Xấu mặt bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ
Hôm 12.12, bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ choáng váng khi khi Faruk Koca, chủ tịch câu lạc bộ hàng đầu Ankaragucu, đấm trọng tài Halil Umut Meler vào cuối trận. Trong khi đó, các quan chức khác đá vào đầu trọng tài khi ông này đang nằm trên sân.
Tất cả các giải bóng đá ở Thổ Nhĩ Kỳ bị hoãn trong một tuần. Sau đó, Liên đoàn bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ (TFF) đưa ra án phạt, cấm Koca hành nghề suốt đời. Trong khi câu lạc bộ Super Lig, Ankaragucu bị buộc phải nộp phạt 69.000 USD và chơi 5 trận sân nhà mà không có người hâm mộ.
Vụ tấn công đã nhanh chóng bị lên án từ nhiều phía, bao gồm cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, cơ quan quản lý bóng đá thế giới FIFA, TFF và giới truyền thông. Hàng loạt bài báo với các tiêu đề “Một cú đấm đáng xấu hổ” hay “Vụ bê bối” đã lên trang nhất, phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình hình, trong bối cảnh truyền thông kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có hành động cứng rắn hơn để ngăn chặn những sự việc tương tự tái dẫn.
Koca vốn là cựu chính trị gia và là bạn cũ của ông Erdogan, có thể phải đối mặt với mức án hơn 10 năm tù. Hai quan chức khác của câu lạc bộ Ankaragucu cũng đã bị bắt vì vai trò của họ trong vụ tấn công.
Vụ tấn công trọng tài Halil Umut Meler xảy ra chỉ 2 tháng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ được trao quyền đồng đăng cai EURO 2032 cùng với Italy. Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cho biết vụ việc là chuyện nội bộ của mà TFF phải giải quyết nhưng nó ảnh hưởng nặng nề đến danh tiếng của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ.
“Những sự cố kiểu này gây ra tổn hại không thể khắc phục đối với giá trị của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ việc này chưa có tiền lệ nhưng không bất ngờ bởi việc chỉ trích, thậm chí đe doạ trọng tài đang ngày càng gia tăng”, cựu tiền vệ Besiktas và tuyển Thổ Nhĩ Kỳ Ali Gultekin cho biết.
Cuộc khủng hoảng của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ
Cựu trọng tài FIFA Selcuk Dereli nhấn mạnh vụ tấn công trọng tài vừa qua khiến bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ phải “tự nhìn lại mình”. Dereli chỉ ra mối quan hệ đan xen sâu sắc giữa chính trị và bóng đá ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy ảnh hưởng quá mức của chính phủ đối với các khía cạnh khác nhau của môn thể thao này. Theo ông, nếu không giải quyết ảnh hưởng chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ đối với bóng đá, những vụ tấn công trọng tài như vừa qua sẽ không được giải quyết triệt để.
Ngoài ra, theo Gultekin và Dereli, bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ còn có văn hoá khó chấp nhận là việc đổ lỗi cho các trọng tài, khi các đội bóng gặp kết quả không thuận lợi. Tại đây, thông tin cá nhân của các trọng tài, bao gồm lý lịch, mối quan hệ xã hội và hồ sơ sự nghiệp, thường trở thành chủ đề để bàn luận gắt gao trên mạng xã hội.
Trọng tài nổi tiếng Ali Palabiyik, người từng bắt chính ở Champions League và các giải đấu lớn khác, đã nghỉ hưu ở tuổi 42 (độ tuổi vẫn còn sớm với trọng tài), vì nhận quá nhiều chỉ trích từ dư luận, sau những sai lầm của ông trong các trận đấu.
Ông nói: “Số lượng trọng tài ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng giảm do áp lực từ liên đoàn. Bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ nên học cách tôn trọng trọng tài nếu không sẽ khó tìm được trọng tài để điều khiển các trận đấu.
Cần có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với những người gây ra tình trạng tấn công trọng tài, những người mở đường và những người đưa ra những tuyên bố góp phần vào điều đó. Đồng thời, TFF cũng cần thực hiện cẩn thận các biện pháp cần thiết để đảm bảo việc tấn công trọng tài không xảy ra thêm nữa”.