Theo Wall Street Journal, sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) vừa qua bắt nguồn từ một vấn đề đơn giản: Nhà băng này phát triển quá nhanh bằng cách sử dụng nguồn tiền gửi ngắn hạn cũng như đầu tư vào những tài sản mà họ không thể hoặc không muốn bán.
Khi lãi suất tăng nhanh, các khoản lỗ khổng lồ từ đầu tư buộc SBV phải tìm cách huy động nguồn vốn mới – động thái khiến những người gửi tiền hoảng sợ và rút tiền ồ ạt chỉ trong hai ngày. Nhiều người đặt câu hỏi rằng tại sao nhà chức trách Mỹ lại cho phép một ngân hàng như SVB phát triển quá nhanh và chấp nhận quá nhiều rủi ro liên quan tới lãi suất như vậy?
VẤN ĐỀ TRONG KHÂU GIÁM SÁT CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ
Điều đáng nói, SVB không phải ngân hàng duy nhất tại Mỹ gặp vấn đề trong tuần qua. Chỉ vài ngày trước khi SVB sụp đổ, Silvergate Capital Corp., một trong những ngân hàng lớn nhất trong thế giới tiền ảo, cũng thông báo sẽ đóng cửa.
“Vụ việc của hai ngân hàng này là bằng chứng cho thấy đang tồn tại vấn đề nghiêm trọng ở khâu giám sát của cơ quan quản lý”, bà Karen Petrou, quản lý của Federal Financial Analytics, công ty tư vấn pháp lý cho ngành ngân hàng, nhận xét. “Đó là lý do tại sao chúng ta có đội ngũ thanh tra ngân hàng và đó là những gì họ phải làm”.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là cơ quan quản lý liên bang chính của cả SVB và Silvergate.
Đáng chú ý, rủi ro rình rập đối với cả hai ngân hàng đều rất rõ ràng. Bảng cân đối kế toán cả hai ngân hàng đều ghi nhận tài sản và tiền gửi tăng nhanh. Cùng với đó, các khoản lỗ liên quan tới trái phiếu cũng được thể hiện rõ ràng trong báo cáo tài chính.
SVB đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt khi tiền gửi tăng gần đôi chỉ sau một năm. Tổng tài sản của công ty mẹ, SVB Financial Group, đã tăng lên 211 tỷ USD vào cuối năm 2021, so với 116 tỷ USD một năm trước đó. Tính đế cuối năm 2022, SVB là tổ chức cho vay lớn thứ 16 tại Mỹ.
Vụ sụp đổ của SVB là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ và đánh dấu phép thử lớn nhất đến nay với hệ thống quy định ngành ngân hàng kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, dù trước đó nước này đã cải tổ nhiều quy định để giảm rủi ro và giám sát chặt chẽ hơn với ngành ngân hàng.
“Việc tăng trưởng nhanh ít nhất cũng phải nhận nhãn vàng của các cơ quan giám sát”, ông Daniel Tarullo, cựu thống đốc Fed, người đứng sau việc cải tổ các quy định giám sát ngành ngân hàng sau khủng hoảng tài chính năm 2009.
Ngoài ra, gần 90% các khoản tiền gửi tại SVB không được bảo hiểm, khiến tiền gửi dễ “bốc hơi” khi xảy ra vấn đề bởi các khoản vay không được bảo đảm bởi Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).
“Một ngân hàng trị giá tới 200 tỷ USD lẽ ra không nên bị sụp đổ bởi vấn đề thanh khoản”, ông Eric Rosengren, cựu chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston từ năm 2007 đến năm 2021, nhận xét.
Theo các nhà phân tích, cả SVB và Silvergate đều có quy định về thanh khoản lỏng lẻo hơn so với các ngân hàng lớn hơn.
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ
“Sau vụ sụp đổ của hai ngân hàng này, các cơ quan quản lý có lẽ cần xem xét lại các quy định về thanh khoản, hướng tới điều chỉnh các yêu cầu về nắm giữ tài sản thanh khoản chất lượng cho đối với các ngân hàng có nguồn tiền vượt xa việc huy động tiền gửi”, nhà phân tích Jaret Seiberg tại TD Cowen Washington Research Group, nói.
Các ngân hàng thường huy động tiền gửi ngắn hạn để cho vay trong kỳ hạn dài hơn. Tuy nhiên, bảng cân đối kế toán của SVB tập trung vào các tài sản có kỳ hạn dài, về cơ bản tập trung vào việc thu lợi nhuận. Và việc này diễn ra ngay đúng thời điểm tồi tệ nhất, đó là ngay trước chiến dịch tăng lãi suất nhanh và mạnh tay của Fed. Theo đó, ngân hàng này phải chịu các khoản lỗ khổng lồ và dễ bị rút tiền gửi ồ ạt.
“Các nhà chức trách Mỹ biết rõ rằng các khoản lỗ chưa thực hiện trong danh mục đầu tư của các ngân hàng có thể dẫn tới rắc rối lớn, nhưng họ đã không có hành động cụ thể để giải quyết vấn đề”, ông Timothy Coffey, phó giám đốc nghiên cứu tại Janney Montgomery Scott LLC, nhận xét. “Điều này đã xảy ra trong ngành nhiều tháng rồi và họ (các cơ quan quản lý) đã không làm gì để giúp SVB”.
Trên thực tế, SVB và Silvergate không phải là những công ty duy nhất đối mặt rủi ro của các khoản lỗ chưa thực hiện. Theo FDIC, tính tới cuối năm ngoái, toàn ngành ngân hàng Mỹ các khoản lỗ chứng khoán chưa thực hiện (lỗ trên sổ sách) khoảng 620 tỷ USD.
Một vấn đề nữa ở khâu quản lý là: các quy định về chứng khoán và vốn cho phép các ngân hàng bỏ qua các khoản lỗ được hoạch toán theo giá thị trường đối với một số chứng khoán nếu họ dự định giữ khoản đầu tư đó tới khi đáo hạn. Tại SVB, danh mục chứng khoán, phần lớn là trái phiếu có thế chấp do các tổ chức được Chính phủ hậu thuẫn phát hành, ghi nhận lỗ lớn nhất.
Một số nhà phân tích cho rằng chính sách tiền tệ của Mỹ trong thập kỷ qua cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới vụ sụp đổ của hai ngân hàng.
“Fed đã kìm hãm đường cong lợi suất và truyền đi thông điệp rõ ràng với ngành ngân hàng rằng họ có thể làm vậy trong một thời gian dài. Do đó, các chủ ngân hàng lấp đầy danh mục đầu tư của mình bằng trái phiếu Chính phủ với các kỳ hạn khác nhau và nói rằng họ sẽ giữ chúng đến ngày đáo hạn”, ông Thomas Hoenig, cựu chủ tịch Fed thành phố Kansas và cũng làu cựu phó chủ tịch FDIC, nói.
Silvergate và SVB đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi trong điều kiện kinh tế bởi hoạt động của họ tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng bùng nổ. Theo bà Saule Omarova, giáo sư luật tại Đại học Cornell, nếu các ngân hàng trong lĩnh vực này có hoạt động đầu tư đa dạng hơn, thì những rủi ro kể trên có thể đã khác đi.
“Điều này cho thấy rằng các nhà chức trách cần có cái nhìn rộng hơn đối với những rủi ro của hệ thống tài chính. Tất cả các cơ quan quản lý tài chính cần phải bắt đầu bắu tham gia vào và xem xét kỹ hậu quả của những gì đang xảy ra”, bà Omarova nói.