Mỗi lần bạn bỏ qua một “chiếc xe rác”, bạn kiểm soát được cuộc đời mình. Mỗi lần bạn ngừng xả rác vào người khác, bạn thay đổi cả thế giới. Hạnh phúc không ở ngoài tầm tay.
Sống là sống với người khác, bạn sẽ luôn phải đối mặt với những vấn đề vượt quá tầm kiểm soát của mình, trừ khi bạn chọn một cuộc đời cô lập. Có một lời cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, Cho con sự an tĩnh. Để chấp nhận những điều con không thể thay đổi. Can đảm để thay đổi những điều con có thể. Và sự khôn ngoan để biết khác biệt giữa hai điều”.
Cuộc đời khổ, vì bạn rất hay nhầm lẫn giữa hai thứ này. Bạn chỉ có thể sửa đổi bản thân, thay đổi người khác là một chuyện vô cùng khó khăn. Ai sống mà không từng phải đối mặt với những người độc hại: kẻ nói xấu sau lưng, tên đồng nghiệp khó chịu, ông sếp hay bắt nạt… Bạn nên chọn thay đổi họ hay cứ mặc kệ họ để làm việc của mình? Làm sao bạn có thể sống cuộc đời bình an trong khi có quá nhiều “rác thải” trong đời sống tinh thần?
Cuốn sách “Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác” sẽ cho bạn câu trả lời. Trong một lần bắt taxi, tác giả đã chứng kiến một câu chuyện để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc, cũng là nguồn cảm hứng lớn lao để ông viết cuốn sách này. Chiếc taxi của ông đang di chuyển thì bị một chiếc xe khác cắt ngang, suýt gây ra tai nạn. Kẻ đi sai bỗng quay lại và buông những lời lẽ tục tĩu, thô thiển, dù chính hắn ta là người mắc lỗi. Cái kết bất ngờ xảy đến khi bác tài chỉ vẫy chào và mỉm cười lại.
Ngạc nhiên trước sự bình thản của người lái taxi, tác giả tò mò và nhận được câu trả lời: “Có những người giống như ‘chiếc xe rác’ vậy: Họ chứa trong mình đầy ‘rác rưởi’ – sự thất vọng, tức giận và chán nản. Và tất nhiên, họ phải tìm chỗ để trút bỏ mớ rác rưởi đó. Nếu thấy họ trút lên bạn thì bạn đừng đón nhận. Hãy mỉm cười, vẫy chào và chúc họ vui rồi tiếp tục công việc của mình, Cứ tin tôi đi và bạn sẽ thấy hạnh phúc hơn”.
Cuộc sống là 10% những gì xảy ra với bạn và 90% còn lại là những gì bạn phản ứng với nó. Khi bạn cãi nhau với một kẻ ngốc, bạn cũng ngu ngốc không kém gì họ. Trước những con người hay thích “xả rác”, tốt nhất là bạn hay chọn cách bỏ qua, thay vì vấy bẩn bản thân với “đống rác” của họ.
Ngày nay, chúng ta không chỉ phải đối mặt với những “đống rác” ngoài đời thực, Internet còn cung cấp một nguồn rác khổng lồ cho những ai thích can dự vào cuộc đời của người khác.
Mỗi ngày lướt tin tức trên báo, đọc bình luận trên Facebook hay xem thời sự, bạn lại tự chuốc một đống bực bội vào bản thân khi không thể hiểu tại sao lại có lắm người ngu ngốc đến vậy. “Phát biểu như thế mà cũng đòi làm lãnh đạo à!”; “Tại sao ăn học đàng hoàng mà lại có thể coi thường người khác thế nhỉ”; “Làm người của công chúng mà không biết dùng não sao”. Và thế là, bạn tự đi ôm đống rác của hàng trăm người không quen biết và tự khiến cuộc đời của mình thành bãi phế thải.
Tác giả nhắc nhở chúng ta rằng ai cũng có lựa chọn: Dù cuộc đời có tệ bạc, bạn vẫn có thể chọn cách bỏ qua, thay vì giữ sự hậm hực trong lòng. Trước khi đòi lại công lý cho cư dân mạng, nâng cao nhân phẩm cho loài người, tạo ra một Facebook trong sạch và đẹp đẽ hơn, bạn có thử nghĩ liệu mình còn đang có công việc quan trọng phải làm, hơn là đi dọn dẹp những thứ “chướng tai, gai mắt” từ thiên hạ.
Vì vậy, hãy đọc cuốn sách và thực hiện lời kết “Nói không với xả rác bừa bãi”. Hãy cách ly sự tiêu cực của người khác, thay vì nhân rộng nó. Như tác giả đúc kết: “Khi bạn sống trong vùng không có “xe rác”, bạn sẽ cảm nhận được lợi ích mỗi ngày. Những điều từng làm phiền bạn giờ không còn. Những chuyện tiêu cực mà bạn không thể điều khiển đã thôi đè nặng lên bạn. Mỗi lần bạn bỏ qua một “chiếc xe rác”, bạn kiểm soát được cuộc đời mình. Mỗi lần bạn ngừng xả rác vào người khác, bạn thay đổi cả thế giới. Hạnh phúc không ở ngoài tầm tay.”
Trạm Đọc tổng hợp | Nguồn Ảnh: Sưu Tầm