Thủ tướng vừa phê duyệt quy hoạch Bình Định đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với trọng tâm trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu miền Trung.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Trong đó, địa phương này sẽ là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế. Kinh tế của tỉnh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển – logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa…
Tỉnh chú trọng xây dựng đô thị thông minh, phát triển đô thị gắn với khoa học, thung lũng sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI), các trường đại học. Thành phố Quy Nhơn sẽ được mở rộng về phía đông bắc, lấy đầm Thị Nại làm trung tâm.
Địa phương đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 8,5% trở lên. Trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 7-7,5% mỗi năm và giai đoạn 2026-2030 đạt 9,8%-10,8% mỗi năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 204-213 triệu đồng. Tổng lượt khách du lịch đạt 12 triệu khách mỗi năm, trong đó có 2,5 triệu khách quốc tế và 9,5 triệu lượt khách nội địa. Kinh tế số chiếm 30% GRDP.
Không gian đô thị phát triển theo mô hình hai vùng, ba cực phát triển và ba hành lang kinh tế.
Trong đó, vùng phía Bắc (Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão) phát triển, bảo tồn rừng tự nhiên, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo,… Vùng phía Nam (Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Vân Canh, Phù Cát, Vĩnh Thạnh) là vùng động lực phát triển đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, cảng biển, đô thị thông minh,…
Ba cực phát triển gồm cực phía Đông Nam (TP Quy Nhơn và vùng phụ cận), cực phía Bắc (Thị xã Hoài Nhơn); cực phía Tây (đô thị Tây Sơn). Ba hành lang kinh tế gồm hành lang kinh tế Bắc Nam phát triển dọc theo quốc lộ 1; hành lang kinh tế biển dọc tuyến đường bộ ven biển (ĐT 639); hành lang kinh tế Đông Tây dọc theo các tuyến giao thông dọc quốc lộ 19.
Đến năm 2050, Bình Định thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Địa phương này trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Hoài Phương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/quy-hoach-binh-dinh-thanh-trung-tam-kinh-te-du-lich-bien-4690627.html