Bức tranh tổng thể
Hiện tại, giải bóng đá nam vô địch quốc gia (V.League) mùa giải 2023-2024 vẫn đang tranh tài. Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2023 cũng chưa khép lại. Với các môn thể thao thành tích cao khác, duy nhất còn giải cử tạ vô địch quốc gia 2023 đang diễn ra, và kết thúc ngày 29.12 tại TP Hồ Chí Minh. Khi môn cử tạ bế mạc giải vô địch quốc gia 2023, đồng nghĩa các môn thể thao thành tích cao của năm nay kết thúc mọi giải đấu trong nước của mình. Nguyên do khiến giải cử tạ vô địch quốc gia 2023 diễn ra vào thời điểm muộn như vậy vì đội cử tạ Việt Nam vừa tham dự giải Grand Prix 2023 tại Doha (Qatar) mới đây và bây giờ tất cả trở về tranh tài vô địch trong nước (chúng ta ưu tiên tham dự giải đấu ở Qatar do đây là một trong những vòng loại Olympic của môn cử tạ).
Ngành thể thao chưa tiến hành tổng kết năm hoạt động 2023. Năm nay, thể thao Việt Nam (tính về thành tích cao) đã dự hai đấu trường lớn là SEA Games 32 (tháng 5.2023, tại Campuchia) và ASIAD 19 (tháng 9, tháng 10.2023 tại Trung Quốc). Qua mỗi Đại hội trên, chúng ta đã giành được các chỉ số thành tích về số Huy chương Vàng, Bạc, Đồng nhưng người làm chuyên môn vẫn sẽ phải đưa ra các phân tích để rút kinh nghiệm tốt hơn trong công tác đào tạo, huấn luyện và đầu tư trên nguồn lực đang có.
Đây là hai Đại hội phản ánh rõ rệt nhất chất lượng đào tạo, sự đầu tư của thể thao thành tích cao Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. Chúng ta đã đầu tư hiệu quả hay chưa hiệu quả cho thể thao thành tích cao? Câu trả lời dành cho lời hỏi đó dự kiến được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Thể dục Thể thao phân tích, có cái nhìn trực diện nhất khi tổ chức Hội thảo tọa đàm định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 tại Hà Nội trong tuần này.
Chọn vận động viên cho mục tiêu tương lai
Dự thảo Quy chế, quy định tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn vận động viên đội tuyển quốc gia vẫn đang được Cục Thể dục Thể thao rà soát thẩm định để sớm trình duyệt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để ban hành.
Ngày 13.12 vừa qua, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt tiếp tục chủ trì cuộc làm việc cùng đại diện các đơn vị chuyên môn của Cục Thể dục Thể thao và các Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia nhằm có thêm đóng góp với Dự thảo Quy chế trên.
Xây dựng từ năm 2021, qua hai năm, Dự thảo Quy chế trên đã được nhà quản lý ghi nhận các ý kiến đóng góp từ nhiều đơn vị của Bộ, ngành, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia. Dẫu thế, việc điều chỉnh vẫn đang thực hiện mà chưa trình duyệt sớm ban hành.
Thực tế ghi nhận, từng môn thể thao có đặc thù riêng nên các tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển chọn là khác nhau nên rất cần sự kỹ lưỡng tỉ mỉ về các con số, chỉ tiêu đưa ra nếu đã xây dựng về Quy chế, quy định tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn vận động viên đội tuyển quốc gia.
Thể thao đang hướng tới sự phát triển toàn cầu, chúng ta có thêm nhiều nguồn lực là người Việt Nam ở nước ngoài trở về thi đấu, mong muốn tham gia các đội tuyển thể thao quốc gia nên đây là một trong những điều để ngành thể thao tìm nhiều gợi mở về nhân lực, phát triển được con người tốt nhất.
Trên hết, huấn luyện viên và vận động viên khi đã là thành viên đội tuyển thể thao quốc gia là phải nỗ lực, có sự quyết tâm vì màu cờ sắc áo.
Yêu cầu của Cục Thể dục Thể thao là các văn bản phải kiện toàn và sớm hoàn thiện để đưa vào áp dụng. Ngành thể thao đưa chương trình tổ chức Hội thảo tọa đàm định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 là tìm những phương hướng phát triển tốt nhất ở lĩnh vực này nhưng nếu các văn bản, dự thảo về các chương trình chuyên môn còn nằm trên giấy không được triển khai thì thời gian vẫn bị kéo chậm lại.
Bên cạnh việc tổ chức Hội nghị tổng kết năm thường niên.
Năm nay, ngành thể thao có thêm Hội thảo tọa đàm định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 nên các chương trình về công tác tổng kết chuyên môn sẽ có nhiều thay đổi.
Năm 2024 không có SEA Games, ASIAD và chỉ diễn ra Olympic Paris (Pháp) 2024 nên thể thao Việt Nam dự kiến sẽ tập trung ít hơn số lượng kể trên tại các đội tuyển thể thao quốc gia.
Nguồn tin: https://laodong.vn/the-thao/tuyen-chon-van-dong-vien-nhu-the-nao-cho-doi-tuyen-quoc-gia-1281605.ldo