Một cuốn sách biên soạn công phu và người biên soạn hẳn là đam mê cháy bỏng với luật học, với Hiến Pháp hay xa hơn là những thông điệp về tư tưởng lập hiến và lập quốc mà anh muốn truyền tải tới bạn đọc, dù bạn là ai.
Tôi đang cầm cuốn sách HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? của tác giả Nguyễn Cảnh Bình, người mà tôi chưa từng gặp mặt, người cũng không nổi danh trong giới luật học Việt Nam. Tôi khâm phục sự tận tâm của tác giả khi dày công biện soạn cuốn sách này. Điều đặc biệt là anh chưa một ngày ngồi ở trường luật. Anh là dân học hóa. Vậy mà bằng niềm đam mê luật học, anh đã sưu tầm và biên dịch hàng loạt cuốn sách đồ sộ, trong đó có cuốn Hiến Pháp Mỹ mà tôi đang đọc.
Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, tôi đã vô tình đọc được cuốn sách này của anh trong một lần đi hội sách. Tôi mua về và đọc nát. Tôi đã yêu nước Mỹ hơn nhiều từ ngày ấy. Có lẽ những lời anh viết cũng đã chắp thêm ước mơ sang Mỹ du học của tôi dù tôi chưa biết bằng cách nào để thực hiện giấc mơ tuổi trẻ của mình. Nhưng lúc ấy với tôi là đọc, đọc những tư tưởng, biết thêm về những nhân vật vĩ đại của nước Mỹ, hiểu họ nghĩ gì và mong muốn gì cho tương lai con cháu sau này khi ngày ấy họ đang bàn nhau về việc xây dựng một bản Hiến Pháp đặt nền móng cho một chính quyền liên bang ngày nay.
Hôm nay, sau gần 12 năm và sau khi đã đạt được ước mơ học tập tại Mỹ và quay trở về Việt Nam, tôi đọc lại trong một tâm trạng khác. Tôi có nhìn nhận và đánh giá sâu và chân thực hơn, nhưng phải nói thật tôi lại bị lôi cuốn bởi những nhân vật và sự kiện, những tư tưởng lập hiến và lập quốc vô cùng sâu sắc.
Những ngày tháng lịch sử của nước Mỹ cách đây hơn 200 năm (ngày 25 tháng 5 năm 1787), ngày mà đại biểu các tiểu bang quy tụ tại tòa nhà mà ngày nay gọi là Dinh Độc Lập (Independence Hall) để tham dự Hội Nghị Lập Hiến, khai sinh ra Hiến Pháp Hoa Kỳ, một bản Hiến Pháp với nhưng ý tưởng lập pháp, lập quốc và hệ thống chính quyền từ liên bang tới tiểu bang. Tôi đã từng đến thành phố Philadelphia và vào thăm Dinh Độc Lập, được xây dựng từ năm 1753, nơi đã chứng kiến sự ra đời của hai văn kiện lập quốc tối quan trọng của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đó là Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Đối với bất kỳ ai đang đam mê luật học, những tư tưởng lập pháp và các kiến giải về cơ sở và nguồn gốc của những tư tưởng đó, sẽ là nguồn tri thức quý giá hình thành nền tảng dư duy pháp lý vững chãi. Hiến Pháp Mỹ và quá trình tranh biện, thương lượng, nhượng bộ và thỏa hiệp vì một mục tiêu chung là xây dựng một Nhà Nước Liên Bang thống nhất và tập trung quyền lực mà vẫn đảm bảo tôn trọng quyền lập pháp và lợi ích riêng của từng thuộc địa, là nguồn sử liệu luật học sâu thẳm mà tác giả Cảnh Bình đã sưu tầm và chắt lọc từ hàng ngàn trang tư liệu còn lưu lại tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ.
Ngày nay, khi đọc bản Hiến Pháp Mỹ bằng mắt thường, có thể chúng ta chỉ thấy một cuốn luật mỏng gồm 7 Điều và 27 Tu chính án sau 27 lần sửa đổi. Nhưng bạn có biết những vị lãnh đạo lập quốc Hoa Kỳ, trong đó có George Washington, Thomas Jefferson, James Madison hay Benjamin Franklin cũng nhiều luật gia và các chính trị gia đã phải vắt óc suy nghĩ, tranh luận và thỏa hiệp với các đại biểu từ các tiểu bang trong nhiều ngày dòng giã, để cuối cùng chắp bút viết nên những lời hiến định mà cho đến ngay hôm nay vẫn còn nguyên giá trị về tư tưởng, đạo đức và nhân văn.
