà câu trước vừa tung hô. Cư dân mạng Việt Nam ủng hộ chuyện đập tan định kiến giới tính và bảo vệ tự do cá nhân được Tổng thống Mỹ Obama truyền tải, nhưng lại phản đối Hoa hậu Kỳ Duyên chính bởi họ còn giữ những định kiến trong đầu cho rằng một cô gái đại diện cho vẻ đẹp nước nhà không còn chút gì gọi là tự do cá nhân để được phép có những hành động như hút thuốc hay ngủ trên máy bay.
Quan trọng hơn, người ta cứ a dua theo đám đông mà không cần biết phải trái đúng sai, chỉ cần một cái post Facebook được nhiều người đọc và chia sẻ thì kẻ vô tội cũng thành có tội. Với lối tư duy ấy thì có đủ hạ tầng kỹ thuật để kết nối xuyên dải ngân hà cũng có hạnh phúc nổi không?
Hạnh phúc không nhất thiết phải gắn với của cải vật chất. Tất nhiên nếu thiếu thốn thì không thể hạnh phúc, nhưng không phải vì thế mà chạy theo đồng tiền bằng mọi giá. Hàn Quốc những năm gần đây nổi lên như một kỳ tích về mặt kinh tế, nhưng đất nước này không làm ăn kiểu manh mún vì cái lợi trước mắt. Họ vẫn giữ và trùng tu những cung điện cổ xưa thay vì xây nhà cao tầng cho thuê, phá cả một con đường cao tốc nơi kinh doanh phát đạt để cải tạo dòng suối Cheonggyecheon giữa thành phố Seoul. Lợi nhuận trước mắt có thể không bằng, nhưng khách du lịch có điểm tham quan, cư dân có nơi vui chơi, thành phố thì mát mẻ thoáng đãng hơn.
Giữa xã hội Việt Nam đang quay cuồng thay đổi với quá nhiều sức ép thì hạnh phúc là một bến bờ khó chạm tới. Nhưng đâu phải thời trước thiếu những sức ép. Xã hội đã chuyển mình từ thời sinh viên Việt Nam ồ ạt đi du học Đông Âu, tìm kiếm một con đường hạnh phúc mà người ta đua nhau chạy theo vào đến tận bây giờ. Du học có thật đảm bảo mang đến hạnh phúc trong thế giới biến động hay không?
Tác giả Hoàng Ánh, bản thân cũng là một du học sinh đầu những năm 80, kể về một người bạn tuy sống ở nước ngoài nhưng suy nghĩ chỉ thuần hai màu đen trắng, không bận tâm đến những điều nằm ngoài sách giáo khoa, không thích đi bảo tàng hay ngắm cảnh, thích thú với phim hành động hơn là sách văn học. Bây giờ cũng vậy, đi du học, cuộc sống bên ngoài có thể đầy những gam màu mới lung linh, nhưng nếu mắt mình không thoát được chế độ đơn sắc thì cũng có khác gì?
Thế hoá ra là hạnh phúc đã vắng bóng trong xã hội này từ lâu rồi. Người ta vẫn cứ đạp lên nhau để tranh giành tiền bạc, công danh, hay đơn giản như một suất vào đại học, mà không hiểu rằng làm như vậy chẳng khiến cuộc đời thêm hạnh phúc. Vì đâu có con đường hạnh phúc nào chung cho tất cả mọi người. Với tác giả Hoàng Ánh, những năm tháng du học đã dẫn dắt cô đến với hạnh phúc, không phải nhờ những kiến thức học ở trường, mà nhờ được tự do làm chủ, tự đưa ra những quyết định cho bản thân, và qua đó nhận ra mình là ai. Nhưng với người khác, hạnh phúc có thể nằm ở một góc khuất, ẩn sau những lần thi trượt đại học, hay sau cánh cửa trường dạy nghề.
Vậy còn bạn, bạn đã tìm thấy con đường hạnh phúc của mình chưa?
Bạn đọc có thể đặt mua cuốn sách tại đây:
Trạm Đọc/Thanh Huệ