Ý tưởng lập quốc ban đầu cũng không phải đã rõ ràng ngay. Trước khi có mô hình chính quyền như ngày nay, đã từng có nhiều phương án được các đại biểu đưa ra: Phương Án Virginia, New Jersey và Hamilton. Đây chính là những tranh luận về tính cấp thiết của việc xây dựng một nhà nước liên bang mạnh (Phương Án Virginia) hay xây dựng một liên minh các quốc gia (Phương Án New Jersey) hay mô phỏng lại chính quyền Anh (Phương Án Hamilton). Cuối cùng Phương Án New Jersey và Hamilton đã cùng thất bại. Việc lựa chọn Phương Án Virginia chính là quyết định khôn ngoan của các lãnh tụ lập quốc Hoa Kỳ vì nếu không làm sao có một nước Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ vững mạnh như ngày nay.
Không phải những tư tưởng lập hiến ngay ban đầu đã dễ dàng được chấp nhận, mà phải được đề xuất và giải thích cặn kẽ nhằm thuyết phục những vị lãnh tụ cha đẻ của Hoa Kỳ như George Washington và Thomas Jefferson. Những lá thư qua lại giữa các lãnh tụ đã nói lên điều này. Sau hơn 200 năm khi đọc lại qua lời dịch của tác giả, bạn đọc sẽ thấy những bộ óc vĩ đại của nước Mỹ đã có những tư tưởng lập quốc gì và kiến giải suy nghĩ đó của họ như thế nào. Tác giả đã chọn lọc ra 25 bức thư chứa đựng những đề xuất, những kiến giải và tranh biện khác của nhiều đại biểu khác nhau. Chúng ta hãy cầm cuốn sách và đọc thật kỹ để thấy được những lập luận sắc sảo của các luật sư, nhà chính trị và chính khách thời ấy, như thư của James Madison gửi George Washinton và Thomas Jefferson để giải thích cho 2 ông ấy về các tư tưởng trong bản dự thảo Hiến Pháp năm ấy.
Trong thư gửi George Washington (vị Tổng thống thứ nhất), James Madison (vị Tổng thống đời thứ 4 và là cha đẻ của bản Hiến Pháp Mỹ) đã nêu những băn khoăn của ông về mô hình chính quyền mà theo đó một nền độc lập của các tiêu bang cũng không phải là lựa chọn tối ưu cũng như hợp nhất tất cả các tiểu bang riêng rẽ vào một nền cộng hòa đơn nhất cũng không thích hợp. Ngài James đã đề xuất với Washington rằng nước Mỹ lúc ấy cần có một mô hình trung lập vừa đảm bảo quyền lực tối đa cho chính quyền liên bang và đồng thời không xóa bỏ các chính quyền tiểu bang vì họ vẫn có những lợi ích nhất định. Ông cũng nêu những giải pháp để cân bằng quyền lực của các bang lớn và bang nhỏ thong qua quyền đại diện, quyền đánh thuế và nhập cư, quyền phủ quyết các đạo luật của cơ quan lập pháp tiểu bang….một bộ óc tuyệt vời Ngài James Madison ạ.
Chốt lại, tôi chỉ muốn nói rằng: một cuốn sách biên soạn công phu và người biên soạn hẳn là đam mê cháy bỏng với luật học, với Hiến Pháp hay xa hơn là những thông điệp về tư tưởng lập hiến và lập quốc mà anh muốn truyền tải tới bạn đọc, dù bạn là ai. Chân thành cảm ơn tác giả Nguyễn Cảnh Bình.
Nguyễn Bá Trường Giang
Vài nét về tác giả bài viết
Anh Nguyễn Bá Trường Giang là học giả Fulbright, tốt nghiệp khoa Kinh tế, Đại Học Cornell, New York và khoa Luật, Đại học Luật Boston, Mỹ. Anh Trường Giang từng giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa Anh – Mỹ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; làm cố vấn pháp luật cao cấp tại Hãng luật Baker & McKenzie; giám đốc pháp luật tại Tập đoàn Thiên Minh; chuyên gia cao cấp tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Hiện nay anh là Người Sáng lập và Điều hành The Ivy League Vietnam.